Thứ Ba, 16/01/2024, 08:10 (GMT+7)
.

Ngọc Lệ: Người "thổi" hơi thở cuộc sống vào tác phẩm

Vừa qua, truyện ngắn “Đàn bà quê” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Lệ (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang) đã đoạt Giải Nhì trong Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023. Giải thưởng mà chị đạt được phần nào khích lệ những tác giả văn xuôi Tiền Giang sau một thời gian dường như “lép vế” so với thơ ca.

Nhà văn Ngọc Lệ viết văn như một lẽ sống, không ồn ào, mỗi truyện ngắn “xuất hiện” ít nhiều đều chiếm được cảm tình của độc giả. Tác giả đã mạnh dạn mở rộng đề tài, có cách lý giải, phân tích nhiều chiều, đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật.

Tác giả Ngọc Lệ (bìa trái) trong ngày nhận giải thưởng truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long  năm 2023.
Tác giả Ngọc Lệ (bìa trái) trong ngày nhận giải thưởng truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.

Nhà văn còn mạnh dạn đưa hiện thực cuộc sống vào tác phẩm, làm cho truyện ngắn sinh động hơn, đa dạng hơn về nội dung lẫn phương pháp thể hiện, nhất là hình ảnh của người phụ nữ Nam bộ. Trong tập truyện ngắn “Những vì sao trên biển”, độc giả dễ phát hiện hình ảnh bà, mẹ, chị, cô hàng xóm, người bạn thân... đang tồn tại trong đó. Chị đã tái hiện chân thực và sinh động từ hoàn cảnh sống đến cách suy nghĩ, cách hành động của những người phụ nữ đang hoang mang với những thay đổi trong cuộc sống.

Không ai có thể phủ nhận tình mẹ là thiêng liêng, không có gì có thể thay thế được, đây cũng là một đề tài được rất nhiều nhà văn, nhà thơ đưa vào trong thơ ca, truyện ngắn nhằm bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với bậc sinh thành.

Với truyện ngắn “Tết của ngày xưa”, tác giả dùng danh xưng “má” mang đậm chất Nam bộ thay vì “mẹ” như bao truyện ngắn khác. Trong gia đình “má” luôn dạy chị em cách cư xử, nói năng, ăn uống, đặc biệt là không quên sắm quần áo tết cho con. Mỗi cử chỉ, hành động được chị miêu tả tỉ mỉ, làm cho người đọc cũng ngầm hiểu chị đang miêu tả chính “má” của mình.

Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng người mẹ nào cũng dành hết những gì tốt đẹp nhất cho con của mình. Những hồi ức yêu thương về người thân, về những buổi sinh hoạt gia đình ấm áp không ngừng tái hiện khiến cho người đọc cảm thấy vừa hạnh phúc, vừa nhớ thương.

Có lẽ độc giả sẽ bùi ngùi, xúc động khi đọc đoạn cuối của truyện ngắn: “Mùa nối tiếp mùa! Má tôi, người đàn bà quê đầy bao dung, chân chất, vẫn luôn chật vật với cái ăn, cái mặc cho đám con đông đúc. Mắt vẫn ngó xa xăm và nước mắt lưng tròng khi những đứa con xa tết không về. Đến lúc làm mẹ, đến lúc tự lèo lái cuộc sống, tôi mới hiểu vì sao má tôi và những người đàn bà xóm nghèo đến khuya 30 Tết mới thắp đuốc, quảy gánh, hú hí nhau đi chợ. Đêm đêm, khi đối diện với chính mình, lòng cứ xốn xang khi nhớ cái chân mày, mái tóc cháy sém của má hồi ấy rồi sụt sùi thương cho “cái con bé tôi” ngày xưa, cứ có cái gì lạ là hay khoe nên bị má mắng yêu: “Nó là cái thứ chưa từng thấy của, có cái quần phèn, chó sủa sáng đêm”. Đọc đoạn văn trên những ngày cận Tết Nguyên đán 2024 này, chắc hẳn người đọc đã không khỏi bùi ngùi, xúc động nhớ về người mẹ tảo tần của mình ngày xưa.

Nhà văn Ngọc Lệ.
Nhà văn Ngọc Lệ.

Nếu như hình ảnh người phụ nữ trong “Tết của ngày xưa” hiện lên với vẻ đẹp của tình mẫu tử, sự đôn hậu của tâm hồn thì trong truyện ngắn “Người quê”, nhân vật người mẹ (Tám Mỹ) hiện lên với tình yêu thương bao la, không chỉ đối với đứa con, đứa cháu mà còn đối với những người xung quanh đã trở thành điểm nhấn của tác phẩm.

