.

Về Cái Bè nhớ Lãnh binh Cẩn

Cập nhật: 10:03, 10/04/2024 (GMT+7)

Tháng 4-1861, Pháp tấn công và nhanh chóng chiếm được thành Mỹ Tho, sau đó chiếm luôn Gò Công. Trong thời gian đầu, mặc dù thực dân Pháp chiếm được tỉnh thành nhưng không bình định nổi vùng nông thôn. Tiền Giang được xem là địa phương có phong trào kháng chiến mạnh nhất ở Nam kỳ trong nửa sau thế kỷ XIX. Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn là một trong những nhân kiệt của Tiền Giang trong phong trào kháng Pháp vào những năm tháng đầu tiên đất nước bị xâm lược.

TỪ LÃNH BINH QUẢ CẢM

Khi đất nước bị xâm lăng, phong trào vũ trang đánh Pháp tại Tiền Giang đã bùng lên vô cùng mạnh mẽ và thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, như nông dân, trí thức, quan lại, phú hào... Các phong trào ứng nghĩa nổ ra liên tục ở khắp nơi và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, Trần Xuân Hòa, Tứ Kiệt… Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều là 2 thuộc tướng của Võ Duy Dương trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ trong những năm từ 1861 - 1867.

Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn, sinh năm Nhâm Tuất (1802) trong một gia đình nông dân tại rạch Cái Thia, thôn Mỹ Lợi, huyện Kiến Đăng, trấn Định Tường (nay thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Tuổi trẻ ông vốn là nông dân có thể lực và võ nghệ cao, tham gia trong lực lượng nhân đinh tại đồn điền thuộc địa phận 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy ngày nay. Thời bấy giờ, đồn điền là tổ chức bán quân sự theo chính sách “Ngụ binh ư nông” của triều Nguyễn, do Nguyễn Tri Phương lập nên.

 Khu di tích Mộ Lãnh binh Cẩn được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2014 và được trùng tu xây dựng vào năm 2017.
Khu di tích Mộ Lãnh binh Cẩn được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2014 và được trùng tu xây dựng vào năm 2017.

Năm 1859, Pháp chiếm Gia Định. Tháng 5-1861 Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, quân triều đình chống cự không lại. Phong trào kháng Pháp nổi lên khắp nơi. Quản cơ Thiên Hộ Dương cùng với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tổ chức căn cứ kháng chiến rộng lớn từ Bình Cách đến Thuộc Nhiêu và Đồng Tháp Mười. Trong đó, Đồng Tháp Mười là một căn cứ mạnh, gây cho Pháp nhiều tổn thất. Nhiều cuộc tấn công của Pháp vào căn cứ này bị thất bại.

Năm 1861, Nguyễn Văn Cẩn tham gia chống quân Pháp do Thiên hộ Võ Duy Dương lãnh đạo, được phong chức Lãnh binh. Năm 1864, Lãnh binh Cẩn và Đốc binh Kiều chỉ huy đại bản doanh (Đồn Trung) của căn cứ kháng chiến Tháp Mười. Ngày 14-4-1866, Thủy sư đô đốc De Lagrandière huy động khoảng 1.000 quân thủy, bộ cùng với nhiều tàu chiến, đại bác tấn công căn cứ Tháp Mười. Nghĩa quân kiên cường chống trả nhưng do thế giặc quá mạnh các Đồn Tiền, Đồn Tả, Đồn Hữu lần lượt bị thất thủ. Trước tình hình vô cùng nguy cấp đó, Lãnh binh Cẩn và Đốc binh Kiều chỉ huy nghĩa quân ở Đồn Trung đánh mạnh vào các cánh quân của giặc Pháp, giải nguy cho chủ tướng Võ Duy Dương.

Sau đó, Lãnh binh Cẩn rút quân về cố thủ ở Đồn Trung. Trước hỏa lực mạnh mẽ của giặc Pháp, Đồn Trung bị vỡ, Đốc binh Kiều hy sinh. Lãnh binh Cẩn chuyển quân sang Cao Lãnh (Đồng Tháp) tiếp tục chiến đấu. Quân Pháp ra lệnh cho tai sai Trần Bá Lộc mang quân truy kích. Ông chỉ huy nghĩa quân đánh trả quyết liệt, rồi di chuyển đến Châu Đốc. Tại đây, sau khi củng cố lực lượng, ông chỉ huy nghĩa quân tấn công quân Pháp ở nhiều nơi, gây cho giặc nhiều tổn thất; tiêu biểu nhất là trận hạ đồn Châu Đốc. Tuy nhiên, thành không giữ được do ngay sau đó quân Pháp đã tập trung lực lượng đàn áp nghĩa quân. Trong trận đánh ở núi Sập, nghĩa quân tan rã, Lãnh binh Cẩn phải mai danh. 

ĐẾN VỊ TĂNG GIÀ ÁI QUỐC

Bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, lòng yêu nước vẫn cháy bỏng trong tim Lãnh binh Cẩn nhưng lực bất tòng tâm. Ông nghĩ rằng, việc cứu nước chưa tròn, thôi thì theo gương hạnh Bồ Tát đem ánh sáng “từ bi trí tuệ” của Phật giáo để giúp dân vững niềm tin, ý chí nghị lực thêm dồi dào, tiếp tục đòi quyền tự chủ của dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc…

Tháng 4-1871, Hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh, vốn là một danh tăng xuất thân dòng dõi quan lại yêu nước, đang trụ trì chùa Giác Viên tại Gia Định đến truyền giới tại Tổ đình Tây An, núi Sam, Châu Đốc. Được tin, Lãnh binh Cẩn đã tìm đến xin xuất gia. Những người mang chí lớn hộ quốc an dân gặp nhau nên ông đã được Hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh thu nhận làm đệ tử và ban cho pháp danh Minh Mai hiệu Phương Danh. Từ đây, ông bước vào con đường tu tập theo Phật giáo và góp công trong việc phát triển Phật giáo tại quê hương.

