Dấu vết tiền thân mở cõi vùng đất Cái Bè
Khu mộ ông Lê Văn Hiếu, tọa lạc tại xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích 236,88 m2, bao gồm: Cổng, bình phong, khu mộ, đền thờ, quay về hướng Bắc (ngụ ý nhớ về quê cha, đất Tổ).
Ngôi mộ được xây dựng cách đây hơn 200 năm, với dáng vẻ cổ kính, rêu phong theo thời gian, nhưng vẫn còn khá chắc chắn.
Quần thể kiến trúc ngôi mộ được giữ nguyên trạng, toàn bộ ngôi mộ được xây dựng bằng vật liệu hợp chất đá ong cùng với chất kết dính ô dước. Điện thờ và ngôi mộ được bao bọc bởi hàng rào bê tông cốt thép theo kiểu “thượng song hạ bản”, nền tráng bằng xi măng.
Hàng rào có 6 trụ (4 trụ, 4 góc và 2 trụ cổng) hình vuông, bên trên là 357 thanh song được làm bằng bê tông cốt thép. Cổng rào được làm bằng sắt được xây dựng lại năm 1970.
Phía trước ngôi mộ là tấm bình phong được xây dựng bằng hợp chất ô dước hình chữ nhật. Mặt sau bình phong được trang trí đắp nổi 2 con kỳ lân chầu nhật.
Ngôi mộ nằm ở vị trí trung tâm, xây theo dạng khung đóng được bao quanh bởi một vòng thành hình chữ nhật làm bằng hợp chất ô dước, cổng có 2 trụ hình chữ nhật, bên trên trụ cổng có búp sen.
Khu mộ ông Lê Văn Hiếu. |
Phía trước nhà mồ, nấm mộ là tấm bia mộ được làm bằng đá xanh nguyên khối có vân trắng. Bia mộ bao gồm 3 phần: Đế bia, thân bia và trán bia. Trán bia có dạng hình chữ “Kim” với đường viền uốn lượn, chạm nổi hình hoa lá chính giữa có hoa sen.
Thân bia hình chữ nhật, diềm chạm nổi hình hoa lá dây uốn lượn hình sin cách điệu. Bia được đặt trên một dạng sập chân quỳ (đế bia). Nội dung bia được khắc nổi bằng Hán tự.
Theo tác giả Nguyễn Đông Triều trong bài Nội tổ của Lê Văn Duyệt và ngôi mộ cổ ở Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số 453, tháng 11-2014: Bên trên cùng là 2 chữ “Việt cố” (đây là cách ghi trên bia mộ của người xưa khi chôn cất để xác định người Việt ngày xưa từ miền Bắc di cư sớm vào vùng đất phía Nam); cột chữ nhỏ ở bên phải “Tuế tại Giáp Tuất trọng hạ nguyệt cát nhật” (tạm dịch: Ngày lành tháng 5 năm Giáp Tuất); cột chữ lớn chính giữa bia “Hiển khảo tặng Quang Tiến Chiêu Nghị Tướng quân Cai cơ Lê hầu chi mộ” (tạm dịch: Mộ của cha họ Lê được ban chức Cai cơ tặng Quang Tiến Chiêu Nghị Tướng quân tước Lê hầu); cột chữ nhỏ bên trái “Hiếu tử Khâm sai Chưởng cơ tự Toại lập” (tạm dịch: Con tên là Toại giữ chức Khâm sai Chưởng cơ lập bia).
Căn cứ vào niên đại được ghi trong văn bia, có thể khẳng định, đây là ngôi mộ của cụ Lê Văn Hiếu, bia được con là Lê Văn Toại lập vào năm Giáp Tuất (1814).
Sau tấm bia mộ là nhà mồ, nấm mộ hình chữ nhật, được xây dựng bằng hợp chất ô dước. Phía sau nấm mộ là tấm bình phong hình chữ nhật, hai bên đắp nổi hoa văn long vân (rồng, mây), được làm bằng hợp chất ô dước.
Theo Hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng Tiền Giang và tư liệu dòng họ Lê Văn: Ông Lê Văn Hiếu, người làng Bồ Đề, huyện Mộ Hoa (nay là huyện Mộ Đức), tỉnh Quảng Ngãi.
Ông là con thứ 7 của Quang Tấn Hộ quân Võ lược tướng quân, Cẩm y vệ cai đội Tánh Thiện Hầu Lê Văn Tánh và bà Trần Thị Quý (ông bà sinh được 6 trai và 5 gái: Thị Sanh, Văn Cao, Văn Kỳ, Văn Bàn, Văn My, Thị Ngày, Văn Hiếu, Thị Huyên, Thị Hớn (Há), Thị Phẩn, Văn Hương).
Lê Văn Hiếu lập gia thất với bà Nguyễn Thị Ân (tự Loan), đến năm 1742 hạ sinh được 1 con trai là Lê Văn Toại (thân phụ của Tả quân Lê Văn Duyệt). Sau khi bà Nguyễn Thị Ân qua đời, ông Hiếu cùng vợ chồng con trai theo đường biển thiên di vào Nam.
Trong sách “Gia phả họ tộc Lê Văn, Lịch sử Lê Văn Duyệt - Lê Văn Phong” có ghi: “Khoảng năm 1760, ông Lê Văn Hiếu cùng vợ chồng con trai Lê Văn Toại rời làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức theo đường biển vào vùng sông nước phía Nam. Lúc ghe vào sông Tiền của xứ Mỹ Tho, thấy đất vàm xanh tốt, ông Lê Văn Hiếu dừng lại lên bờ chặt cây cất nhà khởi đầu cuộc sống.
Nơi đó là vàm Trà Lọt, làng Hòa Khánh, dinh Trấn Định (nay thuộc tỉnh Tiền Giang)”. Tại đây, ông Hiếu cùng con trai xây dựng nhà cửa, khai khẩn đất hoang, do rất thông thạo về sông nước nên ông kiếm sống bằng nghề mò tôm bắt cá. Năm 1764, nổi bệnh dịch tại vàm Trà Lọt, không may ông Lê Văn Hiếu mắc bệnh rồi mất.
Ông Lê Văn Toại chôn cha cách sông Trà Lọt khoảng 100 m. Đến năm 1814, ông Lê Văn Toại sửa sang lại khu mộ khang trang hơn và được lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến nay.
Khu mộ ông Lê Văn Hiếu đã phần nào làm sáng tỏ về sự hình thành và phát triển vùng đất xã Hòa Khánh nói riêng và Cái Bè nói chung. Ngày 2-10-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ra Quyết định 2290 công nhận Mộ ông Lê Văn Hiếu (Nội tổ tả quân Lê Văn Duyệt) là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
NGUYỄN MẠNH THẮNG