Tưởng nhớ Nhà văn Đoàn Giỏi
Nhà văn Đoàn Giỏi mất cách đây 35 năm (2-4-1989 - 2-4-2024) trong một cơn bạo bệnh của căn bệnh gan thời kỳ cuối. Để tưởng nhớ Nhà văn Đoàn Giỏi, Báo Ấp Bắc xin đăng bài viết “Tưởng nhớ Nhà văn Đoàn Giỏi” của cố Nhà báo Trần Quân viết cách đây 25 năm.
Nhà văn Đoàn Giỏi (1925 - 1989) với tác phẩm nổi tiếng “Đất rừng phương Nam”. |
Nhà văn Đoàn Giỏi mất đi giữa lúc đề cương phác thảo cho quyển tiểu thuyết 10 chương, lấy tên “Núi cả, cây ngàn”, anh mang theo vào bệnh viện với tâm nguyện: “Viết xong có chết cũng toại nguyện”.
Tuy anh ra đi chưa toại nguyện, nhưng những gì anh đã cống hiến cho nền văn học nước nhà thật đáng quý. Ngay từ cuối năm 1942, lúc mới 17 tuổi và còn đang học ở Trường Mỹ thuật Gia Định, anh đã viết truyện ngắn đầu tiên “Nhớ cố hương”, được đăng trên tờ Nam Kỳ tuần báo do Nhà văn Hồ Biểu Chánh làm Chủ nhiệm. Khi đi kháng chiến năm 1948, anh phá vỡ cốt truyện này viết thành một truyện dài hơn và đặt lại tên là “Đường về gia hương”.
Nhà văn Đoàn Giỏi sớm tham gia kháng chiến chống Pháp và năm 1947 làm Trưởng Công an huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1948, anh vào Đảng Cộng sản Đông Dương làm Phó ty Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho, kiêm chủ bút Báo Tiền Phong của Mặt trận Việt Minh Mỹ Tho mà vị trí như tờ Báo Ấp Bắc của Đảng bộ Tiền Giang ngày nay. Năm 1950, anh làm Phó ty Thông tin tỉnh Rạch Giá; năm 1951, làm Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Nam bộ và Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Lá Lúa.
Ngoài “Đường về gia hương” và nhiều truyện ngắn khác, Nhà văn Đoàn Giỏi có truyện thơ “Bến nước mười hai”, nhiều bài thơ lẻ cùng một số đoản văn và thơ dịch… Tập kết ra Bắc những năm 1955, 1956 trở đi, anh cho in tiểu thuyết “Cá bống mú”, tập truyện Trần Văn Ơn, rồi tập tùy bút “Ngọn tầm vông”, tiểu thuyết “Hoa hướng dương”, kịch phim trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Với thành quả sáng tác của mình trong những năm đầu tập kết ra Bắc, vào tháng 3-1957, anh chuyển về Hội Nhà văn Việt Nam, làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam. Chính lúc này, tại ngôi nhà số 19, phố Tôn Đản, Nhà văn Đoàn Giỏi đã viết cuốn “Đất rừng phương Nam”.
“Đất rừng phương Nam” vừa xuất bản đã được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh, nhất là thanh, thiếu niên. Nhà xuất bản Kim Đồng đã tái bản nhiều lần. Sách được dịch và xuất bản ở các nước Liên Xô (trước đây), Hungary, Đức, Cuba… Khi Đoàn Giỏi sang Liên Xô, ghé chơi nhà Boris Polevoi, trẻ em Liên Xô háo hức kéo tới để coi mặt tác giả “Đất rừng phương Nam”.
Ngoài các tác phẩm viết cho thanh, thiếu nhi, Nhà văn Đoàn Giỏi còn đóng góp nhiều trong việc sưu tầm, viết về hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Thập với cuốn “Từ đất Tiền Giang”, về bác Tôn Đức Thắng với cuốn “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày”.
