Thứ Ba, 10/10/2023, 17:28 (GMT+7)
.

Mãi mãi ghi nhớ công lao đồng chí Nguyễn Thị Thập

Để tri ân công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Thập (Mười Thập), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng nhà thờ đồng chí tại Khu di tích Đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành.

Đây là một trong những công trình thể hiện sự tôn kính và đầy tự hào của người dân Tiền Giang; nơi đã tập hợp, lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh nhà, trở thành một điểm về nguồn không thể thiếu của khách gần xa mỗi khi đến Tiền Giang.

GIỮ GÌN “ĐỊA CHỈ ĐỎ”

Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập - nơi thờ và lưu giữ những hiện vật của đồng chí.
Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập - nơi thờ và lưu giữ những hiện vật của đồng chí.

Khu di tích Nam kỳ Khởi nghĩa (trước đây gọi là Đình Long Hưng), tọa lạc tại ấp Long Thạnh, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, bao gồm quần thể các công trình: Bia ghi dấu địa chỉ xét xử đầu tiên ở Nam bộ, Nhà trưng bày lịch sử cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ của tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập, Đình Long Hưng và Nhà bia ghi danh liệt sĩ… Tất cả được bao phủ trong vườn cây kiểng xanh mát, được dày công chăm sóc. Trong đó, nơi được nhiều người đến viếng là Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập, được hoàn tất vào dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày Nam kỳ Khởi nghĩa 23-11-2005.

Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập là ngôi nhà gỗ theo kiến trúc cổ Nam bộ, mái lợp ngói âm dương, với diện tích 235 m2, gian giữa thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập. Trên bàn thờ là tượng đồng chí Nguyễn Thị Thập bằng đồng, nặng 200 kg do Nhà điêu khắc Phước Sanh khắc, hoàn tất năm 1992; xung quanh trưng bày những hình ảnh, hiện vật và vật dụng của đồng chí khi còn sống, đi công tác trong và ngoài nước được trao tặng… Gian thờ quanh năm khói hương, hoa, quả trên bàn thờ đã cho thấy tấm lòng của người dân khắp nơi đối với đồng chí.

Nhiều năm gắn bó với công việc thuyết minh tại Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập, chị Lê Thị Huyền Linh cảm thấy tự hào khi là người trực tiếp giới thiệu đến du khách về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Thập, người được xem là biểu tượng của Phụ nữ Việt Nam. Chị Linh cho biết, trước đây, chị biết về cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ và đôi nét về cuộc đời của đồng chí Mười Thập qua sách vở.

Khi gắn bó với khu di tích, đặc biệt là Nhà thờ đồng chí Mười Thập, tìm hiểu sâu hơn về một huyền thoại, chị Linh càng tôn kính đồng chí Mười Thập - một phụ nữ kiên cường của dân tộc. Điều đó thôi thúc chị càng phải trau dồi kiến thức để dẫn dắt khách tham quan hòa vào bối cảnh kháng chiến hào hùng của từng thời kỳ, hiểu hơn về cuộc đời, thân thế và sự cống hiến của đồng chí Mười Thập. Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập được xây dựng đã đáp ứng sự mong mỏi của người dân Long Hưng nói riêng và người dân Tiền Giang nói chung.

NHỮNG DÒNG LƯU NIỆM ĐẦY TÔN KÍNH

Với những giá trị lịch sử to lớn trong Khởi nghĩa Nam kỳ, Khu di tích Nam kỳ Khởi nghĩa đã đón nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngày 28-1-2007, khi đến thăm Khu di tích Nam kỳ Khởi nghĩa, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh viết: “Đình Long Hưng - Di tích lịch sử Quốc gia, nơi đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11-1940, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi của nhân dân ta không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

Những dòng lưu niệm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lúc bấy giờ.
Những dòng lưu niệm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lúc bấy giờ.

Tinh thần đó đã được phát huy cao độ, làm nên những chiến công thần kỳ, góp phần tạo nên thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn của đất nước ta trong chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng lên tầm cao mới, vượt qua thử thách khó khăn, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng về mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Tháng 7-2013, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân khi đó giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, ghi lại cảm xúc khi đến viếng Khu tưởng niệm Nam kỳ Khởi nghĩa và thăm Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân viết: “Cô Mười Thập - một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Cô Mười là tấm gương sáng cho phụ nữ Việt Nam và các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo để tiếp tục sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, vững mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa”.

Năm 2020, Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (20-10), Đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam về thăm quê hương cách mạng Khởi nghĩa Nam Kỳ, nơi ghi dấu những chiến công vang dội, khởi nguồn của phong trào nổi dậy chống Pháp của nhân dân Nam kỳ.

Đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam ghi vào sổ lưu niệm, có đoạn: “Chúng con vô cùng tự hào và trân trọng những công lao đóng góp của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, trong đó có sự nghiệp đấu tranh vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam”, “Thay mặt cho phụ nữ cả nước, chúng con xin nguyện sẽ kế tục xứng đáng truyền thống cách mạng vẻ vang của các bà, các cô, các chị… tiếp tục phát huy tốt các hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Ngày 23-11-2005, đồng chí Huỳnh Hữu Kha, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang đến dâng nén hương tưởng nhớ và viết vào sổ lưu niệm: “Cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 ở tỉnh ta là một bộ phận trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ lịch sử, khẳng định bản lĩnh cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và sự hy sinh cao cả của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang mãi mãi tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương Nam kỳ Khởi nghĩa, luôn gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Nhân kỷ niệm 65 năm Nam kỳ Khởi nghĩa (23-11-1940 - 23-11-2005), đồng chí Nguyễn Hữu Chí, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã viết: “Tôi rất vui mừng khi Khu di tích được hoàn thành và đưa vào dịp kỷ niệm 65 năm Nam kỳ Khởi nghĩa để phục vụ đồng bào, đồng chí đến viếng và tưởng nhớ các bậc tiền bối cách mạng… Tôi mong Ban Quản lý Khu di tích và chính quyền địa phương bảo tồn và giữ gìn khu di tích luôn là nơi tôn kính cho muôn đời sau”.

Những hình ảnh, câu chuyện về đồng chí Nguyễn Thị Thập được lưu lại, kể lại với tình cảm tôn kính, khâm phục đồng chí và Khu di tích Nam kỳ Khởi nghĩa là nơi giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về đồng chí. Hằng năm, khu di tích đón hàng ngàn lượt du khách xa gần đến tham quan, tìm hiểu về cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ và đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Với tấm lòng biết ơn vô hạn đối với sự cống hiến, hy sinh vì Đảng, vì nước, vì dân của đồng chí Nguyễn Thị Thập nên Khu di tích lịch sử Nam kỳ Khởi nghĩa luôn thu hút đông khách đến tham quan, viếng Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập, đặc biệt là vào những dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10, Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11)… để mãi nhớ ơn đồng chí!

MAI THẢO

.
.
.