Thứ Tư, 17/04/2024, 11:00 (GMT+7)
.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Hướng về cội nguồn dân tộc

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn - 2024 diễn ra từ ngày 9-4 đến hết ngày 18-4 (tức từ mùng 1-3 đến hết mùng 10-3 âm lịch) tại TP. Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ. Vào những ngày này, cùng với Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, hàng triệu người con đất Việt tại các tỉnh, thành trong cả nước cùng thành kính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.  

Tại tỉnh Tiền Giang, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã quyết định chọn địa điểm Bảo tàng tỉnh làm nơi đặt bàn thờ các Vua Hùng, để nhân dân trong tỉnh thuận lợi trong việc dâng hương lên Tổ tiên, hướng về cội nguồn của dân tộc nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

HƯỚNG VỀ CỘI NGUỒN DÂN TỘC

Từ ngàn đời nay, đối với mỗi người dân nước Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo. Từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người con đất Việt đều hướng về Tổ tiên, nguồn cội, hướng tới ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Dòng người về Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm.                        Ảnh: Internet
Dòng người về Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Ảnh: Internet

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng từ ngàn đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, điểm hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, đoàn kết, gắn bó keo sơn để chiến thắng mọi thiên tai và kẻ thù. Là người Việt Nam dù quần tụ nơi đất mẹ hay ở xa Tổ quốc muôn trùng, ai cũng luôn hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính, tri ân công lao dựng nước mở nghiệp sơn hà của các Vua Hùng.

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”

Câu ca dao từ ngàn năm như nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Trải qua nhiều năm, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong toàn quốc được tổ chức theo nghi thức quốc gia. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 được tỉnh Tiền Giang tổ chức vào lúc 16 giờ 30 phút, ngày 17-4 (thứ tư, mùng 9 tháng 3 âm lịch) tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang.

Lễ giỗ có 2 phần:  Phần lễ được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ cúng tế do Ban lễ Đình Điều Hòa thực hiện; biểu diễn múa lân sư rồng, trống hội; chương trình văn nghệ. Phần hội với các hoạt động trưng bày, như: Hình ảnh "Mỹ Tho, Gò Công xưa và nay”; chuyên đề “Văn hóa trầu cau”; “Kỷ vật kháng chiến”; trưng bày các loại hoa và trái cây trên xuồng ba lá, các tác phẩm thư pháp; hội thi “Gói - nấu và trưng bày bánh ít”.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tỉnh Tiền Giang tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc; khẳng định vị trí và ý nghĩa to lớn của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ của dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên.
 

Từ bao đời nay, Đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ là nơi thực hành các nghi lễ trang nghiêm thờ cúng các Vua Hùng; nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Theo đó, từ năm 2001, Chính phủ quy định về quy mô và nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Năm 2007, Quốc hội đã thống nhất chọn ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm Ngày Quốc giỗ Hùng Vương, chính thức trở thành ngày Quốc lễ, ngày hội lớn quy tụ cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đến năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

CỘI NGUỒN SỨC MẠNH TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước; đồng thời, còn là dịp quan trọng để quảng bá ra thế giới về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” - một Di sản văn hóa vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng ngàn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

Hằng năm, tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang đều tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đáp ứng  nhu cầu đến dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng của nhân dân tỉnh nhà.
Hằng năm, tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang đều tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đáp ứng nhu cầu đến dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng của nhân dân tỉnh nhà.

Ngày Quốc giỗ Hùng Vương còn là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Hiện nay, theo thống kê, trong cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ TP. Hà Nội cho đến các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang…

Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam, với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian…

Trong đời sống đương đại hiện nay, Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là mạch nguồn tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Đây cũng là môi trường hội tụ bản sắc sáng tạo văn hóa, hội tụ các thành tố văn hóa, bồi đắp niềm tin.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức cũng là một cách thức nhằm tái tạo tinh thần từ truyền thống, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ.

Sự lôi cuốn ấy không chỉ ở số lượng người tham gia trực tiếp tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, mà còn khích lệ cộng đồng người Việt tham gia Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại các tỉnh, thành phố khác trong nước và ở nhiều quốc gia trên thế giới có người Việt sinh sống.

Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự biến đổi nhất định để thích nghi với văn hóa dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thậm chí đã được các hệ tư tưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác bổ sung, hoàn chỉnh để trở thành tín ngưỡng mang tầm quốc gia, có những đóng góp giá trị tích cực và trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

H. NGHỊ - N. NGỌC



 

.
.
.