.

TP. Mỹ Tho: Lễ hội đường phố "Vui hội Trăng Rằm" năm 2023 có gì mới?

Cập nhật: 09:25, 18/09/2023 (GMT+7)

Trong 2 ngày 23 và 24-9, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Lễ hội đường phố “Vui hội Trăng Rằm” với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Ngoài việc tạo điểm đến và không gian vui chơi cho người dân thành phố, đây còn là dịp để TP. Mỹ Tho quảng bá hình ảnh địa phương.

PHONG PHÚ CÁC HOẠT ĐỘNG

Hình ảnh Lễ hội tại Công viên Tết Mậu Thân năm 2022.                			                                                                                                                                              Ảnh: LÝ OANH
Hình ảnh Lễ hội tại Công viên Tết Mậu Thân năm 2022. Ảnh: LÝ OANH

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em thành phố có không gian vui chơi, giải trí lành mạnh, Lễ hội đường phố “Vui hội Trăng Rằm” TP. Mỹ Tho năm 2023 sẽ được tổ chức nhân dịp Tết Trung thu năm nay.

Đây là năm thứ 2, TP. Mỹ Tho tổ chức Lễ hội “Vui hội Trăng Rằm” với nhiều hoạt động phong phú, có sự tham gia của tất cả các trường học thuộc ngành Giáo dục thành phố. Lễ hội được kỳ vọng góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân thành phố, quảng bá hình ảnh của địa phương và từng bước hình thành sản phẩm du lịch mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng, so với lần tổ chức trước, quy mô Lễ hội lần này lớn hơn. Các bức tường lồng đèn được các trường trang trí hoành tráng hơn. Lễ hội sẽ có thêm một số hoạt động mới như: Biểu diễn múa rối nước, Hội thi "Hóa trang" và Chương trình tương tác “Sống xanh - Sống khỏe”.

Lễ hội năm nay diễn ra vào ngày 23 và 24-9-2023 (nhằm ngày 9 và 10-8 âm lịch) tại khu vực Công viên Tết Mậu Thân (phường 4, TP. Mỹ Tho) với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Hội thi “Bức tường lồng đèn”; Hội thi "Hóa trang"; Chương trình “Vầng trăng yêu thương” trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hoạt động tương tác - truyền thông, trải nghiệm, sáng tạo thiếu nhi (tô tượng, nặn đất sét, làm gốm, làm tò he, tạo hình lá dừa…); múa rối nước; đi cà kheo; trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật đường phố (võ nhạc, acoustic, hát với nhau, trưng bày sản phẩm thanh niên khởi nghiệp, không gian ẩm thực)…

Trong đó, điểm nhấn của Lễ hội năm nay chính là 2 hoạt động mới, lần đầu được tổ chức, đó là: Hội thi "Hóa trang" và Chương trình tương tác “Sống xanh - Sống khỏe”. Hội thi "Hóa trang" năm nay có 59 trường học trên địa bàn thành phố tham gia. Mỗi đội là một hoặc nhiều trường tham gia, có từ 20 đến 50 thầy cô giáo và học sinh. Mỗi đội sẽ hóa trang thành các nhân vật trong những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, dân gian phù hợp với trẻ em. Ngoài phần thi diễn trên sân khấu, các đội sẽ tham gia diễu hành tại phố đi bộ. Đây sẽ là một hoạt động mới lạ, hấp dẫn, hứa hẹn thu hút đông đảo người dân nhất là trẻ em đến tham quan, thưởng lãm.

Đối với chương trình “Sống xanh - Sống khỏe”, người tham gia chương trình sẽ đổi pin đã qua sử dụng để nhận lượt tham gia đạp xe tạo ra nguồn năng lượng làm chuyển động lồng đèn kéo quân khổng lồ, phát ra âm thanh, ánh sáng. Hoạt động này mang đến thông điệp kêu gọi mọi người cùng nhau bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe.

SẼ LÀ HOẠT ĐỘNG THƯỜNG NIÊN

Có thể nói, những năm qua, TP. Mỹ Tho luôn nỗ lực trong việc tạo ra những sân chơi, món ăn tinh thần cho người dân thành phố bằng những hoạt động ý nghĩa, vui tươi.

Ngay từ tháng 6-2023, UBND TP. Mỹ Tho đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ hội; trong đó phân công nhiệm vụ cho từng phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND phường, xã, cũng như phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên trong Ban Tổ chức, Tổ giúp việc của Lễ hội. Các công việc đã được các đơn vị triển khai thực hiện và hiện đảm bảo theo tiến độ đề ra.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Mỹ Tho Lê Văn Dũng cho biết: Với lễ hội năm nay, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho, trong phạm vi, trách nhiệm của mình, ngành GD-ĐT thành phố sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch liên ngành đến các trường mầm non, tiểu học, THCS và các trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn thành phố; chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường quan tâm, triển khai thực hiện và tham gia tốt các hoạt động được tổ chức trong Lễ hội sắp tới. Tính đến thời điểm này, các trường đã triển khai thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Theo đó, Hội thi “Bức tường lồng đèn” và “Hóa trang” là 2 trong chuỗi những hoạt động thu hút các trường học trên địa bàn thành phố tham gia sẽ được tổ chức tại Lễ hội năm nay. Hội thi “Bức tường lồng đèn”, có 59 trường học tham gia được chia thành 15 đội.

Cùng với Hội thi “Bức tường lồng đèn”, hiện nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Mỹ Tho cũng đang tích cực chuẩn bị cho Hội thi “Hóa trang” sẽ được diễn ra trong ngày 23-9. Hội thi thu hút 59 cơ sở giáo dục của thành phố tham gia, chia thành 10 đội thi.

