Thứ Bảy, 27/01/2024, 14:02 (GMT+7)
.

Gom nhặt ký ức xuân

Sau rằm tháng Chạp, chẳng còn mấy ngày nữa là đến ngày ông Công, ông Táo về trời, gió mùa Đông Bắc mang theo giá lạnh trốn vào kẽ lá, nụ đào cựa mình trong làn mưa bụi lay phay. Nhịp bước mùa xuân đã tưng bừng, hối hả khắp phố phường, bản làng, ngõ xóm khiến lòng nao nao nhớ về những ngày giáp Tết xưa với bao ký ức thân thương.

Tôi nhớ những ngày giáp Tết ở quê, ai cũng thấy mình bận rộn hơn, vội vã hơn. Với những người tha phương, ai cũng đều nao nức muốn trở về quê đoàn tụ bên gia đình trong dịp Tết. Hồi ấy, không có điện thoại thông minh, Facebook, Zalo như bây giờ, chủ yếu liên lạc qua thư và điện thoại bàn. Cuối năm, tôi thường nhận được những cuộc điện thoại từ người thân hỏi dồn dập: “Trên đó giờ hết lạnh chưa? Năm nay được nghỉ nhiều không? Bao giờ về quê đấy? Chuẩn bị về ăn Tết rồi chứ?...”. Nghe những lời mộc mạc, chân thành ấy, tôi càng thêm bâng khuâng.

Những ngày giáp Tết, trên cánh đồng quê, người người, nhà nhà tất bật cày cấy vụ đông xuân. Khi việc đồng áng đã xong sẽ là những ngày mọi người đôn đáo lo mua sắm Tết. Cha tôi nhẩm tính, bộ ấm trà nứt vỡ cần phải thay, mấy chiếc bát đĩa bị sứt nay phải sắm lại, cái thau, cái chậu cũng mua thêm để các con tắm táp, vo gạo, rửa rau... Trưa hai mươi chín Tết, mẹ cặm cụi chẻ lạt, rửa lá dong, xay đỗ, ngâm gạo để chuẩn bị gói bánh chưng. Mùi hạt tiêu, nước mắm ướp với thịt ba chỉ thơm nức. Đêm đó, bếp lửa nhà tôi đun bánh chưng bập bùng sáng thâu đêm. Bố mẹ tôi thường thay nhau thức để trông lửa và thêm nước vào nồi. Mùi gạo nếp và lá dong phả hương thơm vào giấc ngủ ngon lành của anh em chúng tôi.

a
Ảnh minh họa: thoibaonganhang

Những ngày giáp Tết, ông nội tôi quan tâm nhất là bàn thờ tổ tiên. Ông cẩn thận bày nải chuối, quả bưởi, quả cam và đặt bên cạnh hộp mứt tết, hộp bánh bích quy của Nhà máy bánh kẹo Hải Châu, Hà Nội có nhãn đề “Mứt Tết” hay “Chúc mừng năm mới” in lồng hình cành đào rực rỡ. Ông bảo: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn. Tết là dịp sẻ chia và báo hiếu, là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn. Việc bày biện bàn thờ gia tiên chu đáo thể hiện trách nhiệm, đạo hiếu của người còn sống đối với người đã khuất”. Lúc đó, tôi chỉ hiểu mơ hồ những điều ông nói và sốt ruột đợi Tết để còn được nghỉ học, vui chơi thỏa thích, được mặc quần áo đẹp, được ăn ngon và để được nhận tiền mừng tuổi...

Thấm thoát 365 ngày sắp trôi qua, những ngày giáp Tết, nơi thành thị, người ta mua sắm online mọi thứ hàng hóa phục vụ Tết để tiết kiệm thời gian và công sức. Vẫn biết Tết bây giờ không còn thiếu thốn cái ăn, cái mặc... Tạm gác lại bộn bề lo toan, tôi lặng lẽ gom nhặt trong ký ức mùi thơm áo mới, mùi khói bếp nấu bánh chưng, mùi dưa hành phơi nắng, mùi thịt mỡ béo ngậy... để lòng rưng rưng ước nguyện điều an lành, ấp áp khi Tết đến, xuân về.

Theo qdnd.vn

.
.
.