.

Cảm tính cũng có giới hạn

Cập nhật: 15:55, 16/11/2023 (GMT+7)

Trong rất nhiều chương trình truyền hình thực tế, gameshow, khi điểm số dù được quyết định bởi bình chọn của khán giả hay của ban giám khảo hoặc hội đồng chuyên môn thì vẫn luôn tồn tại những tranh cãi về tiêu chí cũng như tính công bằng, minh bạch.

Qua 3 tập phát sóng, một trong những vấn đề nhận được nhiều chú ý nhất ở chương trình truyền hình thực tế Chị đẹp đạp gió rẽ sóng là phần chấm điểm của ban cố vấn.

Theo tiêu chí ban đầu, các thí sinh vừa có giọng hát hay, vừa phải thể hiện khả năng vũ đạo giỏi. Tuy nhiên, phần chấm điểm ở giai đoạn đầu chưa bám sát tiêu chí đó. Không ít thí sinh cố gắng thể hiện cả hai yêu cầu nhưng số điểm cũng khá trồi sụt. Nhiều khán giả hồ nghi, liệu có phải do cái bóng của các nghệ sĩ quá lớn nên dàn cố vấn đã phải chọn “dĩ hòa vi quý”?

Hay như trước đó, kết quả áp đảo đã giúp Hà An Huy đăng quang ngôi vị Quán quân Vietnam Idol 2023. Nhưng trong suốt hành trình cuộc thi, đặc biệt ở các đêm liveshow, không ít thí sinh dù được đánh giá cao hơn nhưng vẫn phải ngậm ngùi ra về trong tiếc nuối với số lượt bình chọn của khán giả thấp hơn.

Còn ở Ca sĩ mặt nạ 2023, khán giả từng phát hiện một chi tiết khá thú vị khi có 3 thí sinh dừng chân đều là những mascot (mô hình/trang phục mô phỏng các linh vật, nhân vật hoạt hình) mới và cùng nhận số bình chọn giống nhau. Theo luật của chương trình, khán giả trường quay sẽ toàn quyền bình chọn cho 4 tiết mục ở mỗi tập phát sóng và từ đó quyết định ai đi tiếp, ai phải dừng lại.

Việc nhiều chương trình giải trí trên truyền hình lựa chọn người đi tiếp thông qua bình chọn của khán giả hiện đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, có 2 vấn đề đặt ra: Liệu khán giả thực sự có đủ chuyên môn, hay chỉ hoàn toàn dựa vào sự cảm tính để cho điểm; và kết quả được thống kê có đảm bảo công tâm? Do đó, việc xuất hiện những nghi vấn có hay không sự thiên vị, sự minh bạch trong điểm số cũng là điều dễ hiểu.

Đối với các tiết mục thi thố, trình diễn ở các chương trình giải trí, ai cũng hiểu việc đánh giá thường nặng về cảm tính, chủ quan, trừ những phần thi lộ rõ nhược điểm hoặc quá tệ. Và cũng không ít trường hợp, việc cho điểm số cao - thấp nằm trong tính toán của ban tổ chức nhằm tạo drama (kịch tính), thậm chí tranh cãi trái chiều để thu hút. Rõ ràng, việc cho một thí sinh thiếu xứng đáng hơn đi tiếp cũng đồng nghĩa là đã tước đi cơ hội của thí sinh còn lại.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.