Nhà văn Đoàn Giỏi say mê yêu mến thiên nhiên, động vật, anh có cả một bộ sưu tập ghi chép tỉ mỉ về cỏ cây, muông thú. Xuất thân là họa sĩ rồi nhà văn, anh vẽ thiên nhiên bằng văn chương đầy màu sắc. Là một nhà văn gốc Nam bộ, nên văn của anh rất Nam bộ. Nhà thơ Xuân Diệu có nhận xét: “Miền Nam có Đoàn Giỏi là một tự hào lớn và chỉ có Đoàn Giỏi mới có nhân vật, phong cách, ngôn ngữ, phong tục của vùng đất hào hùng đó. Bài thơ “Bà má Năm Căn” của mình nhờ mình đọc “Cây đước Cà Mau” của Đoàn Giỏi mà có”.
Đối với những cây bút trẻ, Nhà văn Đoàn Giỏi rất sẵn lòng giúp đỡ, bồi dưỡng, qua việc góp ý riêng hoặc qua các trại sáng tác. Lúc lâm trọng bệnh, vào bệnh viện anh còn đem theo bản thảo của một nhà văn trẻ để đọc và góp ý.
Tưởng nhớ Nhà văn Đoàn Giỏi, Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thông tin và Hội Văn nghệ Tiền Giang phối hợp tổ chức họp mặt Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Nhà văn Đoàn Giỏi vào buổi sáng ngày 27-3-1999 tại Tiền Giang.
Dự họp mặt về phía Trung ương và TP. Hồ Chí Minh có các nhà thơ, nhà văn: Bảo Định Giang, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương, Sơn Nam, Phạm Tường Hạnh, Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Duy, Võ Trần Nhã, Chim Trắng…; về thông tin, văn nghệ, báo chí, các nhà thơ, nhà văn và những cây bút trẻ trong tỉnh.
Sau khi thắp hương tưởng niệm trước bàn thờ Nhà văn Đoàn Giỏi được dựng lên tại hội trường, đại diện lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các đại biểu phát biểu ý kiến. Đó là những kỷ niệm sâu sắc, thân tình đối với nhà văn quá cố Đoàn Giỏi được nhắc lại, những nhận xét về cái tên, cái tình, tinh thần nghiêm túc lao động sáng tạo của nhà văn:
“Tôi quen biết Nhà văn Đoàn Giỏi cách đây vừa đúng 50 năm, đó là vào khoảng cuối năm 1949, trong cuộc chống Pháp, khi anh mới từ Mỹ Tho xuống Rạch Giá nhận Phó ty Thông tin. Năm ấy, tôi mới mười bốn, còn anh Đoàn Giỏi hăm bốn. Tuy còn ở tuổi thanh niên, nhưng trông anh chững chạc, từng trải, có lẽ do dáng người đậm.
Nhà văn Đoàn Giỏi, sinh năm 1925, tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội các khóa I, II, III. Ông mất năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Nhà văn Đoàn Giỏi còn có các bút danh khác: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư. Ông nổi tiếng với tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” viết cho lứa tuổi thiếu nhi, được tái bản rất nhiều lần và dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Năm 1997, từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”, hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh (TFS) đã sản xuất thành bộ phim “Đất phương Nam” dài 11 tập, Nguyễn Vinh Sơn viết kịch bản và đạo diễn. Không dừng lại ở sự đón nhận của khán giả Việt Nam, bộ phim “Đất phương Nam” đã “xuất khẩu” sang Mỹ và được đông đảo khán giả ở Mỹ đón nhận. P. NGHI |
Trước khi gặp anh, tôi đã hâm mộ anh qua những truyện, thơ của anh do nhà xuất bản Phân Hội Văn nghệ Đồng Tháp Mười in dưới dạng sách khổ nhỏ. Văn xuôi thì anh ký bút danh Đoàn Giỏi, thơ thì có lúc anh ký là Nguyễn Thị Huyền Tư. Dưới cùng của một tùy bút hoặc truyện ngắn ngoài tên Đoàn Giỏi thường thêm “Người hàn sĩ đất Thủ Khoa Huân” - trích phát biểu của Nhà văn Anh Đức.