Theo sách Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa, thì Lãnh binh Cẩn được Hòa thượng Tiên Giác - Hải Tịnh truyền giới Sa di rồi đưa về chùa Long Thạnh (Bà Hôm, Gia Định) tu học, tại đây ông được thọ giới Cụ túc. Sau khi đắc pháp Tỳ Kheo, sư Minh Mai - Lãnh binh Cẩn trở về lại quê hương, cùng với dân địa phương trùng tu lại chùa Thắng Quang để tu tập và hành đạo.

Sau đó, không bao lâu thì hành tung sư Minh Mai bị tay sai của Pháp phát hiện nên ông phải rời chùa Thắng Quang về làng Mỹ Lợi, Cái Bè (nay là ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè) lập chùa Phước Quang và trụ trì. Tiếp tục bị kẻ địch truy lùng, sư Minh Mai để lại chùa Phước Quang cho con trai trụ trì và bản thân ông quay trở lại căn cứ Tháp Mười xây dựng chùa Tháp Linh, lập bàn thờ Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều và những nghĩa binh vì nước hy sinh năm xưa. Ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần (1902), sư Minh Mai viên tịch tại chùa Tháp Linh, thọ 100 tuổi và di thể được đưa về an táng trong khuôn viên chùa Phước Quang.

Sau khi sư Minh Mai viên tịch, chùa Phước Quang tiếp tục tồn tại hơn 7 thập kỷ thì bị hư hỏng do chiến tranh. Nền chùa xưa nay chỉ còn cái am nhỏ do con cháu đời sau của sư Minh Mai lập nên để hương khói và nhớ về Tổ tiên.

CẦN MỞ LỐI VÀO KHU DI TÍCH

Trong những ngày tháng tư nắng rát, chúng tôi theo dấu xưa tìm về nơi an nghỉ của vị lãnh binh quả cảm Nguyễn Văn Cẩn - vị danh tăng ái quốc Minh Mai. Từ TP. Mỹ Tho theo Quốc lộ 1, chúng tôi xuôi về miền Tây, đến chân cầu Cổ Cò thì rẽ phải vào đường tỉnh 861 vài cây số thì tới ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè. So với lần đến đây vào chục năm trước thì cảnh vật đã đổi thay rất nhiều, đường nhựa thẳng tắp, nhà cửa, xóm ấp khang trang.

Cảnh vật đổi thay khiến chúng tôi phải mất thời gian mới tìm được Di tích mộ của cụ Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn. Đến nơi chúng tôi rất vui khi thấy ngôi mộ của ông đã được sửa sang khang trang hơn xưa. Được biết, ngày 30-10-2014, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định 2711 xếp hạng mộ Lãnh binh Cẩn là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh để ghi nhận công lao của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Năm 2017, khu mộ Lãnh binh Cẩn đã được tỉnh Tiền Giang trùng tu, sửa sang khang trang. Đến ngày 16-12-2020, UBND huyện Cái Bè tổ chức Lễ đón nhận 10 Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh trên địa bàn huyện, trong đó có Di tích Mộ Lãnh binh Cẩn. Tuy nhiên, Khu di tích Mộ Lãnh binh Cẩn vẫn nằm lặng lẽ trong khu vườn của người dân mà không có lối vào. Khu di tích cách đường tỉnh 861 khoảng 200 m, muốn đến được khu di tích thì phải đi nhờ vào nhà của người dân.

Ông Nguyễn Văn Tâm, cháu đời thứ 5 của Lãnh binh Cẩn là người hiện thờ phụng ông bày tỏ: “Từ nhỏ, tôi đã nghe cha, ông nội kể về Cụ tổ và đó là niềm tự hào của lớp cháu chắt chúng tôi. Niềm tự hào đó được nhân lên khi công trạng của ông được Nhà nước ghi nhận. Chúng tôi mong mỏi con đường vào Khu di tích Mộ Lãnh binh Cẩn sớm được xây dựng để người đời sau biết đến”.

Trao đổi về vấn đề quản lý Khu di tích Mộ Lãnh binh Cẩn tại ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, đồng chí Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết: “Sau khi khảo sát thực tế, tôi thấy việc Khu di tích Mộ Lãnh binh Cẩn không có lối vào là điều rất bức xúc. Nhưng cái khó của huyện hiện nay trong việc mở đường vào khu di tích là phải mua đất của người dân trong khi huyện gặp khó khăn về kinh phí. Huyện sẽ báo cáo vấn đề này với Thường trực UBND huyện, xin chủ trương xây dựng đường vào Khu di tích Mộ Lãnh binh Cẩn bằng vận động xã hội hóa trong thời gian tới”.

Vì Khu di tích Mộ Lãnh binh Cẩn nằm khiêm tốn sau vườn của người dân và chưa có lối vào nên việc giới thiệu về khu di tích ở địa phương cũng còn hạn chế. Trong khi đó, tên tuổi và công lao của vị lãnh binh quả cảm Nguyễn Văn Cẩn đã được sử sách ghi nhận và tên ông đã được đặt cho nhiều con đường trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.

THỦY HÀ

.
.
.