.
CÂU LẠC BỘ ĐỜN CA TÀI TỬ HỘI VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT TỈNH TIỀN GIANG:

Nơi xuất hiện nhiều ngón đờn, giọng ca tiêu biểu

Cập nhật: 06:21, 30/01/2024 (GMT+7)

Sinh thời, khi nhắc đến đờn ca tài tử (ĐCTT), Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê luôn tự hào: “Năm 1900, ĐCTT của Việt Nam đã được xuất ngoại, ông Nguyễn Tống Triều đã mạnh dạn đưa nhóm ĐCTT Mỹ Tho sang Pháp biểu diễn ở Hội chợ thế giới Paris và gây tiếng vang ở phương Tây, nhóm ĐCTT Mỹ Tho được nhiều báo nước ngoài nhắc đến, ngợi khen dòng nhạc An Nam đầy ấn tượng….”

Với sự độc đáo của âm nhạc dân gian trong ĐCTT Nam bộ, ngày 5-3-2013, tổ chức UNESCO vinh danh Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

CHẶNG ĐƯỜNG 25 NĂM CỦA CLB ĐCTT HỘI VH-NT TIỀN GIANG

Hiện nay, 18 tỉnh, thành Nam bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng đều ra sức gìn giữ và phát triển nghệ thuật ĐCTT bằng mọi hình thức như mở lớp giảng dạy đờn ca, thành lập các câu lạc bộ (CLB) hát với nhau…

Chủ tịch Hội Văn Học - Nghệ thuật (VH-NT) Tiền Giang, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Huỳnh Anh cho biết: “Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, Chi hội Sân khấu thỉnh thoảng mới được thu tại Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang để phục vụ những ngày lễ, tết, hay biểu diễn cho hội thi, hội diễn hoặc chương trình phục vụ các sự kiện của tỉnh.

Sinh hoạt không gian ĐCTT của CLB ĐCTT Hội VH-NT Tiền Giang, đây là chuỗi hoạt động tại Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ I-2014 tại tỉnh Bạc Liêu.
Tài tử Nguyệt Châu biểu diễn bài ca cổ nhịp 16 "Cội nguồn", sáng tác của NNƯT HUỲNH ANH tại Festival ĐCTT quốc gia lần I Bạc Liêu.

Không kể những giọng ca, cây bút sáng tác, ca diễn trước năm 1975 như Soạn giả Châu Thanh, giọng ca đoạt nhiều huy chương vàng như ca sĩ Nguyệt Châu, thì lúc bấy giờ lực lượng sân khấu gạo cội rất giỏi và hùng hậu như các tác giả: Thế Châu, Phục Lư, Minh Tô, Thanh Hải, Liên Việt, Đỗ Dũng… và ca diễn gồm: Cẩm Vân, Hoài Thu, Bích Luyến, Ngọc Thành, Lê Sang, Khánh Hải, Lệ Quyên, Thanh Diệu, Ngọc Sánh, Tuyết Minh, Đức Hòa… cùng những ngón đờn có nghề như: Minh Tô, Năm Gião, Hồ Điệp, Đức Huệ, Thanh Nhàn, Mạnh Cường, Ngọc Xưa, Hồng Tươi, Thanh Vân….

Từ đó, tôi nghĩ đến việc giữ gìn và truyền bá nghệ thuật ĐCTT; đồng thời đưa những tác phẩm của lực lượng sáng tác đến công chúng, cũng như tạo điều kiện cho các giọng ca và nhạc công thường xuyên gặp gỡ, rèn luyện.

Vì vậy, năm 1998, CLB ĐCTT của Hội VH-NT Tiền Giang đã ra đời. CLB mỗi tháng sinh hoạt 1 lần, chương trình được biên tập, dàn dựng chỉn chu, có người dẫn chương trình giới thiệu về những điệu thức của bài bản biểu diễn…

Đến hẹn lại lên, đúng ngày quy định trong tháng, những khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật ĐCTT lại tụ họp về sân khấu Trung tâm Văn hóa tỉnh để thưởng thức những giọng ca, những ngón đờn điêu luyện quen thuộc.

Khán giả của ĐCTT không rầm rộ như những đêm ca nhạc tạp kỹ, đa phần là lứa tuổi trung niên trở lên nhưng họ nghe bằng cả trái tim, tâm hồn mộ điệu và trật tự đến khi lực lượng biểu diễn chào kết thúc họ mới rời ghế.

Sau đó, CLB mở rộng giao lưu bằng cách mời những giọng ca nổi trội ở các huyện, thị về biểu diễn như: Tấn Hưng, Lê Phương, Trọng Nhân, Minh Thiết, Kim Loan, Minh Tuấn, Minh Cường, Ngọc Hiền, Thu Thuyền. Năm 2015, Rạp hát Thầy Năm Tú được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và Hội VH-NT được giao nhiệm vụ quản lý, nhằm làm sáng lại ánh đèn sân khấu nơi này.

