Thứ Ba, 10/10/2023, 09:15 (GMT+7)
.

Đình Long Hưng: Những giá trị lịch sử đặc biệt trong Khởi nghĩa Nam kỳ

Đình Long Hưng nằm trong khu vực dân cư trên bờ kinh Nguyễn Tấn Thành thuộc ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

 Khu Di tích Đình Long Hưng.
Khu Di tích Đình Long Hưng.

Cũng như một số làng khác, khi lập làng, dân làng xin phép được lập đình. Thời kỳ đầu, người ta gọi đình Long Hưng là Miễu Chánh, do được xây dựng lớn nhất vùng ngay từ cuối thế kỷ XVIII. Khoảng cuối thế kỷ XIX, đình được sửa chữa xây dựng với quy mô lớn trên một vuông đất rộng lớn, hơn 1 mẫu (10.000 m2), hướng về bờ kinh Nguyễn Tấn Thành (khi xưa có tên Lacombe).

Hai bên đình còn có nhà khách và nhà khói, tất cả đều được làm bằng các loại gỗ tốt, cột kê táng đá, ngói âm dương. Trong đình có liễn, hoành phi do các nhóm thợ nổi tiếng trong vùng thực hiện.

Nơi đây vào năm 1940, thực hiện mệnh lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đúng 1 giờ ngày 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho bùng nổ. Đình Long Hưng được Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh chọn làm trụ sở.

Đặc biệt, nơi đây lần đầu tiên trên cả nước, lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên cây bàng ở sân đình. Đồng thời, cũng lần đầu tiên, danh xưng “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên một tấm biểu ngữ treo tại mặt tiền ngôi đình.

Trong cao trào khởi nghĩa diễn ra vô cùng sôi nổi và quyết liệt, tại đình Long Hưng, ngay trong ngày 23-11-1940, trước sự chứng kiến của 3.000 đồng bào, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho ra mắt nhân dân.

Đây là chính quyền cách mạng cấp tỉnh được thành lập đầu tiên trên cả nước. Cũng tại đình Long Hưng, trong những ngày diễn ra cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã được thành lập xét xử công khai những tên phản động. Mặc dù tổ chức và hoạt động chưa được quy củ, nhưng đó thực sự là Tòa án cách mạng cấp tỉnh đầu tiên ở nước ta.

Năm 2005, tỉnh Tiền Giang khánh thành Khu di tích Đình Long Hưng. Sau khi ngôi đình được xây dựng mới và khánh thành, hằng năm vào ngày 23-11 (dương lịch), cán bộ và nhân dân tựu về đình Long Hưng để dự Lễ hội Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, sống lại với không khí hào hùng của cuộc khởi nghĩa năm xưa.

Đình Long Hưng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định 65 ngày 16-1-1995. Với tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt của di tích, năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn thỏa thuận cho phép tỉnh Tiền Giang lập Hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích đình Long Hưng (Nam kỳ Khởi nghĩa).

   NGUYỄN MẠNH THẮNG    

.
.
.