"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Di tích Vịnh Bà Thu tại ấp 3, xã Tân Bình, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, di tích được nhân dân và chính quyền chăm sóc nhằm phục vụ công tác giáo dục truyền thống của địa phương. Cách đây 83 năm, đây là địa điểm xảy ra cuộc biểu tình quy mô lớn và quyết liệt của cán bộ, quần chúng nhân dân các xã Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông với địch trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940.
QUÁ KHỨ HÀO HÙNG
Theo quyển “Lịch sử Đảng bộ xã Tân Bình” và Hồ sơ di tích Vịnh Bà Thu lưu trữ tại Bảo tàng Tiền Giang: Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, Lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ được chuyển tới làng Mỹ Hạnh Đông và được phổ biến đến các làng ngay trong đêm. Ban lãnh đạo khởi nghĩa Mỹ Hạnh Đông lập tức nổi trống, mõ tập hợp nhân dân.
Sáng 23-11, nhà việc Mỹ Hạnh Đông bị lực lượng khởi nghĩa đánh chiếm. Khoảng 8 giờ sáng, đoàn người nổi trống, mõ, trang bị gậy gộc, giáo mác kéo lên cống Huế nhập vào lực lượng khởi nghĩa của Mỹ Hạnh Trung, kéo ra ngã ba sông Cũ. Tới chợ Cái Chuối (tức chợ Mỹ Hạnh Trung), đoàn biểu tình đã có khoảng 500 người, tràn ra nhà việc làng Mỹ Hạnh Trung với khí thế ào ạt. Dưới sự chỉ huy của Ban lãnh đạo khởi nghĩa, đoàn biểu tình vác cờ, biểu ngữ, tiếp tục đánh trống mõ và hô khẩu hiệu kéo về dinh quận Cai Lậy.
Sinh hoạt truyền thống của Liên Đội Trường THCS Tân Bình (TX. Cai Lậy) tại di tích Vịnh Bà Thu. |
Đến 9 giờ sáng đoàn biểu tình kéo đến vịnh Bà Thu (nay thuộc xã Tân Bình), đến đây thì ca nô của quận trưởng Nguyễn Văn Tâm cũng vừa đến và lính mã tà trên bộ cũng đã tới. Một số anh em trong đoàn biểu tình định lội ra sông nhận chìm ca nô, nhưng bọn mã tà bắn trả nên phải lui trở lại. Quận Tâm ra lệnh bắt người cầm cờ, chị Lê Thị Sảnh vẫn cầm cờ xông lên phía trước thì bị tên Quận Tâm đánh báng súng vào bụng ngã gục. Chị Phan Thị Chạy đang cầm tấm băng, thấy vậy nhảy lên đỡ lấy cán cờ, quyết không để lá cờ của Đảng rơi xuống đất. Đoàn người biểu tình tiếp tục tiến lên.. Bọn mã tà điên cuồng nhả đạn vào đoàn biểu tình. Anh Nông Văn Cư bị trúng đạn, hy sinh. Anh Đoàn Quí Thể, đảng viên xã Tân Bình, bị bắn mù mắt và bị địch bắt cùng 38 người khác.
Trước sự đàn áp dã man của địch, đoàn khởi nghĩa tạm thời rút lui chuẩn bị đối phó với địch. Hàng ngàn lượt người dân Tân Bình tham gia đốn cây ngã ngổn ngang làm chướng ngại vật trên lộ 12, dưới rạch Ba Rài, đoạn từ chùa Khánh Quới đến rạch Nàng Chưng để ngăn chặn địch vào đàn áp cuộc khởi nghĩa. Quận Tâm và lính mã tà đi tuần cẩn mật nên ta không chiếm được nhà việc xã Tân Bình. Cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 ở xã Tân Bình chưa thành vì nổ ra không đúng thời cơ, điều kiện cách mạng chưa chín muồi, bị địch đàn áp đẫm máu nhưng cuộc khởi nghĩa đã nêu cao tinh thần quyết tâm chống thực dân Pháp.
NƠI GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ
Để tưởng nhớ công ơn những người tham gia khởi nghĩa đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, tại ấp 3, xã Tân Bình, TX. Cai Lậy, Nhà nước và nhân dân đã xây dựng Bia tưởng niệm Vịnh Bà Thu, do nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh phác thảo, xây dựng bằng đá granit (6 đoạn), cao 9 m, nền bia bằng bê tông cốt thép, lót gạch men màu nâu đỏ.
Bia có dáng hình khẩu súng, trên các đoạn của thân bia điêu khắc 4 cánh tay nắm chặt đưa lên cao (hình tượng của đấu tranh chính trị), trên cùng là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, phần dưới khắc nội dung lịch sử di tích: “Ngày 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, từ các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Trung, nhân dân biểu tình có vũ trang tiến ra Cai Lậy giành chính quyền hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.
- Tới đây đoàn biểu tình đã bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp đẫm máu, bà Dương Thị Nhậm, ông Nguyễn Văn Cư hy sinh và hơn 20 người khác bị thương.
- Sau đó giặc bắt đi 38 người giam ở Sài Gòn và đày ra Côn Đảo, phần lớn đã hy sinh.
- Đảng bộ và nhân dân Cai Lậy mãi mãi ghi nhớ công ơn các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Nam kỳ”.
Hằng năm, vào ngày 27-7, tại Bia tưởng niệm Vịnh Bà Thu, chính quyền xã và nhân dân trong vùng tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong cuộc đàn áp ở vịnh Bà Thu. Đây còn là nơi để người dân sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Tại địa điểm xảy ra sự kiện vịnh Bà Thu, UBND tỉnh Tiền Giang đã công nhận là Di tích lịch sử vào năm 2000. Phát huy truyền thống bất khuất, anh dũng năm xưa, ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, nhân dân xã Tân Bình đã ra sức thi đua, sản xuất, lập nhiều thành tích đáng tự hào. Năm 2019, Tân Bình đã xây dựng thành công xã nông thôn mới và đang trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
HOÀNG DANH