Chủ Nhật, 21/04/2024, 15:05 (GMT+7)
.

Vần công

Bấm tay nhẩm tính đợt vô phân lần cuối đám thuốc lá được bao nhiêu ngày, ông Hai Tác bàn với Sáu Thôn, đứa con trai lớn: “Tuần sau là hái đợt lá đám thuốc phía giáp đường lộ được rồi đấy. Nhà Tư Chớ cuối tuần này sắc thuốc, xong là tới nhà mình. Báo trước để có người vần công mà làm…”.

a
Vần công vẫn được duy trì ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL

Những năm cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 80, ở xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TPHCM) dân cư còn thưa thớt, mỗi ấp chừng hơn 100 nóc nhà được bao bọc bởi những cánh đồng mênh mông. Mỗi năm chỉ trồng được vụ lúa mùa 6 tháng, 6 tháng còn lại là mùa khô, trồng các loại rau quả được gọi là đồ hàng bông. Những vạt đất cao một chút thì trồng mì và thuốc lá.

Thời đó, người dân vùng quê ngoại thành canh tác nông nghiệp chủ yếu là thủ công với cây cuốc, cái cày, giếng nước, gàu sòng… Do làm thủ công nên mỗi vụ thu hoạch đều phải cần đến nhiều lao động, làm chỉ trong 1 ngày là xong đám lúa, thiên (đơn vị đo ở Nam bộ, 1 thiên tương đương 1.000) thuốc, ruộng bắp. Nhưng tốn công nhiều nhất vẫn là hái lá và sắc thuốc lá. Thuốc lá sắp ngả từ xanh sang vàng là hái được. Hái một lần cả mấy thiên, chở mấy chuyến xe bò về trải phơi 2-3 ngày là đem sắc.

Sắc thuốc qua nhiều công đoạn, mỗi một thiên cần đến gần chục lao động và đều làm từ sẩm tối, đến khuya là xong để sáng mai phơi đón ngày nắng gắt cho khô ráo bề mặt bánh thuốc. Công đoạn đầu được giao cho các thôn nữ trẻ chuyên sắp lá xếp thành từng bó lần lượt đưa cho thợ sắc (là những tay dao bậc cao niên nhiều kinh nghiệm) cho ra những sợi thuốc lá mỏng đều, không sợi to, sợi nhỏ.

Tiếp đến, công đoạn kéo thuốc là khó nhất, do những người thợ là đàn ông trung niên đảm nhận, dùng đôi bàn tay kéo từng cuộn thuốc ra liếp trúc ép theo từng lớp. Mỗi lớp thuốc được phun phủ lên lớp đường mía cho quện dính lại với nhau. Công đoạn cuối được giao cho những thợ kéo bánh khéo léo ép những cuộn thuốc to vào khuôn rồi dùng lực đè, cuộn lại theo khuôn cho ra thành từng bánh thuốc vuông 4 cạnh, mỗi cạnh ngang 7cm, dài 50cm bằng với chiều ngang tấm liếp, rồi xếp lại trên tấm phản gỗ theo từng hàng để sáng mai đem đi phơi.

Tập quán vần công ở làng quê Nam bộ nào cũng giống nhau, từ cách ghi công làm của mỗi nhà trong từng mùa thu hoạch, vụ cấy trồng hay sắc thuốc, dựng sạp đám hiếu, hỷ, dựng sửa nhà mới đến thời gian cho mỗi lần đổi công sao cho không nhà nào bị thiệt, hay làm cho nhà này nhiều, nhà kia ít…

Ngay cả cách thiết đãi ăn uống của mỗi gia chủ trong các buổi vần công cũng không có gì khác, đều có trà nước, chè đậu, cháo gà, cơm nóng giữa giờ. Nhà nào khá thì kêu vài nhạc sĩ xã bên đến góp tiếng hò, đờn ca, sáo thổi, trai gái vừa làm vừa hàn huyên chuyện xóm làng, chuyện kép, đào gánh hát xóm trên, làng dưới. Không khí càng về khuya càng vui nhộn, cho đến khi xong hết mọi việc thì trai gái rủ nhau ra đình trò chuyện, ca hát, hẹn hò tới sáng hôm sau mới chịu nhà ai người nấy về.

Vần công tiếp nối từ đời này sang đời khác, truyền giữ thành một tập tục mang giá trị văn hóa của thời khẩn hoang, làm sinh động đời sống văn hóa tinh thần và thắt chặt mối đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, nương dựa nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Những năm sau này, khi đời sống người dân đã được cải thiện, phương tiện, máy móc, công nghệ đã phát triển giúp cho nghề nông ít tốn nhân lực, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

Đặc biệt, những vùng đất nông nghiệp trù phú ngoại thành TPHCM đã nhường cho đô thị hóa phát triển, kéo theo nghề nông trồng tỉa cũng dần mai một. Tập quán vần đổi công giờ đã ít nơi duy trì, nhưng ký ức về một vùng quê trù phú, tính cách mộc mạc và nét văn hóa độc đáo của người dân vùng quê Nam bộ xưa còn in đậm mãi.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.