Thứ Hai, 30/10/2023, 10:55 (GMT+7)
.
LIÊN HOAN "THANH NIÊN HÁT DÂN CA, VỌNG CỔ" TỈNH TIỀN GIANG:

Sân chơi bổ ích cho thanh niên

Bên cạnh những phong trào xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tuổi trẻ Tiền Giang còn phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia sôi nổi các liên hoan dân ca, vọng cổ.

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN), đặc biệt phong trào văn hóa văn nghệ là một trong những hoạt động thiết thực, bổ ích để giúp ĐV-TN phát huy những kỹ năng sinh hoạt tập thể; đồng thời góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc như các làn điệu dân ca, vọng cổ.

Những làn điệu mượt mà, sâu lắng của các bài lý, bài hò, bài vọng cổ đã gắn liền với vùng quê sông nước miền Tây với hình ảnh người dân Nam bộ chân chất, phóng khoáng. Đặc biệt, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 và được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2013.

Một tiết mục tại Liên hoan “Thanh niên hát dân ca, vọng cổ” lần thứ X năm 2023.
Một tiết mục tại Liên hoan “Thanh niên hát dân ca, vọng cổ” lần thứ X năm 2023.

Vừa qua, Tỉnh đoàn Tiền Giang tổ chức Liên hoan “Thanh niên hát dân ca, vọng cổ” tỉnh Tiền Giang lần thứ X, năm 2023 với sự tham gia của 17 đội dự thi đến từ các huyện, thành, Thị đoàn và cơ sở Đoàn trực thuộc thi diễn những tiết mục văn nghệ gắn với nét nổi bật của từng địa phương, tình yêu quê hương đất nước, đối với Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam…

Thông qua các bài dân ca, các ca khúc mang âm hưởng dân ca và những bài ca cổ, những điệu đờn ca tài tử là đặc trưng của các vùng miền trên cả nước, liên hoan còn là môi trường để ĐV-TN trên các lĩnh vực giao lưu, chia sẻ, cùng đưa lời ca, tiếng hát đến với nhân dân, đến với cộng đồng.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa nghệ thuật TX. Gò công Vũ Hùng cho biết, thông qua Liên hoan “Thanh niên hát dân ca, vọng cổ”, em cảm thấy rất vui và hào hứng. Từ một người chưa biết gì về vọng cổ nhưng thông qua hoạt động lần này đã giúp em có thêm nhiều kiến thức về dân ca, đặc biệt là vọng cổ. Ngoài ra, hoạt động lần này không những giúp em mà còn giúp toàn đội TX. Gò Công có thể truyền bá hình ảnh đất và người Gò Công, nhất là đã tái hiện lại nhân vật Trương Định qua trích đoạn “Bình Tây Đại nguyên soái”.

Còn em Trần Thị Kim Thoa, đoàn viên Thành đoàn Mỹ Tho chia sẻ: Em say mê cải lương, vọng cổ, các câu hò, điệu lý từ khi còn bé, qua những lần ngồi nghe trên radio và băng cassette cùng với ông bà. Từ đó, em tự mày mò và say sưa hát theo các cô, chú nghệ sĩ. Trong giai đoạn hiện nay, giới trẻ đã ít quan tâm về các thể loại nhạc, tuồng truyền thống mà có xu hướng nghe và học theo các thể loại nhạc hiện đại. Em mong muốn sẽ có nhiều cuộc thi, sân chơi, nhiều lớp đào tạo về các loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam, nhằm phát triển và tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Luân cho biết: Việc tổ chức Liên hoan “Thanh niên hát dân ca, vọng cổ” nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc, góp phần cụ thể hóa các hoạt động để thực hiện Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức các liên hoan tạo sân chơi lành mạnh, đẩy mạnh các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên. Đưa những làn điệu dân ca, vọng cổ đến với thế hệ trẻ, qua đó, kêu gọi sự chung tay của tuổi trẻ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương.

THIÊN LÝ

.
.
.