Thứ Ba, 19/03/2024, 18:18 (GMT+7)
.

Đắp bồi văn hóa để phát triển báo chí

Không phải vô cớ mà văn hóa được lấy làm một chủ đề chính trong các phiên tọa đàm tại Hội báo toàn quốc 2024. Và từ góc nhìn bao quát, tinh thần đắp bồi văn hóa cho người làm báo, cho các cơ quan báo chí cũng đã được truyền tải qua ngày hội lớn lần này.

Một góc gian trưng bày của Báo Nhân Dân tại Hội báo toàn quốc 2024.
Một góc gian trưng bày của Báo Nhân Dân tại Hội báo toàn quốc 2024.

Bàn về văn hóa từ sự suy giảm văn hóa

Tọa đàm “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” có sự nhìn lại việc phát động phong trào trên từ ngày 21/6/2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam khởi xướng. Gần hai năm tính đến nay, nhiều cơ quan báo chí đã ký kết xây dựng môi trường văn hóa, chú trọng phát huy văn hóa trong việc tạo dựng không gian công sở, phong cách lãnh đạo và tác nghiệp, quan hệ ứng xử trong đơn vị báo chí…

Tuy nhiên, lý do để tọa đàm cũng bắt nguồn từ những bất cập, tiêu cực trong thực tiễn hoạt động báo chí. Và mở ra các nội dung thảo luận cũng chính là để đề ra những giải pháp khả thi cho việc lan tỏa hơn nữa “chất” văn hóa vào báo chí và người làm báo, cách làm báo. Theo đó, như nhận xét của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, nhìn lại năm 2023, không ít nhà báo đã bị khởi tố vì cưỡng đoạt tài sản; không ít tòa soạn và người làm báo bất chấp những cách làm thiếu chuẩn mực, lố lăng, phản cảm để “câu view”; nhiều trường hợp báo đưa thông tin sai nhưng không đính chính, không xin lỗi… Nguyên nhân đến từ sự buông lỏng quản lý và suy thoái về đạo đức của một bộ phận người làm báo; từ mặt trái và những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường…

Khắc phục những tiêu cực đó, theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, cần tăng cường tuyên truyền đạo đức người làm báo; tăng tính nghiêm minh của luật pháp và sự chặt chẽ trong phát hiện, xử lý sai phạm đối với hoạt động báo chí. Và không thể thiếu được việc thúc đẩy xây dựng văn hóa báo chí.

Với quan niệm và những gợi mở của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng như nhiều nhà báo khác tại tọa đàm, văn hóa ở đây cần hiểu và áp dụng theo nghĩa rộng, có liên quan đến cả đạo đức, phong cách làm việc, tôn chỉ mục đích, mục tiêu hoạt động, cống hiến, chất lượng sản phẩm của đơn vị báo chí. Và cả những yếu tố mang ý nghĩa kinh tế, vật chất, môi trường, thu nhập... của nhà báo, tờ báo.

Diễn ra trong hai ngày 15, 16 và tổng kết sáng 17/3 tại TP Hồ Chí Minh, Hội báo toàn quốc 2024 đã có nhiều hoạt động mang đậm chất văn hóa. Các gian trưng bày của hàng trăm cơ quan báo chí được thể hiện đa màu sắc, trang trọng, trẻ trung, hiện đại với nhiều hoạt động tương tác, giao lưu văn nghệ, trải nghiệm công nghệ và thử làm báo… dành cho đại biểu, người làm báo, bạn đọc… Cùng với đó là hai chương trình nghệ thuật buổi tối, cuộc thi sáng tác ảnh nhanh “Những khoảnh khắc đẹp của Hội báo toàn quốc 2024” cùng 10 phiên thảo luận với nhiều chủ đề thiết thực. Nhờ đó, hội báo đã thu hút rất đông đảo người làm báo và công chúng tham dự.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, đạo đức báo chí và văn hóa báo chí có sự đan hòa, ở trong nhau một cách tuyệt đối. Cần nghiên cứu sâu hơn để làm rõ nét hơn vấn đề này. Ông cũng đòi hỏi lãnh đạo cơ quan báo chí phải rất gương mẫu để anh em trong cơ quan, đơn vị noi theo, chứ nếu không thì chỉ gây nên sự phản cảm mà thôi. Cùng với đó, nhà báo Hồ Quang Lợi đề nghị, việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí không nên chỉ là phong trào nhất thời mà phải là cuộc vận động, là việc làm thường xuyên, lâu dài.

