Về Gò Công để "Tháng 9 ăn rươi, tháng 10 ăn ruốc"
Ruốc có nơi gọi là tép biển vì hình dạng giống con tép đồng thu nhỏ, gọi là tép biển nhưng thân hình ruốc nhỏ như que tăm. Thức ăn của ruốc là các loại vi sinh vật phù du trong nước biển. Mình ruốc trong suốt, nhìn vào tưởng chẳng có tí thịt nào nhưng khi chế biến thành món ăn thì con ruốc biển cho hương vị rất đậm đà. Về Gò Công, tỉnh Tiền Giang vào mùa gió chướng sẽ dễ dàng cảm nhận thấy mùi vị của ruốc biển ở khắp nơi, nhất là các xã ven biển Tân Thành, Tân Điền.
Mùa ruốc ở Gò Công thường bắt đầu khoảng tháng 5 đến tháng 10 (âm lịch), thanh niên có sức khỏe cường tráng kéo nhau ra biển “đẩy ruốc”. Ruốc đẩy về được nhặt sạch rác, rửa sạch, vắt cho ráo nước được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Đầu tiên và đơn giản nhất là món ruốc xào khô, sau khi cho dầu vào chảo, đợi nóng, cho ruốc vào xào, dùng đũa đảo nhanh tay, rồi cho mắm, đường, hành tỏi vào. Khi con ruốc khô ráo và chuyển sang màu nâu đỏ thì tắt lửa, thêm ít tiêu. Món ruốc xào này ăn với cháo, cơm nóng hay cơm nguội đều rất ngon. Ruốc biển tươi mà nấu canh với các loại rau quả như: Mướp, khổ qua, rau tập tàng, bầu, bí thì thật là tuyệt vời, không chỉ ngon mà còn bổ và mát.
Nếu năm nào bội thu, ruốc ăn không hết thì người dân phơi làm ruốc khô. Những ngày nắng tốt, người dân phơi ruốc trước hiên hay trên chái nhà. Ruốc đúng nắng, nhúm vài con ăn sống cũng cảm nhận được vị thơm ngon. Nếu trộn ruốc khô với xà lách, bún, rau thơm, hành, ngò cùng chút mắm tỏi thì thành món gỏi đậm đà phong vị biển. Những ngày mưa dầm, món đơn giản nhất trong nhà là món ruốc khô rang sả ớt. Chỉ cần đun nóng dầu ăn, sau đó cho ruốc, sả xắt nhỏ vào xào rồi thêm mắm, đường, dùng đũa đảo đều để ruốc khô lại.
Món ăn này tuy đơn giản nhưng rất đưa cơm, nhất là vào những ngày tiết trời se lạnh. Hay đơn giản hơn là món ruốc khô chiên trứng. Đầu tiên là xào ruốc với tỏi phi, nêm ít mắm muối, sau đó cho ruốc ra chén, để hơi nguội rồi trút phần ruốc xào này vào trứng, khuấy đều. Nêm gia vị vừa ăn, cho lên chảo chiên. Món ruốc chiên trứng này có mùi thơm đặc biệt, rất ngon, là ký ức tuổi thơ của nhiều người xứ biển.
Kỳ công nhất, đặc sắc nhất vẫn là mắm ruốc chua được người Gò Công thường hay đãi khách hoặc làm quà biếu cho người phương xa khi đến nơi này. Cách làm ruốc chua gần giống như mắm tép, nghĩa là phải có con ruốc tươi, đường, nước mắm ngon, rượu trắng trộn vào cho vào keo, đậy kín, phơi nắng được nữa tháng là dùng được.
Có người còn cho tỏi, riềng vào mắm để được thơm ngon hơn. Đã gọi là ruốc chua thì tất nhiên phải có vị chua do rượu và đường lên men tạo nên, có vị hơi mặn, loãng như mắm tôm, màu hồng nhạt, còn nguyên con chứ không nát như mắm ruốc, mắm tôm.
Khi nhà hết đồ ăn, ta chỉ cần múc ra một chén ruốc chua, thêm một trái ớt là có thể mang ra ăn với cơm nóng ngon lành. Tuy nhiên, để thêm phần hấp dẫn, mắm ruốc chua có thể ăn với thịt ba chỉ luộc kèm thêm chuối chát, rau thơm rồi chấm với ruốc chua thì càng ngon .
Về Gò Công mới hiểu được câu nói: “Tháng 9 ăn rươi, tháng 10 ăn ruốc” để có thể cảm được vị ngọt đậm đà của biển được hấp thụ, kết tinh từ con ruốc mà ông bà ta đã đúc kết thành câu ca dao:
“Muối mè rang với ruốc khô
Có chết xuống mồ cũng dậy mà ăn”.
LÊ HỒNG QUÂN