Nhạc sĩ Hoàng Việt và những bài ca còn mãi với đời
Tối 23-9, tại Nhà hát Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tổ chức chương trình nghệ thuật chân dung âm nhạc - nhạc sĩ Hoàng Việt với chủ đề “Tình ca dâng cả bao người”. Chương trình nghệ thuật đặc biệt nhằm vinh danh, tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Việt nhân dịp 95 năm ngày sinh của ông.
Ca sĩ Hồ Trung Dũng, Võ Hạ Trâm trình bày ca khúc Vẳng từ quê mẹ của nhạc sĩ Hoàng Việt. |
Nhạc sĩ Hoàng Việt còn được biết đến với các bút danh khác là Lê Trực, Hoàng Việt Hận và Lê Quỳnh. Ông có tên khai sinh là Lê Chí Trực. Ông sinh ngày 28-2-1928 tại Chợ Lớn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) và hy sinh ngày 31-12-1967 tại bờ kênh Ả Rặt, làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang khi mới 39 tuổi.
Lớn lên từ đô thành Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác từ rất sớm, rồi theo tiếng gọi của non sông, ông đi kháng chiến, được tập kết ra Bắc, được Nhạc viện Việt Nam cử sang học tại Nhạc viện Bulgaria. Ông tốt nghiệp loại ưu với bản giao hưởng “Quê hương” và “Quê hương” - bản giao hưởng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam được trình diễn ba buổi tại đất nước được mệnh danh là "xứ sở của hoa hồng".
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố phát biểu tại chương trình. |
Trở về nước, sau khi bản giao hưởng “Quê hương” được vang lên tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Việt tình nguyện vượt Trường Sơn, trở về miền Nam đang còn trong khói lửa chiến tranh. Và trong khói lửa chiến tranh, nhạc sĩ Hoàng Việt đã sống, sáng tác và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Có thể nói, Hoàng Việt là một trong những nhạc sĩ đầu tiên ở nước ta được học hành chính quy, kết hợp được hai yếu tố cực kỳ quý giá đối với một người sáng tác: thực tế đời sống và đào tạo bài bản.
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Minh Tâm trình bày ca khúc Tình ca. |
Yếu tố thứ nhất giúp ông cho ra đời những bài hát luôn nóng hổi hơi thở thời cuộc; yếu tố thứ hai tạo nên sự chững chạc, sung mãn, mang tính chuyên nghiệp của âm nhạc bác học. Những năm tháng học tại nước bạn Bulgaria, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc, trong đó có bản Giao hưởng mang tên “Quê hương”. Đây là bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam gồm 4 chương đã biểu hiện được truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc chống mọi kẻ thù xâm lược.
Với một bút pháp vững vàng, tác phẩm dạt dào âm hưởng yêu nước, tự hào dân tộc, chất trữ tình hòa quyện với anh hùng ca đã có sức thuyết phục lớn đối với người nghe. Hoàng Việt đã khai thác chất liệu âm nhạc từ 9 ca khúc cách mạng và hai bài dân ca để tạo nên ngôn ngữ của tác phẩm giao hưởng.
Bên cạnh khí nhạc, nhắc đến ông, khán giả yêu nhạc còn nhớ ngay đến những ca khúc có giai điệu đẹp như: Tiếng còi trong sương đêm, Lá xanh, Lên ngàn, Mùa lúa chín, Nhạc rừng, Tình ca… Đây là những ca khúc gắn bó với nhiều thế hệ, đã đồng hành cùng nhân dân, cùng đất nước trong suốt hành trình giữ nước và xây dựng đất nước và đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam.
Tam ca nữ trình bày ca khúc Mùa lúa chín. |
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, tác phẩm âm nhạc của Hoàng Việt đa dạng về nội dung, phong phú về tiết tấu, sâu lắng thiết tha về giai điệu, truyền tải được tinh thần chiến đấu kiên cường của dân tộc quyết giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, đồng thời cũng bộc lộ được tâm hồn thiết tha yêu đời yêu người của dân tộc Việt Nam.
Do cuộc đời quá ngắn ngủi, nên ông để lại không nhiều tác phẩm, nhưng đó là những tài sản tinh thần vô giá, sống mãi với thời gian, càng theo năm tháng, dường như càng tỏa sáng long lanh như những viên ngọc quý, không lớp bụi nào có thể phủ mờ.
Nhìn lại toàn bộ sáng tác của Hoàng Việt - cả ca khúc và khí nhạc, ta thấy rõ ông luôn hướng đến những tình cảm lớn của dân tộc về quê hương, đất nước, về cách mạng, giải phóng, tuy sâu sắc nhưng dung dị, không hô hào, đao to búa lớn. Mọi tình cảm riêng tư đều được hòa quyện nhuần nhuyễn với tình cảm chung của mọi người giữa bối cảnh đất nước chưa được trọn vẹn độc lập, tự do. Điều đó tạo nên giá trị tư tưởng lớn trong các tác phẩm của ông. Ông đích thực là một nghệ sĩ lớn, đồng thời là một chiến sĩ dũng cảm.
Nghệ sĩ Ưu Tú Vân Khánh trình bày ca khúc Lên ngàn. |
Với những cống hiến lớn lao, năm 1985, một tên đường của Thành phố Hồ Chí Minh được đặt tên theo tên nhạc sĩ Hoàng Việt. Năm 1996, nhạc sĩ Hoàng Việt được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và năm 2011, nhạc sĩ Hoàng Việt được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hoàng Việt đã sống trọn với ý nghĩa một nghệ sĩ chân chính. Tác phẩm của ông, đặc biệt là bài hát “Tình ca” lại càng sáng đẹp, phát huy tác dụng bội phần giữa sự trân trọng, ngưỡng mộ của nhiều thế hệ công chúng. Sự ra đi quá sớm của ông đã để lại thiệt thòi lớn trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam và khó có thể bù đắp.
Trong gần 120 phút của chương trình, khán giả đã được thưởng thức lại những bài ca còn mãi với đời của nhạc sĩ Hoàng Việt cùng trích đoạn vở kịch Bản giao hưởng dang dở, qua phần thể hiện của các ca sĩ, nghệ sĩ: Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Minh Tâm, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thiện, Nghệ sĩ Ưu tú Vân Khánh, Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Quốc, Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Trinh, Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng, Quốc Đại, Cao Công Nghĩa, Hòa Hiệp…
Theo nhandan.vn