.

Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Tiền Giang

Cập nhật: 10:13, 11/03/2024 (GMT+7)

Với quyết tâm hành động, khát vọng cống hiến trong tổ chức triển khai thực hiện, dưới ánh sáng “soi rọi” của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, thời gian qua, việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Tiền Giang được tỉnh chỉ đạo theo hướng phát triển toàn diện, đạt các giá trị chân - thiện - mỹ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.

Tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa; đặc biệt tập trung thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và thực hiện Luật Di sản văn hóa, nên công tác xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ mới ở tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.

Xác định “Xây dựng và phát triển văn hóa” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt việc triển khai quán triệt sâu rộng chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cụ thể hóa Nghị quyết 33 bằng Chương trình hành động 57 ngày 22-8-2014 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, cấp ủy đảng khẩn trương xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nghị quyết, chú trọng các giải pháp phối hợp thực hiện, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ nhằm cụ thể hóa, đưa nội dung nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội, phục vụ lợi ích của nhân dân và sự phát triển của tỉnh.

 Các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được tỉnh quan tâm, đầu tư, tạo nên phong trào văn hóa lành mạnh, bổ ích trong nhân dân.  (Ảnh chụp tiết mục biểu diễn tại Hội thi “Hát sử ca” tỉnh Tiền Giang lần thứ I năm 2022).                                                                                                           Ảnh: THU HOÀI
Các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được tỉnh quan tâm, đầu tư, tạo nên phong trào văn hóa lành mạnh, bổ ích trong nhân dân. (Ảnh chụp tiết mục biểu diễn tại Hội thi “Hát sử ca” tỉnh Tiền Giang lần thứ I năm 2022). Ảnh: THU HOÀI

Đồng thời, hướng dẫn và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa lịch sử địa phương, dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chú trọng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu các sản phẩm, đặc sản của Tiền Giang để thu hút khách du lịch theo tinh thần Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tiền Giang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các đề án, kế hoạch hoạt động chuyên môn của ngành như: Đờn ca tải tử; phát triển văn hóa đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVH-TT) cấp xã; phát triển văn hóa nông thôn... với rất nhiều hoạt động thiết thực, hữu ích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong tỉnh. Theo đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hiện có 11/11 huyện, thị, thành của tỉnh đều có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh (TTVHTT&TT), trong đó có 4 TTVHTT&TT huyện được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 139 TTVH-TT cấp xã được xây dựng với trang thiết bị tương đối đầy đủ; có 392 nhà văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định.

Đến nay, toàn tỉnh có 139/142 xã được công nhận đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tăng thêm 128 xã so với thời điểm cuối năm 2015, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt, giao lưu, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương.

Các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được quan tâm, đầu tư, tạo nên phong trào văn hóa lành mạnh, bổ ích làm nền tảng tinh thần trong nhân dân. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn, hay các hoạt động vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng lãm của nhân dân trong tỉnh và du khách trong, ngoài nước, vừa góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Tiền Giang; đồng thời, đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bên cạnh đó, qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có nhiều khởi sắc. Hiện toàn tỉnh có 94,72% hộ đạt 3 tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, tăng 0,7% so với năm 2022; đạt 100% ấp, khu phố văn hóa và có 172/172 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường/thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 69 chợ văn hóa, 18 công viên văn hóa, 951 con đường văn hóa, 569 cơ sở thờ tự văn hóa.

Tỉnh hiện có 187 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, gồm 20 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 165 di tích cấp tỉnh. Trong đó, các di tích gắn liền tên tuổi các Anh hùng dân tộc, sự kiện lịch sử - văn hóa đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Đền thờ Thủ Khoa Huân, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...

Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có 212 lễ hội dân gian, 9 lễ hội cách mạng; trong đó, có 5 lễ hội được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Kỳ Yên đình Vĩnh Bình, Lễ hội Kỳ Yên đình Long Trung và Lễ hội Tứ Kiệt.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh được ngành VHTT&DL đặc biệt quan tâm gắn với phát triển du lịch, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Tiền Giang với khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Cùng với đó, công tác trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm các hiện vật bảo tàng cũng được chú trọng thực hiện thường xuyên. Đặc biệt trong đó Rạp hát Thầy Năm Tú và Nhà Bạch Công Tử là 2 di tích văn hóa nổi tiếng một thời của vùng đất lục tỉnh xưa nay đã được trùng tu, khai thác.

Từ năm 2015 đến nay, Rạp hát Thầy Năm Tú (phường 1, TP. Mỹ Tho) được Sở VHTT&DL phối hợp tổ chức nhiều chương trình đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương miễn phí, thu hút nhiều tài tử, khán giả mộ điệu đến dự xem và tham gia biểu diễn.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua với quyết tâm chính trị cao trong tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các giải pháp và sự năng động, sáng tạo, của các ban, ngành, đoàn thể trong tham mưu, tổ chức thực hiện, việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Tiền Giang theo hướng phát triển toàn diện, đạt các giá trị chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học đạt được nhiều kết quả tích cực.

Văn hóa sẽ thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Theo Sở VHTT&DL, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tập trung cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể phù hợp với thực tiễn. Đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, giải tỏa những “điểm nghẽn” khơi thông để “mạch nguồn” văn hóa lưu thông thuận lợi, phát triển bền vững.

Cùng với đó, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, phát huy các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và phát triển văn hóa Tiền Giang gắn với nền văn hóa Việt Nam. Khuyến khích các văn nghệ sĩ lao động sáng tạo để có nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội; phát huy các di sản văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa, những đức tính tốt đẹp của người Tiền Giang nói riêng và người Việt Nam nói chung…

HỮU NGHỊ

 

.
.
.