Thứ Bảy, 21/10/2023, 08:17 (GMT+7)
.

Đưa cải lương truyền thống vào đời sống âm nhạc hiện đại

Giới yêu âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự ra đời của nhiều tác phẩm nghệ thuật hình thành từ sự kết hợp giữa các loại hình âm nhạc truyền thống và hiện đại như “Tia sáng cuối cùng”, “Về nghe mẹ ru”, “Phấn hoa màu son”… Điều này cho thấy, sự giao thoa giữa tân và cổ không chỉ tạo nên sản phẩm mới, lạ mà còn giúp đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ.

Hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt 

Nghệ sỹ ưu tú Thoại Mỹ (ở giữa) kết hợp với H-Kray trong buổi ra mắt MV
Nghệ sỹ ưu tú Thoại Mỹ (ở giữa) kết hợp với H-Kray trong buổi ra mắt MV "Phấn hoa màu son". Ảnh: TTXVN phát

Sau hơn nửa tháng ra mắt, sản phẩm có sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và cải lương mang tên “Phấn hoa màu son” do Nghệ sỹ Ưu tú Thoại Mỹ cùng nam ca sỹ H-Kray thể hiện đã nhận được gần 800.000 lượt nghe trên YouTube, 16.000 lượt yêu thích trên nền tảng này. Thành công của sản phẩm đến từ nhiều yếu tố; trong đó có sự kết hợp giữa cải lương với pop, rap mang đến làn gió mới cho khán giả. Hàng ngàn bình luận trên các mạng xã hội bày tỏ sự bất ngờ, thích thú.

“Phấn hoa màu son” kể về câu chuyện tình yêu trải qua nhiều kiếp giữa một đôi nam (H-Kray đóng) và nữ (Trâm Bùi đóng). Nghệ sỹ Ưu tú Thoại Mỹ là cô gái lúc về già. Hình ảnh chàng trai luôn giữ chiếc trâm cài của người yêu gửi thông điệp về tình yêu chung thủy. MV ca nhạc được lấy cảm hứng từ chuyện tình của ông bà nội nam ca sỹ H-Kray. Nam ca sỹ H-Kray bày tỏ hãnh diện khi được kết hợp với một gương mặt kỳ cựu của lĩnh vực sân khấu. Khi thực hiện sản phẩm này, nam ca sỹ muốn khơi gợi lại những giá trị truyền thống trong âm nhạc, kết hợp với hơi thở đương đại của người trẻ.

Trở lại ấn tượng trong năm 2023, Phương Mỹ Chi ra mắt album “Vũ trụ cò bay” vào tháng 9. Trong các ca khúc khiến khán giả yêu thích, đáng chú ý nhất chính là “Chiếc lược ngà” - sản phẩm được lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng với sự kết hợp cùng Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long. “Chiếc lược ngà” là bài hát lạ, hòa trộn giữa dòng nhạc trữ tình, dân ca và vọng cổ. Ca khúc phản ánh sự đột phá trong âm nhạc, hiện đại nhưng vẫn giữ những giá trị văn hóa cốt lõi.

Buổi ra mắt album
Buổi ra mắt album "Vũ trụ cò bay" của ca sỹ Phương Mỹ Chi. Ảnh: TTXVN phát

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long, Phương Mỹ Chi là một ca sỹ trẻ biết thay đổi tầm nhìn và can đảm bước ra khỏi vùng an toàn để “lột xác” với âm nhạc nhiều màu sắc và thể loại. Với ca khúc “Chiếc lược ngà”, anh thấy sự mới mẻ, kết hợp giữa dòng nhạc trữ tình, dân ca và vọng cổ. Những gì mà nữ ca sỹ trẻ này đang làm là một bước tiến, một xu hướng mới để các bạn trẻ thay đổi góc nhìn.

Cùng với “Chiếc lược ngà”, các ca khúc trong album mới ra mắt của Phương Mỹ Chi được mượn ý tưởng từ các tác phẩm văn học như: Đẩy xe bò (truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân), Vũ trụ có anh (chuyện cổ tích Tấm Cám), Những ngôi sao xa xôi (truyện ngắn cùng tên của Lê Minh Khuê), Bóng phù hoa (chuyện Người con gái Nam Xương, trích Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ), Hai đứa trẻ (truyện ngắn cùng tên của Thạch Lam)… Ca sỹ Phương Mỹ Chi cho biết, việc kết hợp cải lương, vọng cổ là điều mà cô đã chú trọng trong sản phẩm lần này. Bởi vì chất liệu giao thoa giữa truyền thống và hiện đại vừa không làm tác phẩm bị đơn điệu vừa dễ chạm đến trái tim của khán giả trẻ. Đồng thời, các tác phẩm vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam.