ĐỖ PHI

Không khí của Lễ hội đang đến rất gần, các đơn vị đang khẩn trương hoàn tất những công việc chuẩn bị sau cùng để cùng góp phần tạo ra một Lễ hội vui tươi, ấn tượng phục vụ cho đông đảo người dân trong và ngoài thành phố, đặc biệt là các em nhỏ.

Trong đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông được lãnh đạo TP. Mỹ Tho đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ huy Công an TP. Mỹ Tho đã đề ra kế hoạch thực hiện khá chu đáo đảm bảo Lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, thuận lợi cho du khách tham gia Lễ hội.

Theo đồng chí Lê Thị Bé Phượng, thông qua các hoạt động tại Lễ hội, ngoài việc tạo điều kiện cho trẻ em thành phố có không gian vui chơi, giải trí lành mạnh và các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tham gia đón Tết Trung thu, đây là dịp để TP. Mỹ Tho giới thiệu, quảng bá về hình ảnh địa phương. Về lâu dài, TP. Mỹ Tho sẽ duy trì Lễ hội này thành hoạt động thường niên, tạo nên nét văn hóa độc đáo để thu hút du khách. Thành phố sẽ từng bước xây dựng khu vực Công viên Tết Mậu Thân trở thành phố đi bộ phục vụ đông đảo người dân trong và ngoài thành phố đến thưởng lãm, vui chơi.

Thông qua Hiệp hội Du lịch tỉnh Tiền Giang, thành phố sẽ phối hợp các đơn vị lữ hành du lịch nhằm giới thiệu và kết nối tour du lịch để thu hút khách đến với TP. Mỹ Tho nhiều hơn, góp phần phát triển ngành Du lịch địa phương.

CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO LỄ HỘI ĐÃ SẴN SÀNG

* Bí thư Thành đoàn Mỹ Tho Đặng Hữu Lộc: Sau khi có chủ trương của Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho về việc tổ chức Lễ hội, Thành đoàn Mỹ Tho đã chủ động đề xuất nhiều phần việc để chung tay, góp sức chăm lo cho thiếu nhi. Đến nay, công tác chuẩn bị đang đi vào phần hoàn thiện, đặc biệt là khâu tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho thiếu nhi, các bạn đoàn viên rất háo hức, nhiệt tình tham gia các hoạt động.

Trong Lễ hội lần này, ngoài các hoạt động phối hợp thì riêng Thành đoàn sẽ chủ trì tổ chức không gian trải nghiệm cho thiếu nhi và trưng bày các sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp của TP. Mỹ Tho.

Thành đoàn sẽ chủ trì các hoạt động tạo không gian trải nghiệm cho thiếu nhi như: Tô tượng, làm lồng đèn, trang trí lồng đèn, làm chong chóng, chơi ô ăn quan, làm tò he, làm sản phẩm từ lá dừa, nhảy sạp, vẽ chuồn chuồn tre, chơi kéo co, đi cầu tre… và trưng bày các sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm khởi nghiệp đạt chuẩn OCOP.

* Phó Chủ tịch UBND phường 4, TP. Mỹ Tho  Huỳnh Hữu Phúc: Phường đã ban hành kế hoạch chi tiết về việc tham gia tổ chức Lễ hội. Trong chương trình Lễ hội, UBND phường 4 phụ trách các nội dung, như: Hoạt động nghệ thuật dân gian “Múa rối nước”; Chương trình âm nhạc đường phố Acoustic; hoạt động dân gian “ Đi cà kheo”.

Theo đó, hoạt động nghệ thuật dân gian “Múa rối nước” là môn nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gắn liền với nền văn hóa Đại Việt. Không chỉ đơn thuần là điều khiển con rối trên mặt nước, loại hình này là sự kết hợp của ca, múa, nhạc, diễn hề cùng những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, khói… tất cả tạo thành tiết mục múa rối đặc sắc, sống động, chân thực và giàu cảm xúc.

Còn Chương trình âm nhạc đường phố Acoustic, do Đoàn Thanh niên phường 4 phụ trách. Tại chương trình, các bạn đoàn viên, thanh niên có cơ hội thể hiện tài năng, bản lĩnh của mình, giao lưu với nhau qua những lời ca, tiếng hát. Đây cũng là sân chơi thiết thực, bổ ích, tạo môi trường giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện trên địa bàn thành phố có cùng đam mê, sở thích âm nhạc.

* Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Mỹ Tho Ngô Việt Thanh: Tham gia tổ chức Lễ hội, Phòng Quản lý đô thị chịu trách nhiệm trang trí khu vực vòng bán nguyệt gồm: Hạng mục lồng đèn kéo quân, hạng mục hệ thống xe đạp tạo năng lượng (hoạt động tương tác).

Đồng thời, trang trí lòng đường Tết Mậu Thân với các hạng mục như: Con đường cá chép và sen; con đường cá chép rước ngọc, khi đó sẽ dùng hệ đèn led trang trí, lồng đèn mô hình cá chép, lồng đèn mô hình lá sen, lồng đèn mô hình cá, lồng đèn mô hình mặt trăng để trang trí.

Về tiến độ thực hiện, đơn vị đã ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu và triển khai thực hiện đến ngày 22-9 sẽ hoàn thành, dự kiến 25-9 sẽ tiến hành tháo dỡ. Việc bố trí hệ thống âm thanh điều hành khu vực lễ hội, dự kiến ngày 19-9 sẽ triển khai thi công, đến ngày 21-9 sẽ hoàn thành, dự kiến ngày 25-9 sẽ tiến hành tháo dỡ.

 M. THÀNH - LÝ OANH




 

.
.
.