Thứ Sáu, 26/04/2024, 14:54 (GMT+7)
.

Người con gái Long Hưng

(ABO) Đó là tên vở cải lương viết về Anh hùng Lê Thị Hồng Gấm, người con đất Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Nhằm ôn lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của quân và dân trong cuộc chống Mỹ cứu nước, nhân Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975 - 30-4-2024, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành tổ chức sản xuất vở cải lương “Người con gái Long Hưng”, với thời lượng 90 phút, kịch bản: NNƯT - Soạn giả Huỳnh Anh, cùng với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: NSND Mỹ Hằng, NSƯT Đào Vũ Thanh, NSƯT Nhơn Hậu, NSƯT Minh Hoàng, NS Huỳnh Mơ, NS Hải Long, NS Hùng Vương…

A
Phân cảnh trong vở cải lương Người con gái Long Hưng.
Lê Thị Hồng Gấm sinh năm 1951, trong một gia đình nông dân ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành. Sống và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, Hồng Gấm cũng như bao thanh niên khác của xã Long Hưng sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Lê Thị Hồng Gấm cùng đồng đội chiến đấu 49 trận, giết và làm bị thương  219 tên địch, trong đó có 22 tên Mỹ, bắn rơi 1 máy bay. Đồng chí được tặng 4 Bằng khen, 3 Bằng dũng sĩ diệt Mỹ, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 20-9-1971, Lê Thị Hồng Gấm được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Huân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Đây là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được phong tặng đầu tiên ở tỉnh Tiền Giang. Lê Thị Hồng Gấm mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung, là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo. Từ tấm gương chiến đấu kiên cường của người nữ du kích anh hùng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cảm xúc sáng tác nhạc phẩm “Những cánh chim Hồng Gấm” được nhiều người yêu thích.

Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mảnh đất Châu Thành luôn là trung tâm, là cửa ngõ giữa hai làn đạn ta với địch và cũng là nơi nổ ra những trận đánh trực diện sau những trận càn quét của kẻ thù hay những chuyến tải quân lương. Từ sau thất bại trận đánh Ấp Bắc kéo dài đến chiến dịch mùa xuân Mậu Thân 1968, quân giặc điên cuồng đưa những chiến thuật bình định đàn áp dân ta, nhất là các vùng ven sát trọng điểm của chúng.

Lớn lên trong bối cảnh tận mắt chứng kiến những cảnh tàn khốc của quân thù, Lê Thị Hồng Gấm đã bí mật gia nhập Đội du kích xã khi mới 16 tuổi, sau đó lên huyện được chỉ định về Long Hưng làm Xã đội phó xây dựng lực lượng đánh địch bảo vệ xóm làng. Nhiều lần mang tài liệu mật, đưa cán bộ vượt tuyến đối mặt với quân địch, chị đã mưu trí, dũng cảm thoát hiểm an toàn.

vc
Phân cảnh trong vở cải lương Người con gái Long Hưng.

Tuy chị hoạt động trên một địa bàn hẹp, nhưng vô cùng nguy hiểm, vì mỗi khi đi công tác, chị phải vượt qua các khu căn cứ ở vàng đai Bình Đức, có ngày phải chuyển 7 công văn. Những lúc chạm mặt với địch, chị rất bình tĩnh, mưu trí, không hề để lộ tung tích.

Câu chuyện vở cải lương “Người con gái Long Hưng” được bắt đầu từ khoảng thời gian năm 1960-1970. Đây là thời điểm nổi bật, đánh dấu cuộc đời làm cách mạng của chị. Đồn ông Hổ luôn là một cứ điểm quan trọng và Hồng Gấm đã cảm hóa không ít những người lính giác ngộ đứng về hàng ngũ cách mạng, trong đó có Tân -  anh lính hiền lành bị bắt quân dịch và Tân đã làm nội ứng cho cách mạng.

v
Phân cảnh trong vở cải lương Người con gái Long Hưng.

Sau những thuận lợi chuyển lương, tải đại hay đưa người, Trưởng đồn càng điên cuồng đánh phá khắp nơi và Hồng gấm với cương vị Trung đội phó đã đề xuất kế hoạch diệt đồn ông Hổ. Ngày 18-4-1970, để chuẩn bị cho trận đánh đêm, chị cùng 2 nữ du kích đi mua thức ăn trữ cho Trung đội, giữa đường bị địch phát hiện, sau khi yểm trợ cho đồng đội và bắn rơi chiếc trực thăng HU1A, chị đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Với độ dài 90 phút, được phân chia thành 7 cảnh và 7 nhân vật, vở cải lương “Người con gái Long Hưng” đã khắc họa người chiến sĩ cách mạng và để mang tính chất nghệ thuật tác giả đã có phần hư cấu thêm trong câu chuyện thật của lịch sử một số nhân vật như trưởng đồn Lập, lính đồn Tân để tôn thêm sự căm thù giặc trong lòng mọi người cũng như tôn thêm nhân cách của người chiến sĩ cách mạng.

c
Đường Lê Thị Hồng Gấm tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh sự anh dũng, kiên cường thì Hồng Gấm vẫn là một cô gái Việt Nam dịu dàng, trong sáng với mối tình đầu cùng anh bộ đội tên Khoa và chung thủy hẹn nhau đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước sẽ tính chuyện trăm năm.

Có thể nói đây là những tình tiết của tác giả làm cho nhân vật Lê Thị Hồng Gấm càng tỏa sáng hơn và vở diễn mềm mại hơn bằng ngôn ngữ của nghệ thuật khi viết về hình tượng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

TRUNG TÍN - TT

.
.
.