Phim Nhà nước đặt hàng: Long đong đến với khán giả
Không chỉ phim điện ảnh, ngay cả các phim tài liệu, khoa học hay hoạt hình được sản xuất bằng ngân sách Nhà nước thì việc tìm đường đến với công chúng lâu nay vẫn là bài toán chưa có lời giải. Đầu ra vẫn mãi chơi vơi, tái diễn qua nhiều năm.
Cảnh trong phim Đào, phở và piano, một tác phẩm được đầu tư 20 tỷ đồng từ kinh phí nhà nước Ảnh: ĐPCC |
Làm xong để đó
Tại hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, do Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức vừa qua, đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, chia sẻ: “Phim tài liệu rất quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Như vậy, việc chúng tôi sản xuất ra mà để đấy tức là không đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư, cũng chính là Nhà nước. Tôi nghĩ đây là vấn đề rất lớn”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phim Giải Phóng, cũng nhấn mạnh, dù là phim làm ra nhằm phục vụ mục đích chính trị nhưng nếu không đến được với khán giả thì tuyên truyền cho ai? Mong mỏi phim sản xuất được phát hành ở rạp, chiếu trên truyền hình hay các nền tảng khác nhau là nhu cầu chính đáng của tất cả các nhà làm phim.
Đạo diễn Xuân Cường (phim Phơi sáng, Công ty CP Phim Giải Phóng sản xuất) bộc bạch: “Dù là phim Nhà nước hay tư nhân sản xuất, tôi nghĩ ai cũng muốn tác phẩm, thông điệp của bộ phim được truyền tải đến khán giả”.
Thực tế từ nhiều năm qua, các phim sản xuất từ kinh phí Nhà nước gần như không có đầu ra bài bản. Hiếm hoi lắm mới có các phim theo hình thức hợp tác công - tư như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác, Thạch thảo… được phát hành rộng rãi ở rạp. Các phim còn lại sau khi hoàn thành cũng chỉ tổ chức được một buổi chiếu ra mắt theo đúng lệ rồi lại cất đi. Điển hình như Phơi sáng, sau suất chiếu ra mắt tối 8-12 tại TPHCM thì vẫn chưa biết khi nào ra rạp, chiếu thương mại.
Ông Nguyễn Tiến Hưng tiết lộ, nhiều trường hợp các đài tỉnh còn yêu cầu cung cấp phim tài liệu, khoa học để chiếu phục vụ trong các ngày lễ.
Vướng đủ đường
Một trong những điểm nghẽn cố hữu của các phim Nhà nước được các nhà sản xuất đưa ra nằm ở câu chuyện quảng bá và phát hành. Hầu hết ai cũng thấy hành trình phim lặng lẽ sản xuất, lặng lẽ chiếu trong quy mô hẹp, rồi sau đó lặng lẽ… cất kho.
“Việc phát hành như thế nào phải xin ý kiến của Cục Điện ảnh. Bởi đây là phim sản xuất theo đặt hàng, các hãng chỉ sản xuất, gia công theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao”, ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết.
Cảnh trong phim Đào, phở và piano được đầu tư 20 tỷ đồng từ kinh phí Nhà nước Ảnh: ĐPCC |
Chia sẻ mức kinh phí dành cho quảng bá phim chỉ có 100 triệu đồng và đã áp dụng “lâu lắm rồi”, ông Nguyễn Tiến Hưng cho rằng, với số tiền đó chỉ đủ để làm 1 buổi ra mắt gói ghém từ thuê rạp chiếu, in áp phích quảng cáo… Ông Nguyễn Tiến Hưng nhấn mạnh: “Các đơn vị tư nhân khi sản xuất phim luôn có kế hoạch phát hành song song. Tôi nghĩ đơn vị Nhà nước cũng phải làm như thế, không phải đợi làm phim xong mới quảng bá. Như vậy không hiệu quả”.
Còn theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cần có quy định về kinh phí quảng bá phim Nhà nước. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, thông tin, mỗi năm Nhà nước đặt hàng hơn 20 phim tài liệu để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trên thực tế, khi phim làm xong, chỉ có Cục Điện ảnh sử dụng phim này đưa vào các chương trình phim trong và ngoài nước; các tuần phim phục vụ nhiệm vụ chính trị hay gửi cho 63 tỉnh, thành phố chiếu miễn phí.
Ông Vi Kiến Thành cũng nêu lý do các phim tài liệu gửi cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) rất ít khi được sử dụng: “Thứ nhất, VTV có làm phim tài liệu và ưu tiên phát phim do họ sản xuất. Thứ hai là thời lượng chương trình phim trên truyền hình có quy định, và phim của hãng sản xuất không khớp với khung sóng”.
Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, trong câu chuyện đầu ra này không thể không đề cập đến vấn đề chất lượng. Dù chưa thể đưa ra những ràng buộc các bộ phim đó phải thu hồi vốn, nhưng nó phải có những điểm hấp dẫn khán giả. Trường hợp Sống cùng lịch sử ra rạp không bán nổi 1 vé không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phim không có tiền quảng bá.
Hiện nay, nhiều chuyên gia, nhà làm phim đều cho rằng, một giải pháp khá tối ưu trong việc sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước là tăng cường hợp tác công - tư. Bản thân các phim được đặt hàng sản xuất đều là đề tài khó, không phải nhà sản xuất tư nhân nào cũng dám mạo hiểm bỏ tiền. Và, ai cũng nhìn thấy độ vênh giữa các đơn vị làm phim Nhà nước - tư nhân không chỉ ở khâu quảng bá, phát hành mà ngay cả trong quá trình sáng tạo. Do đó, sự thay đổi ở đây, trước hết từ tư duy làm nghề, phải mang tính đồng bộ ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất để không còn cảnh “ném tiền qua cửa”, bởi số tiền hàng chục tỷ đồng nào đâu phải ít.
(Theo www.sggp.org.vn)