.

Chợ quê: Gần gũi, dễ thương.

Cập nhật: 20:13, 04/03/2024 (GMT+7)

(ABO) "Con mua rau này tính nấu món gì? Nấu canh tập tàng hả? Vậy để Bảy hốt cho con nhúm lá bình bát dây nấu chung mát lắm mầy ơi!

- Ớt hiểm này mọc ở góc vườn của dì đó, con mua rau ủng hộ dì đi, dì cho thêm mấy trái ớt về làm nước mắm, nhỏ chứ thơm lắm nha bây!
- Trái ô môi đó, bây biết ăn hông mà đòi mua, mua không ăn bỏ uổng, tốn tiền. Dì cho bây một khúc ăn thử, được thì bửa sau ra mua"...

Dân nội trợ “chuyên nghiệp” sẽ biết xách giỏ đi mua thực phẩm ở đâu mới có được “hướng dẫn sử dụng” sống động và ấm áp như thế này liền!

Chợ quê chứ đâu!

Theo nghiên cứu của các nhà sử học, chợ quê được hình thành rất sớm, từ thời kỳ đầu dựng nước. Đây chính là nơi lưu giữ tổng thể những nét văn hóa đặc sắc của làng quê Việt Nam được tạo dựng, bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử và tồn tại cho đến ngày nay…Theo dòng chảy của lịch sử, chợ quê ngày nay cũng có nhiều đổi thay, mang tính chất thương mại hóa cao hơn. Tuy nhiên, dù cho có thay đổi để phù hợp với cuộc sống ngày càng hiện đại, thì chợ quê vẫn mang trong mình những giá trị tinh thần không thể thay thế.

Cách nhà tôi vài trăm mét là một siêu thị to đùng, sạch sẽ, mát lạnh nhưng vào những buổi sáng cuối tuần, tôi vẫn hăm hở dậy thật sớm, xách giỏ đi chợ cách nhà đến tận 5 cây số.

Tôi thích đi chợ quê, thích không khí nhộn nhịp, sôi động, thích âm thanh ồn ào của người mua, kẻ bán… Chợ quê ngày xưa đơn giản chỉ là nơi tụ họp ở một địa điểm thuận lợi, ai có món gì nhà trồng, nuôi được thì mang ra trao đổi, khi là chục trứng, bó rau, mớ khoai,… hàng hóa đơn giản, không nhiều, tự sản xuất nên họp chợ rất sớm và tan cũng rất nhanh, ai cũng tranh thủ để còn về lo chuyện vườn tược, nhà cửa.

Chợ quê ngày nay đã tiến bộ hơn xưa nhiều lắm, được chính quyền quan tâm xây cất khang trang, có nhà lồng chợ, phân khu buôn bán rõ ràng, hàng hóa phong phú, đa dạng… nhưng vẫn luôn có một góc chợ mà người đi chợ sành như lòng bàn tay sẽ biết được khu nào có thể mua được những thứ không cần "cân, đong, đo, đếm" mà người bán tính bằng "mớ" như mớ ớt hiểm, mớ đọt nhãn lồng, mớ đọt lang… mà muốn mua nhiều cũng không có. Vì đơn giản là những mớ hàng hóa ấy là đồ vườn… có nhiêu bán nhiêu, nhà ăn không hết thì mang ra chợ bán kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy.

Những món rau vườn ấy ngày xưa không cần phải mua, cắp cái rổ đi một vòng quanh xóm là đầy rổ, nhưng bây giờ được ưa chuộng rất nhiều do là rau sạch, thiên nhiên, tuy không bắt mắt nhưng các bà nội trợ lại thấy yên tâm, vì cho rằng không phân thuốc hóa học...

Đi chợ quê còn là cái thú vui riêng của những cô, dì lớn tuổi. Họ đi chợ là vừa để mua những món mình cần, vừa tới chợ để gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện… Những việc có thể đã trở nên xa xỉ với những thế hệ "GenZ", thế hệ vội vã, tất bật, áp lực và không có thời gian trò chuyện.

Đi chợ quê, có người còn phải giật mình vì những người bán hàng thuộc luôn cả sở thích, thành phần của gia đình người đi chợ. Họ nhớ nhà người đi chợ có mấy người, nấu canh mướp thì thích nêm lá quế hơn hành lá, mua cà thì thích lựa trái chín vừa, để ăn từ từ, có khi vừa tới đầu chợ đã nghe kêu í ới: “Gái! Gái! Bữa nay có mấy trái bình bát chín nè, bữa nhỏ kiếm mà không có, nay có nè mua đi cưng!” Dễ thương chưa!?

Đi chợ quê, có người cũng trả giá để mua được giá nới, thời buổi khó khăn, bớt được đồng nào thì hay đồng ấy. Có người cũng sà vào trả giá, cò kè, nhưng tới lúc tính tiền thì người ta thối cũng không lấy, có người bán hàng thì khách trả giá nhất quyết không bớt, nhưng lúc cân thì lại cân dư một chút…

Trong không gian nhộp nhịp chen lấn này, người này có thể níu tay người khác chẳng quen biết chỉ để hỏi chỗ nào bán mấy trái dưa hường, hoặc cũng có thể hỏi thăm khi thấy ai đó xách tòn teng món mà mình cũng thích… và được chỉ tận chỗ, có khi còn kéo lại nói nhỏ cho biết là mua nhiêu tiền, lựa sao cho ngon… dễ thương quá trời!

Cuộc sống hiện đại, từ vùng nông thôn đến thành thị, hiện nay hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã "phủ sóng" khắp nơi. Nếu không thích đi ra đường thì ngồi nhà cũng có thể đi chợ "online". Cũng không cần phải dậy thật sớm, bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào cũng có thể mua những món mình cần chỉ một "cú nhấp chuột". Hàng hóa ở cửa hàng, siêu thị thì luôn sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, nhân viên phục vụ tận tình, giao hàng tận cửa nhà… nhưng cái gì tiện lợi thì mình sử dụng, còn cái gì dễ thương, gần gũi thì mình giữ gìn… thế thôi!

TƯỜNG QUÂN

.
.
.