Thứ Hai, 27/11/2023, 10:18 (GMT+7)
.

Tao nhã thú chơi chim cảnh

Mặc dù thú chơi chim cảnh đã có từ rất lâu, chủ yếu chơi theo phong trào, nhưng những năm gần đây, giới chơi chim cảnh Tiền Giang mới quy tụ, thành lập hội, câu lậc bộ (CLB) thu hút nhiều người tham gia, được tổ chức bài bản và thường xuyên diễn ra các hội thi chim cảnh, giao lưu giữa những người cùng sở thích…

THÚ CHƠI LẮM CÔNG PHU

Anh Võ Tài Trí, phường 7, TP. Mỹ Tho, một trong những người nuôi chim cảnh có nhiều kinh nghiệm cho biết: “Nuôi và chơi chim chào mào quan trọng là tiếng hót của chim. Người chuyên chơi chim chào mào sẽ đoán được xuất xứ của chim khi nghe nó hót. Hiện tại, chim chào mào ở các tỉnh miền Trung có giọng hót được nhiều người ưa thích nhất, bởi giọng trầm ấm và tròn. Không giống với những loại chim khác, tiếng hót của chim chào mào ít thay đổi, làm nên nét đặc sắc của loài chim này”.

Hội thi Chim chào mào đấu hót ở TP. Mỹ Tho.
Hội thi Chim chào mào đấu hót ở TP. Mỹ Tho.

Theo anh Trí, chơi chim cảnh đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Chim mới mua về thường nhút nhát, nên việc thuần hóa phải làm từng bước, không được nóng vội. Ban đầu phải mặc áo cho lồng nuôi chim, để chim không bỡ ngỡ với môi trường, thời tiết và tiếng ồn xung quanh, khi quen rồi thì mới tiến hành thuần hóa và rèn tiếng hót của chim.

Đặc biệt chú ý là không làm cho chim hoảng sợ, nếu một khi hoảng sợ thì sẽ không bao giờ thuần hóa chim được nữa. Chi phí cho thú chơi chim cảnh cũng tùy theo điều kiện của mỗi người. Chim rừng chưa được thuần hóa có giá từ 100.000 - 200.000 đồng/con. Nếu vào các cửa hàng mua bán chim cảnh thì giá có cao hơn, đặc biệt là đối với chim đã được thuần hóa, dạn dĩ, tiếng hót hay, phong cách đẹp thì giá cả có thể từ vài triệu đồng, thậm chí đến vài chục triệu đồng 1 con.

Bên cạnh đó, lồng chim cũng có nhiều mức giá khác nhau, từ vài chục ngàn đến vài chục triệu đồng một chiếc lồng. Ngoài các loại trái cây là thức ăn chính cho chim, thì người nuôi, chơi chim cảnh còn phải tốn một khoản chi phí thức ăn riêng cho chim và thời gian chăm sóc còn tùy vào mức độ đam mê của mỗi người. Theo cảm nhận của nhiều người chơi chim cảnh thì giây phút bên những chú chim mình yêu thích thật sự là được thư giãn, tinh thần phấn chấn, vui vẻ…

Em Lê Điền Phong (ở xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) chỉ mới 14 tuổi nhưng em đã “tập tành” chơi chim chào mào 2 năm gần đây. Song niềm yêu thích nghe tiếng chim hót đến với Phong từ nhiều năm trước, khi còn là một cậu bé thấy các chú, các cậu mình chơi chim cảnh.

Từ đó, Phong để dành tiền quà vặt để mua những chú chim về nuôi; đến nay em đã có 10 chú chim chào mào má trắng, má đỏ. “Em yêu thích tiếng hót của chim chào mào, bởi giọng hót của nó lạ lắm, với nhiều cung bậc khác nhau, khi bổng khi trầm, tiếng trong tiếng đục, nghe rất vui tai. Sau những giờ học căng thẳng, em thường chăm sóc, nghe tiếng chim hót để giải tỏa tinh thần và thấy vui hẳn lên”, em Phong chia sẻ.

Anh Trần Phú Quý, chủ quán cà phê Trần Quý (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Dân gian có câu “Nuôi chim dưỡng trí, nuôi cây dưỡng đức, nuôi cá dưỡng thần”. Do đó, khi đầu tư quán cà phê, tôi còn nuôi thêm chim chào chào với mong muốn khách hàng của mình vừa thưởng thức cà phê, vừa được thư giãn nghe tiếng chim hót… Đó cũng là cách tạo nét riêng cho quán”.

CHUNG NIỀM ĐAM MÊ

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Chính cho biết, tuy mới phát triển thành phong trào chưa lâu nhưng các hội thi chim cảnh đã thu hút khá đông người tham gia, có hội thi với hàng trăm con chim với nhiều loại chim khác nhau so tài.

Có những người chơi chim cảnh đã 30, 40 năm, giờ đây đã có sân chơi để cùng chia sẻ niềm đam mê. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có hàng trăm người chơi chim cảnh có chung niềm đam mê. Trong đó, có các CLB chim cảnh như: Chim hút mật miền Tây; chim cảnh Trần Quý… mỗi CLB thu hút hơn 100 người cùng đam mê, sở thích với thú chơi tao nhã chim cảnh.

Mặc dù chơi chim cảnh mới mấy năm trở gần đây, nhưng anh Nguyễn Văn Linh là người tiên phong đứng ra tổ chức Hội thi Chim chào mào đấu hót ở TP. Mỹ Tho. “Qua tìm hiểu trên các trang mạng xã hội, tôi thấy những địa phương khác tổ chức thành hội chơi chim cảnh với các cuộc thi khá rầm rộ, sôi nổi, thu hút cả ngàn chú chim tham gia thi tài.

Từ đó, tôi mày mò học hỏi anh em các nơi, tham gia những hội thi chim cảnh, giao lưu với nhiều người nuôi chim cảnh ở các tỉnh, thành bạn và quyết định tổ chức Hội thi Chim chào mào đấu hót hằng năm để nhiều người có cùng đam mê, sở thích chơi chim cảnh trong và ngoài tỉnh Tiền Giang có sân chơi, trao đổi học hỏi kinh nghiệm với nhau”, anh Linh cho biết.

Ông Phạm Văn Chính cho biết thêm: Các CLB chim cảnh thường sắp xếp tổ chức các hội thi chim cảnh vào ngày cuối tuần, để đảm bảo những người đam mê với thú chơi tao nhã này đều có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với nhau mà không ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập và gia đình.

Để tạo uy tín cho phong trào chơi chim cảnh cũng như các hội thi, CLB, Hội Sinh vật cảnh tỉnh luôn tránh các hoạt động cá cược, ăn thua. Người chơi chim cảnh chủ yếu vì đam mê tiếng hót của chim nên tìm đến tham gia các hội thi chim cảnh cũng là để tôn thêm cho thú chơi tao nhã của mình.

SỚM MAI

.
.
.