Ngọt mát lu nước mưa bên hè
(ABO) Nhà bạn có hàng lu chứa nước mưa không? Nhà bạn có cái máng xối không? Bạn có canh mưa chạy ra hứng nước cho ngoại, cho má không?
Nếu câu trả lời là có, thì chắc bạn là dân miền Tây chính hiệu rồi.
Tôi sinh ra và lớn lên ở quê ngoại miền Tây sông nước, còn quê nội ở tít miền Đông xa xôi. Cho nên khi lớn lên, mỗi lần theo ba má về thăm nội, tôi thấy lạ lẫm với cái giếng nước trong veo ở góc sân nhà nội lắm; mỗi lần dùng nước, nội thả thùng xuống giếng múc nước kéo lên.
Nhà ngoại không có giếng nước, chỉ có hàng lu chứa nước mưa xếp hàng tăm tắp sát bên hè. Ngoại hứng nước mưa từ mùa mưa năm ngoái để dành xài cho tới mùa mưa năm sau. Nhà dì hai, nhà bà cố tư, nhà bà bảy cuối xóm… ai ai cũng có lu, khạp, kiệu để chứa nước mưa, thứ nước mà ngoại hay nói của quý trời cho dân nghèo.
Ở miền Tây, độ khoảng hai chục năm về trước, dọc các con sông nhỏ len lỏi trong các xóm làng, dập dìu những chiếc ghe lớn nhỏ xuôi dòng Cửu Long chở theo lu, khạp, kiệu bóng láng màu da bò in nổi họa tiết rồng bắt mắt từ miền Đông xuôi theo con nước để bán cho người dân miền Tây chứa nước mưa.
Ở miền Tây, nhìn nhà cửa, ruộng vườn, hàng lu nước ở mé hè cũng có thể biết được kinh tế của gia chủ. Nhà ai đủ ăn đủ mặc thì mái lá, vách cây, chừng dăm ba chiếc lu làm bằng xi măng, loại lu này nếu bị bể vẫn có thể dùng xi măng trám lại xài như thường. Nhà ai khá giả, sẽ thấy một hàng dài kiệu bóng láng dọc theo chái nhà ra tận sau bếp.
Nhà ngoại cũng có hàng lu tròn lẵng hơn chục cái nâu nâu xám xám làm bằng xi măng, nắp đậy cũng làm bằng xi măng nằm dọc bên hông nhà, một cái nằm ngay hàng ba có cái máng xối, chỗ này ngoại dùng hứng nước cho ông ngoại và cậu út đi vườn về rửa chân tay, cuốc. Mỗi năm tháng chín đến, ngoại sẽ ra hàng lu nước kỳ cọ, chùi rửa những cái đã xài cạn nước để hứng nước mưa.
Ngoại sẽ bỏ một vài cơn mưa đầu mùa để dội rửa những bụi bẩn, lá cây trên mái nhà còn sót lại, sau đó dùng máng xối, một dạng ống dài nhưng cắt nửa, đầu chảy vào lu nước bọc vải mùng, đầu còn lại canh ngay đầu máng xối chỗ nước trên mái nhà chảy xuống, chừng chục cơn mưa lớn là đầy một hàng lu nước để dùng cho mùa nắng tới. Hứng đầy hàng lu nước mà trời vẫn còn vài cơn mưa lớn là ngoại chặc lưỡi đứng tần ngần tiếc lắm.
Những lúc trời mưa lớn, tôi với thằng Tiến con cậu út hay kiếm chuyện chạy ra chạy vào chỉnh cái máng xối, chủ yếu là để ướt người, thế nào ngoại cũng chửi “Tổ cha mày! Bệnh rồi lại báo ngoại”. Nhưng rồi ngoại sẽ cho ra tắm mưa, sẵn tiện canh lu nước đầy thì lấy thùng múc nước qua lu bên cạnh cho ngoại.
Đối với ngoại, hàng lu nước quý giá còn hơn vàng, vì nó là nguồn nước sạch mát vô tận miễn phí mà ông trời ưu đãi cho người nhà quê. Ngoại vo gạo nấu cơm, nấu canh, nấu nước pha trà cho ông ngoại, tất cả đều gói ghém từ nguồn nước ngọt mát bên hè này. Ngoại nói cơm nấu bằng nước mưa ăn vô ngọt ngào đậm đà dữ lắm, nhà ngoại lợp mái bằng lá chằm, vì vậy nước mưa có màu đỏ ngầu.
Nước cơm chắt ngoại hay để dành cho tôi vì vậy cũng có màu hơi nâu đỏ. Nhưng có làm sao, bỏ cục đường thùng vô khuấy đều, nó nóng nóng, ngọt ngọt, thơm thơm, con nít quê nghèo lớn lên từ những thứ bình dị như thế đó.
Dù có màu gì đi chăng nữa thì màu thời gian, màu tuổi thơ vẫn in đậm bên hàng lu nước. Những ngày hè được nghỉ học, trưa nắng chang chang nhưng tôi, thằng Tiến, tụi con Mai, thằng Hòa, thằng Bảo trong xóm vẫn tụm lại trong cái sân đất nhà ngoại chơi đá thun chà, tạt lon đến chán chê, đứa nào khát nước là chạy u ra mé hè, ở đó ngoại luôn để sẵn một cái gáo múc nước bằng gáo dừa, múc một gáo uống ừng ực, uống tới đâu cảm giác mát lạnh lan tỏa tới đó, vị ngọt thanh đọng lại nơi cổ họng, uống đã đời lại chạy ra tiếp tục cuộc chơi.
Mùa nắng, con nít hay bị nổi rôm sảy đầy người ngứa ngáy, ở quê thì làm gì có thuốc tây, phương thuốc dân gian hiệu nghiệm tức thời đó là tắm nước mưa, xối tới đâu mát lạnh cả người tới đó, cảm giác ngứa cũng dịu đi.
Giờ ngoại già rồi, ngoại không còn đủ sức khỏe để kỳ cọ, canh mưa, hứng nước. Nhưng không sao, vì đã có mợ út làm thay phần ngoại, mợ nói giờ nước máy đã về tới từng nhà, tuy vậy mợ vẫn giữ thói quen nấu ăn, pha trà bằng nước mưa như thời của ngoại. Mợ nói, một phần để ngoại vui, phần nữa, đó cũng là nét quê mà mợ muốn gìn giữ cho con cháu sau này.
TƯỜNG QUÂN