Thực tế, thị trường trước đó đã có một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác được mang vào âm nhạc hiện đại. Đơn cử như: xẩm kết hợp với rap, nhạc điện tử trong “Xẩm Hà Nội” của Hà Myo hay xẩm kết hợp cello trong “Công cha ngãi mẹ sinh thành” của Tân Nhàn. Nam ca sỹ Quân AP kết hợp giữa quan họ Bắc Ninh và rap, nhạc EDM trong “Giao duyên - Ngồi tựa mạn thuyền”, trình diễn trong chương trình “Thần tượng đối đầu thần tượng” cũng để lại được nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Nhìn chung, cải lương vẫn thường được sử dụng nhiều hơn để thêm gia vị cho âm nhạc hiện đại.

Theo nhiều nghệ sỹ, bản chất dễ dàng tiếp nhận cái mới và tính mở giúp cải lương phần nào có sự thuận lợi hơn các thể loại khác. Những sản phẩm đó đều dễ dàng tạo hiệu ứng truyền thông tốt, vì đánh vào tâm lý tò mò, luôn thích sự mới lạ của khán giả. Chính những cuộc “giao duyên” này đã giúp môn nghệ thuật truyền thống có tuổi đời trăm năm mở rộng phân khúc người nghe, đến gần hơn với khán giả trẻ.

Đến gần hơn với giới trẻ

Nghệ sỹ nhân dân Bạch Tuyết kết hợp với rapper Wowy ra mắt MV ca nhạc
Nghệ sỹ nhân dân Bạch Tuyết kết hợp với rapper Wowy ra mắt MV ca nhạc "Tia sáng cuối cùng". Ảnh: TTXVN phát

Sự kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống trong âm nhạc không những khiến tác phẩm trở nên mới mẻ, ấn tượng mà còn mở ra xu thế của tương lai, hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt. Nghệ sỹ Ưu tú Thoại Mỹ cho rằng, việc cải lương kết hợp với nhạc trẻ nhằm tạo cơ hội để loại hình nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với lớp khán giả trẻ tuổi, xa hơn là quảng bá di sản văn hóa đến bạn bè quốc tế.

Do đó, khi tham gia MV “Phấn hoa màu son” cùng nam ca sỹ H-Kray, để phù hợp với âm nhạc, phong cách và cả kỹ thuật ghi hình của thể loại nhạc trẻ, nghệ sỹ luôn cố gắng thay đổi từ cách biểu diễn vũ đạo đến cách ca, lối ngân nga. Thách thức lớn nhất của nữ nghệ sỹ lúc đó là làm sao để giữ lại hương sắc của cải lương, nhưng cũng phải thể hiện được tinh thần âm nhạc.

Sau thành công của “Về nghe mẹ ru” (sản phẩm kết hợp cùng ca sỹ Hoàng Dũng và nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền), Nghệ sỹ Nhân dân Bạch Tuyết tiếp tục có màn kết hợp với rapper Wowy khi ra mắt MV “Tia sáng cuối cùng”. Sự giao thoa đương đại trong “Tia sáng cuối cùng” đã mở ra những trải nghiệm mới với sự pha trộn độc đáo giữa pop, rap, world music và âm nhạc dân gian. MV còn sử dụng nghệ thuật tạo hình AI và công nghệ 3D projector mapping kết hợp vũ điệu đương đại, mang lại thể nghiệm thưởng thức âm nhạc đầy ấn tượng.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Bạch Tuyết, cải lương là loại hình âm nhạc có thể dung nạp cũng như song hành cùng nhiều loại hình âm nhạc khác. Điều cần chú ý là biết cách khai thác và đặt đúng chỗ, để sự thể nghiệm không làm mất đi nét đẹp nghệ thuật truyền thống. Mặc dù các dự án “bắt tay” của cải lương và nhạc trẻ chưa thể mang cải lương trở về thời hoàng kim nhưng bước đầu đã mở đường cho loại hình nghệ thuật này trở nên đặc biệt, dễ cảm, gần gũi, len lỏi vào tâm trí người trẻ Việt.

Là người có hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, là thầy của nhiều thế hệ nghệ sỹ nổi tiếng, đạo diễn của nhiều tác phẩm sân khấu đỉnh cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc mong rằng, trong tương lai, bằng nhiều cách, Thành phố sẽ khuyến khích được nhiều ca sỹ, nghệ sỹ trẻ tham gia, lựa chọn chất liệu nghệ thuật truyền thống để đưa vào đời sống âm nhạc, nghệ thuật hiện đại; từ đó, tạo ra những tác phẩm có sức sống, đi sâu vào tâm trí khán giả.

Để sự kết hợp này trở thành một xu hướng lâu dài, theo Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, các ca sỹ, nghệ sỹ nói chung cần là những người am hiểu sâu sắc từng loại hình nghệ thuật, để khi kết hợp không làm bão hòa mà cùng nhau tỏa sáng. Bên cạnh đó là sự kết hợp với các chuyên gia ở các lĩnh vực chuyên ngành, vừa bổ trợ, vừa điều chỉnh lẫn nhau; từ đó, mang đến những tác phẩm sáng tạo phù hợp với thị hiếu công chúng, mang đậm giá trị nghệ thuật và có sức sống bền vững.

(Theo https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/dua-cai-luong-truyen-thong-vao-doi-song-am-nhac-hien-dai-20231020163420311.htm)

 

 

 

 

 

 

.
.
.