Chính tâm hồn đôn hậu của người mẹ “giận đó rồi quên đó” đậm chất Nam bộ lấy được cảm tình của độc giả. Ta thấy ở đó hiện lên người phụ nữ với những bất ổn, xáo trộn trong nội tâm, những giằng xé giữa truyền thống và hiện đại, giữa khát vọng cá nhân với quy tắc, chuẩn mực xã hội. Mới giận con gái, quày quả về quê nhưng khi nghe anh Tám, chồng chị nhắc tới con gái, Tám Mỹ lại thấy xót xa, như muốn chạy liền lên thành phố, đến ngay xóm trọ với đứa con gái.

Chính sự chân tình của “người quê” ấy đã chinh phục được bà con trong xóm trọ, nhất là cô Phương, vốn không có cảm tình với Tám Mỹ cũng nao lòng “sao giống mẹ mình”. Ngày chia tay, giọng Phương nghẹn ngào: “Thấy cô, Phương nhớ má! Lâu rồi, không về quê”. Chính lời nói ấy khiến “Tám Mỹ nghe sống mũi cay cay. Ngước lên cho nước mắt trút ngược vào trong, một mảnh trời xanh nhạt như cố vén những tòa nhà cao tầng đập vào mắt Tám Mỹ. Chị thấy vài chấm sao rưng rưng như đồng cảm với mình”.

Với truyện ngắn “Đàn bà quê” mới đây, tác giả Ngọc Lệ lại khai thác vẻ đẹp của người phụ nữ ở một khía cạnh khác, đó là vẻ đẹp của sự thủy chung và thương con hết mực. Bé Chùa là người chăm chỉ, tần tảo sớm hôm và không bao giờ nghĩ cho mình.

Người mẹ đó có thể đói, nhưng sẵn sàng cho con những gì tốt nhất. Chồng mất, Bé Chùa ở vậy nuôi con ăn học. Đó là chuyện mà ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu trong đời thường. Nhưng qua ngòi bút tả thực của tác giả, nó lại toát lên vẻ đẹp tình mẫu tử hơn bao giờ hết. “Có hai con bên cạnh, Bé Chùa ngủ ngon giấc hơn. Những lúc trở giấc, chị kê lại cái gối, đắp lại tấm mền rồi ngắm nghía, hun tay, hun chân con mà thấy lòng bình yên, hạnh phúc. Rồi chị em con Tím đi học, nghe tụi nó học bài, khoe điểm cao mà chị nở từng khúc ruột. Người đàn bà quê sớm góa bụa, vui với niềm vui của con, nên mọi cực khổ đều không là gì với chị”. Dù cuộc sống của gia đình không được đánh giá cao, nhưng Bé Chùa vẫn luôn cố gắng hết sức để giúp đỡ con cái, cho con cái một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Điều này cho thấy tình yêu thương, sự hy sinh của người mẹ dành cho gia đình. Cái hay của tác giả là đưa lời nói thầm của Ba Ca ở cuối truyện như là lời kết luận về  phẩm chất người phụ nữ nông thôn Nam bộ: “Đàn bà quê đa phần đều như vậy! Họ sống vì chồng, vì con. Tím cũng vậy, nó giống mẹ nó từ dung mạo đến suy nghĩ”.

Trong tác phẩm của mình, tác giả Ngọc Lệ đã khéo léo xây dựng nhân vật người phụ nữ mang nét dân dã của Nam bộ nhưng ẩn chứa nhiều nỗi niềm, đau đáu khát vọng. Cái làm nên thành công của tác giả chính là sự khám phá cuộc sống riêng tư, chiều sâu nội tâm của từng nhân vật. Những nhân vật nữ trong truyện của Ngọc Lệ không đơn thuần chỉ là hình tượng được chị sáng tạo, mà đó chính là chân dung của nhiều người phụ nữ trong quá khứ và hiện tại.

Chị quan sát, chắt lọc chi tiết để viết về người phụ nữ, mỗi tính cách có nét đặc trưng riêng, không ai giống ai thông qua việc chú trọng đến ngôn ngữ nói hay dùng từ ngữ đặc trưng miêu tả từng nhân vật... Thông qua quá trình khám phá của mình, tác giả đã thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu với nỗi lòng khó thổ lộ của nhiều người phụ nữ ở những hoàn cảnh khác nhau.

Với lối viết dung dị, mộc mạc, chị đã “thổi” hơi thở của cuộc sống vào tác phẩm của mình, làm nó gần gũi hơn đối với người đọc. Hy vọng trong thời gian tới, tác giả Ngọc Lệ sẽ tiếp tục tạo dấu ấn cho riêng mình bằng những tác phẩm có sự khám phá về đất và người Nam bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng.

QUANG HUY

.
.
.