Về Tân Phong… bồng bềnh sông nước, xanh mát cù lao
Xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), một cù lao nằm về phía hữu ngạn của chợ nổi Cái Bè, được bao quanh bốn bề là sông nước. Không ai biết rõ cù lao này hình thành từ bao giờ, nhưng đây là vùng đất từng một thời “nức tiếng” về đặc sản ốc gạo, được mệnh danh là vùng “đất vàng” của cây ăn trái và đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.
ÂM VANG QUÁ KHỨ
Theo Địa chí Tiền Giang, cuối thế kỷ XVIII, dưới thời Gia Long, năm 1808, cù lao Tân Phong thuộc tổng Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Đến đời Vua Minh Mạng, năm 1836, cái tên Tân Phong mới có, với ý nghĩa là đất mới giàu có thuộc tổng Bình Hưng, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long.
Cù lao Tân Phong nhìn từ trên cao. Ảnh: T. LÂM |
Khi người Pháp vào đô hộ, nền hành chính có một số thay đổi, đầu năm 1900, làng Tân Phong lại thuộc quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, khoảng năm 1923, làng Tân Phong còn bị Pháp đổi tên là Tân Đông. Sau năm 1945, tổng Bình Hưng, trong đó có làng Tân Phong chuyển sang quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1967, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn đặt xã Tân Phong thuộc quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long cho đến năm 1975. Tại thời điểm này, chính quyền kháng chiến lại thấy rằng, do qua lại sông Tiền khó khăn, đất Tân Phong lại gần hơn với Cai Lậy, Cái Bè nên quyết định cắt chuyển sang huyện Cai Lậy để dễ dàng xây dựng phong trào cách mạng, rồi giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày thống nhất đất nước và đến ngày nay.
Sách Gia Định thành thông chí có đoạn viết: “Ốc gạo vỏ trắng xoáy tròn, lớn bằng ngón tay, khi nấu chín thì dưới yếm của nó lồi ra hạt mỡ trắng như hạt gạo, vị thơm ngon…”. Còn ở Tân Phong lại có một truyền thuyết đậm chất nhân văn được kể lại: “Hồi xửa hồi xưa, người dân ở Cồn Tre, xã Tân Phong đói nghèo quanh năm. Ông trời thương tình mới ban thưởng cho một loài ốc ngon để giúp họ khai thác đem bán lấy tiền đổi gạo. Từ đó, con ốc này mới có tên là ốc gạo…”.
Theo lời kể của những người sống lâu năm ở cù lao Tân Phong, khoảng 40 năm trước, ốc gạo vùng Tân Phong có dày đặc như lúa mới sạ trên ruộng. Người dân chỉ cần lặn xuống sông dùng tay đùa gom ốc lại rồi hốt đem lên. Thời điểm này, ở Tân Phong khai thác ốc gạo thông qua đấu giá với những người nhà giàu mua từng khoảng sông để khai thác và được gọi là chủ rọ. Cứ vào dịp trước và sau mùng 5 tháng 5 (âm lịch) trở đi, chủ rọ bắt đầu mướn dân khai thác ốc gạo để bán.
Và cũng từ đó đến nay, ốc gạo là đặc sản nổi tiếng của cù lao Tân Phong. Ốc gạo to, có vỏ xanh, ruột dày và được chế biến thành nhiều món như ốc gạo cuốn bánh tráng chấm với nước mắm me hay nước mắm chua ngọt đều rất ngon, cũng có thể nấu cháo…
Đây là những món ngon và là đặc sản của người dân nơi đây. Ngày nay, ốc gạo Tân Phong ngày càng ít đi và có nguy cơ “biến mất”. Mặc dù ốc gạo Tân Phong cũng có mấy lần hồi sinh nhưng rồi lại “chết non”, vì bị khai thác theo kiểu tận diệt và sự xuất hiện ngày càng nhiều của nạn khai thác cát xung quanh cù lao Tân Phong.
“ĐẤT VÀNG” CỦA CÂY ĂN TRÁI
Bên cạnh “nức tiếng” với đặc sản ốc gạo, thì nhờ vị trí địa lý mà cù lao Tân Phong được thiên nhiên ban tặng cho những thứ không phải nơi đâu cũng có được, đó chính là phù sa bồi đắp hằng năm làm cho đất đai màu mỡ, phì nhiêu, thích hợp để trồng các loại cây ăn trái đặc sản.
Chôm chôm Tân Phong loại trái cây được nhiều người làm du lịch tại địa phương giới thiệu, quảng bá tới du khách. |
Thực hiện mục tiêu phát huy tiềm năng đất đai, lao động miền sông nước xây dựng quê hương giàu đẹp, chính quyền xã Tân Phong khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp để trồng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh như: Chôm chôm, nhãn, sầu riêng, cây có múi...