“Nhà văn Đoàn Giỏi có thói quen, trước khi ngồi vào bàn viết anh đều thắp một nén hương thơm sau khi lau cái bàn gỗ thật sạch sẽ. Với anh “chữ và nghĩa” là điều thiêng liêng. Chữ của thánh hiền ban cho không được đùa giỡn hoặc coi thường. Trong con mắt của tôi, với Nhà văn Đoàn Giỏi, sự sáng tạo đồng nghĩa với một cuộc đấu tranh - một cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt.
Trong quá trình sáng tác tác phẩm“Đất rừng phương Nam”, tôi có cảm giác anh năm Đoàn Giỏi đánh vật với từng chữ. Với thân hình khỏe mạnh của anh, tôi thấy có lúc anh mệt mỏi rồi như một người vụt vùng dậy sau lúc thua trận. Anh trao một khẩu hiệu trên bàn viết của anh “Hoàn thành hoặc tự sát”. Đọc cái khẩu hiệu ấy tôi rởn tóc gáy, dữ dội quá. Sau đó, tác phẩm “Đất rừng phương Nam” ra đời” - trích phát biểu của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
“Tôi gặp anh lần đầu vào giữa năm 1948 tại Đồng Tháp Mười trong một dịp lễ mừng sinh nhật Bác Hồ, có liên hoan văn nghệ. Anh và Nguyễn Bính đóng chung trong một vở kịch thơ. Giọng anh ồ ề và không phải là người chuyên về ngâm thơ nên anh chỉ ra trò giữ nhịp cho Nguyễn Bính trổ tài ứng khẩu thơ và giọng ngâm của một ông thầy đồ trẻ. Nhưng khán giả ngồi kín đặc bên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp và xuồng ghe giăng giăng trên mặt kinh lại đặc biệt chú ý tới Đoàn Giỏi” - trích phát biểu của Nhà văn Phạm Tường Hạnh.
“Khoảng đầu những năm 80, tôi đọc được một truyện ngắn của anh Đoàn Giỏi có tên gọi là “Tiếng gọi ngàn” đăng trên tuần Báo Văn Nghệ. Tôi là một độc giả vốn ngưỡng mộ mọi trang viết của anh Đoàn Giỏi, nhưng đọc đến cái truyện này thì tôi thật sự bàng hoàng vì cái trẻ trung, cái tài hoa của một cây bút đã ngấp nghé sáu chục tuổi” - trích bài viết của Nhà văn Nguyễn Khải gửi đến và được đọc tại cuộc họp mặt do anh bị bệnh không đến dự.
Trong phần phát biểu của mình, nhà văn Đoàn Minh Tuấn sau khi kể lại những kỷ niệm, những hiểu biết của mình về Nhà văn Đoàn Giỏi, đã có một số đề nghị được tất cả các đại biểu có mặt đồng tình: Nhà nước có giải thưởng văn học xứng đáng truy tặng anh; Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam in toàn tập của anh; Tiền Giang quê hương anh nên có một con lộ nhỏ đặt tên Đoàn Giỏi.
Cuộc họp mặt kỷ niệm 10 năm Ngày mất Đoàn Giỏi (2-4-1989 - 2-4-1999) thêm một lần nữa khẳng định công lao to lớn của anh đối với nền văn học nước nhà. Anh ra đi ở tuổi 64, không kịp có thời gian thực hiện mơ ước cuối cùng của mình. Nhưng với một đời văn của mình, Nhà văn Đoàn Giỏi đã kịp để lại cho đời những tác phẩm đầy ấn tượng về đất nước, con người ở vùng đất “đi trước về sau” trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
TRẦN QUÂN