Đa dạng cách xây dựng văn hóa

Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị mình, nhà báo Thanh Trang, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm qua, báo phát động phong trào xây dựng người làm báo vững vàng về chính trị, tuân thủ pháp luật; xây dựng môi trường làm việc văn minh, đoàn kết, vì sự nghiệp chung. Trong đó có văn hóa ứng xử, có trách nhiệm làm gương của người đứng đầu. Cùng với đó còn phải xây dựng, bài trí nơi làm việc sạch đẹp, duy trì chuẩn chỉnh giờ giấc trong làm việc, công tác. Chị Thanh Trang thông tin, tờ báo của mình còn tăng cường hoạt động xã hội, từ thiện nhằm tăng thêm sự đóng góp với cộng đồng và rèn luyện, bồi dưỡng về tình cảm, lối sống văn hóa, nhân văn cho cán bộ, phóng viên.

Nhà báo Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa đặt một vấn đề cũng đáng suy ngẫm. Đó là xây dựng thương hiệu báo chí bằng văn hóa. Theo đó, để đạt được thương hiệu thì cơ quan báo chí và người làm báo phải nỗ lực trên nhiều mặt về chất lượng sản phẩm, hiệu quả công việc và uy tín đơn vị. Và hướng tới xây dựng thương hiệu cũng chính là để người làm báo tự tin làm nghề, khẳng định vị thế của mình trước xã hội, công chúng. Và khi đó, thương hiệu cũng chính là văn hóa.

Nhà báo Phạm Văn Báu, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa lại “co gọn” vấn đề vào việc phát huy “chất” văn hóa, các mảng đề tài văn hóa, văn học nghệ thuật trên các loại hình báo chí. Đồng thời thúc đẩy xu hướng báo chí dữ liệu. Bởi theo nhà báo Văn Báu, bên cạnh tin tức cần đưa nhanh, bạn đọc còn có nhu cầu tiếp nhận những nội dung chuyên sâu, mở rộng để nắm bắt lịch sử vấn đề, hiện tượng, sự kiện và liên hệ rộng ra đời sống xã hội. Theo đó, báo chí dữ liệu cũng đòi hỏi sự phối hợp sâu sắc, tinh tế của nghệ thuật ngôn ngữ cùng thông tin, dữ liệu về văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội… Và đó cũng chính là cách mà các nhà báo làm công việc văn hóa.

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật gợi mở thêm về vấn đề phát huy truyền thống cơ quan báo chí và đào tạo con người. Ý kiến đáng chú ý của nhà báo Tiến Thanh, là với các báo có bề dày, có truyền thống lâu năm, thì có thể coi đó chính là những cơ quan văn hóa. Vậy với những báo trẻ, báo mới ra đời trong cơ chế thị trường hôm nay thì phải làm gì để tạo dựng “chỗ dựa văn hóa”. Đó là câu hỏi cho việc đào tạo phóng viên ra sao, xác định quan điểm làm báo như thế nào. Nhà báo Tiến Thanh nhận định, báo nào phát triển, đến được với bạn đọc thì môi trường văn hóa của họ rất tốt.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, nhà báo, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập tạp chí Tài nguyên và Môi trường đưa ra đề xuất, cần thúc đẩy việc thi đua trong và giữa các báo trong việc xây dựng môi trường văn hóa; bồi dưỡng cho nhà báo về kỹ năng, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả tác nghiệp cả trong chất lượng sản phẩm lẫn tác phong, tư thế làm nghề của nhà báo. Đồng thời, tăng cường hiệu quả giám sát của luật pháp để người làm báo tham gia mạng xã hội có trách nhiệm, không phát tán những thông tin, quan điểm xấu, độc.

Đặc biệt, nhà báo Đào Xuân Hưng đề xuất phát huy cơ chế đặt hàng của Nhà nước với báo chí trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách, hoạt động của các ngành nghề, lĩnh vực. Sự hợp tác này góp phần bảo đảm đủ tài chính cho báo hoạt động, người làm báo sống được bằng nghề. Như vậy mới góp phần giảm thiểu, phòng, chống nguy cơ tiêu cực, suy thoái đạo đức, cũng chính là suy thoái văn hóa trong hoạt động nghề nghiệp.

Với cái nhìn mở, văn hóa báo chí được liên hệ rộng đến cả việc tác nghiệp, hoạt động công vụ, việc xây dựng tổ chức, củng cố nhân sự, đào tạo con người của cơ quan báo chí. Và như vậy, xây dựng, bảo vệ môi trường văn hóa báo chí có liên quan đến rất nhiều mặt hoạt động của một đơn vị báo chí cũng như mỗi bộ phận, cá nhân trong đó. Diễn đàn tại Hội báo toàn quốc 2024 góp phần đặt vấn đề thúc đẩy việc xây dựng, vun đắp, lan tỏa tinh thần văn hóa, các giá trị văn hóa trong mọi mặt hoạt động báo chí. Cùng với đó, phải tiếp tục tìm ra những cách làm hay, thiết thực cho công việc này, trong thời gian dài, để mỗi đơn vị báo chí là cơ quan văn hóa, người làm báo là những người làm ra sản phẩm văn hóa cũng như làm báo một cách có văn hóa.

(Theo nhandan.vn)

 

 

.
.
.