NNƯT Huỳnh Anh đã chuyển đêm sinh hoạt của ĐCTT về rạp, lúc này chương trình có thêm những trích đoạn cải lương, đêm sinh hoạt được gọi là “Đêm sinh hoạt  ĐCTT và cải lương”; đồng thời được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ nhằm thực hiện “Đề án bảo tồn, phát triển ĐCTT và Cải lương”. Với nguồn kinh phí phối hợp, CLB được sinh hoạt đều đặn vào ngày thứ sáu hằng tuần, chương trình sinh hoạt từ đó cũng phong phú hơn. Ngoài việc tổ chức giao lưu ĐCTT, CLB còn dàn dựng nhiều trích đoạn cải lương, tổ chức các lớp biểu diễn ca cảnh để phục vụ công chúng.

Bên cạnh số diễn viên quen thuộc, còn có sự xuất hiện một số giọng ca mới từ phong trào tìm đến giao lưu, gắn bó với CLB, xem đây là một sân chơi tinh thần không thể thiếu như: Vân Nga, Ngọc Tuyết, Ngọc Hà, Cẩm Hồng, Lộc Kết, Lê Phát, Hoàng Tám, Ngọc Dự, Mỹ Phụng, Kha Lan…; những thành viên nòng cốt của CLB sẽ diễn trích đoạn cải lương để cho chương trình thêm phong phú.

Với loại hình hoạt động “Hát với nhau”, đêm sinh hoạt có nhiều khán giả đến xem và đăng ký hát giao lưu, tạo không khí vui tươi và “máu lửa” hơn. Lực lượng khán giả đến đăng ký hát giao lưu đều trang điểm, ăn mặc đẹp, nghiêm túc như một diễn viên thực thụ. Loại hình giao lưu này gần giống với ĐCTT kiểu dân gian, cùng nhau hòa điệu hát cho nhau nghe, tuy không còn ngồi xếp bằng vòng tròn trên chiếu.

NNƯT Huỳnh Anh tâm tư:“Thuận lợi cho CLB ĐCTT của Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang là có nguồn hội viên từ Chi hội Sân khấu là các tác giả, diễn viên và nhạc công…; tuy nhiên, tác giả đeo đuổi nghiên cứu viết bài bản tài tử hiện không nhiều. Bên cạnh đờn và hát đúng chất tài tử, tập luyện rất công phu nên số giọng ca trẻ chịu khó tập luyện 20 bài Tổ và các bài tài tử khác rất ít.

 “ĐÃI CÁT TÌM VÀNG” VÀ TRĂN TRỞ VỚI TƯƠNG LAI

Chỉ tính từ Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ I-2014 ở Bạc Liêu, lần II-2017 ở Bình Dương và lần III-2022 ở Cần Thơ, CLB ĐCTT của Hội VH-NT với dàn đờn như: NNƯT Đức Huệ, NNƯT Hồng Tươi, Thanh Nhàn, Mạnh Cường, Thanh Vân, Văn Lành, Thanh Hiền, Ngọc Xưa và các giọng ca: Nguyệt Châu, Ngọc Đặng, Bích Luyến, Tấn Hưng, Minh Tuấn, Minh Cường, Ngọc Hiền…đã mang về cho tỉnh nhà nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc; đặc biệt năm 2022 tại Festival ĐCTT Quốc gia lần  III do TP. Cần Thơ đăng cai, đơn vị tỉnh Tiền Giang đã vinh dự đoạt Huy chương Vàng chương trình, 3 Huy chương Vàng tiết mục và 2 Huy chương Bạc.

CLB ĐCTT Hội VH-NT Tiền Giang trong một buổi ghi hình.
CLB ĐCTT Hội VH-NT Tiền Giang trong một buổi ghi hình.

Đây là thành quả rất lớn và là niềm tự hào cho CLB. Ngoài công sức của nhạc công, tài tử ca còn có sự đóng góp không nhỏ của soạn giả, NNƯT Huỳnh Anh, ông đã “đo ni’ sở trường của từng giọng ca để sáng tác; đồng thời bám theo đề tài của BTC mà cho ra bài bản và nội dung phù hợp. Suốt 25 năm đồng hành cùng CLB ĐCTT của Hội VN-NT, NNƯT Huỳnh Anh với lòng yêu nghề đã không ngại khó khăn đi “đãi cát tìm vàng”, ông đặc biệt quan tâm đến nhân tài dù ở người đó chỉ lóe lên một ít tố chất của tài tử là được mời về CLB, tạo điều kiện rèn luyện, gọt giũa và cho cơ hội thử sức và họ đã trở thành những gương mặt tiêu biểu cho phong trào ĐCTT tỉnh nhà.

Hiện tại, các nhà văn hóa xã, phường của tỉnh nhà đều có CLB ĐCT, nhưng để có một giọng ca, một ngón đờn và một tác giả viết cho lĩnh vực này là một việc rất hiếm. Thế nên, rất nhiều chuyên gia về nghệ thuật dân tộc luôn mong muốn Nghệ thuật ĐCTT được đưa vào trường học để lưu truyền và tìm kiếm thế hệ vàng của môn nghệ thuật này trong tương lai.

NGỌC LỆ

.
.
.