Điển hình là việc khôi phục và phát triển thương hiệu “Chôm chôm Tân Phong”, một trong những thương hiệu trái cây được ưa chuộng của miệt cù lao sông nước từ nhiều năm nay, bởi hương vị thơm ngon rất đặc trưng, còn chất lượng thì hơn hẳn chôm chôm trồng ở các nơi khác.
Ngoài giống chôm chôm Java được trồng phổ biến lâu nay, Tân Phong còn du nhập thêm nhiều giống chôm chôm mới đang được thị trường ưa chuộng nhờ các ưu điểm vượt trội như: Chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái...
Gần đây, trồng chôm chôm theo tiêu chí VietGAP - một bước đi khoa học tất yếu, đang được khuyến khích phát triển ở cù lao Tân Phong. Xã Tân Phong cũng đã thành lập Tổ hợp tác chôm chôm Tân Phong và được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chí “Chôm chôm VietGAP”. Sầu riêng cũng thế, toàn bộ diện tích sầu riêng Tân Phong đều trồng các giống: Ri6, Mongthong chất lượng cao.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Tân Phong là xã cù lao có 7 ấp, nằm giữa sông Tiền. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, diện mạo kinh tế - nông nghiệp - nông thôn - nông dân trên địa bàn cù lao Tân Phong đã có nhiều thay đổi. Nhưng với thế và lực sẵn có, xã Tân Phong đã không dừng lại với những gì đã đạt được mà vẫn tiếp tục vươn mình phát triển trở thành xã nông thôn mới vào năm 2019 và nhiều tiềm năng du lịch đang mở ra.
Du khách tham quan và thưởng thức món bánh xèo ở một điểm du lịch tại cù lao Tân Phong. |
Ngày nay, một số nhà vườn ở Tân Phong đã mạnh dạn đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển diện tích trồng cây ăn trái thành các điểm du lịch để thu hút khách. Đến nay, Tân Phong có nhiều điểm kinh doanh du lịch hoạt động khá nhộn nhịp theo kiểu “liên kết vườn” với những vườn trái cây liền kề, mùa nào thức nấy phục vụ khách tham quan.
Với khung cảnh thoáng mát, đậm chất miền quê sông nước với các món ăn độc đáo, cùng sự hiếu khách, thân thiện của người dân cù lao Tân Phong đã tạo nên sự hấp dẫn cho du khách khi đặt chân đến đây. Bà Bùi Thị Thu Vân, chủ Khu du lịch sinh thái Như Ý (xã Tân Phong) cho biết: “Du khách đến khu du lịch sẽ được trải nghiệm các hoạt động tát mương bắt cá, tham quan vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử và thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền Tây sông nước nên rất thích. Chúng tôi còn đầu tư xây dựng những điểm lưu trú cạnh dòng sông nhằm tạo sự khác biệt và thích thú cho du khách”.
Thời gian qua, xã Tân Phong đã chủ động phát triển đa dạng hóa loại hình du lịch và sản phẩm du lịch, như: Đờn ca tài tử kết hợp tham quan bằng đò chèo, đạp xe đạp trong xóm, ấp tham quan vườn cây ăn trái; đi chợ quê với nhiều loại đặc sản, ngắm cảnh miền quê; nghe đờn ca tài tử, thưởng thức các món ăn truyền thống, dân dã...
Dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, nhưng Tân Phong vẫn chưa khai thác tương xứng với lợi thế vốn có. Trong định hướng tới đây, phát triển du lịch cũng là một trong những hướng đi quan trọng đối với cù lao Tân Phong. Điều này đã được cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy.
Vừa qua, tại xã Tân Phong, UBND huyện Cai Lậy cũng đã tổ chức buổi làm việc với đơn vị đầu tư xã hội hóa xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch xã Tân Phong. Tại buổi làm việc, trên tinh thần gợi mở để cùng tìm ra giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch ở cù lao Tân Phong, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vườn Mekong đã trình bày ý tưởng về việc kết nối du lịch từ tuyến Cái Bè đến cù lao Tân Phong, với việc quan tâm đầu tư về: Ụ nổi, chợ quê và chợ nổi nhằm giúp du khách vừa trải nghiệm những hoạt động dân dã của du lịch miệt vườn, vừa đảm bảo an toàn khi trải nghiệm đò chèo trên sông.
Chợ nổi cũng là điểm đến trong tour du lịch cù lao Tân Phong với các hoạt động tham quan miệt vườn sông nước bằng tàu du lịch, đò chèo, thưởng thức trái cây tại vườn, tìm hiểu các nghề truyền thống của người dân. Do đó, trong chuyến khảo sát mới đây, các sở, ngành tỉnh Tiền Giang và địa phương đã tìm vị trí phục dựng chợ nổi thời gian tới.
HỮU NGHỊ