Về Gò Công thăm chùa Mục Đồng
Chùa Linh Châu, tọa lạc tại ấp 4, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là ngôi chùa cổ được hình thành từ niềm tin về đức Phật của những chú “Mục Đồng”, nên ngày xưa dân gian vùng Gò Công còn gọi là chùa Mục Đồng.
Theo giai thoại dân gian, hằng ngày rong ruổi chăn trâu trên những cánh đồng bát ngát, các chú “Mục Đồng” giải lao bằng nhiều hình thức như thổi sáo lá trúc, thả diều giấy,… Nhưng có lẽ cách giải trí mà các chú yêu thích nhất là nặn tượng đất như tượng Phật, Bồ Tát… từ đó hình thành theo cấu hình tư duy của người chăn trâu, mà không mô phỏng theo một quy cách nào.
Trong tín niệm thô phác của các chú “Mục Đồng”, đức Phật là một đấng siêu nhiên, nên khi tượng nào được các chú nắn xong rồi thả xuống nước mà nổi lên, không bị chìm, thì đó là một đức Phật linh thiêng, và rồi các chú vớt lên, bẻ cây lá che chòi thờ cúng; ngôi già lam Linh Châu - Mục Đồng này cũng được hình thành từ đó.
Chùa Linh Châu còn gọi là chùa "Mục Đồng", tại ấp 4, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. |
Theo Ban Trị sự Phật giáo huyện Gò Công Đông, vào những năm đầu của thế kỷ XIX, chùa Linh Châu chỉ là mái am thất nhỏ, chưa thoát khỏi hình bóng mang tính chất Mục Đồng. Trước năm 1817, nơi đây vẫn chưa có một danh xưng thực thụ về một tự viện, chỉ được quần chúng truyền nhau với danh xưng chùa Mục Đồng, nhưng đã là điểm tựa tâm linh của dân làng. Năm 1817, bức tranh hoang sơ của vùng đất Gò Công này được chấm vào vài nét màu son mới, đó là hình bóng chư Tăng đến đây hành đạo, lưu trú và truyền bá Phật pháp. Hòa thượng Thích Đạt Thông người tỉnh Hải Dương vân du vào Nam hóa đạo và được xem là người trụ trì đầu tiên tại chùa Mục Đồng trong vòng 84 năm nơi mảnh đất duyên hải hoang sơ này.
Sau khi Hòa thượng Thích Đạt Thông viên tịch vào ngày 28-1-1901, đệ tử của vị Hòa thượng này là Hòa thượng Thích Hoằng Sanh tiếp bước tông huấn của Tổ sư hoằng dương chánh pháp nơi đây. Thời gian này, ngôi Chánh điện của chùa cũng được trùng tu lần đầu tiên vào năm 1901. Thực hiện lời kêu gọi toàn dân kháng chiến năm 1958, Hòa thượng Thích Hoằng Sanh kết hợp với Hòa thượng Thích Pháp Tràng gia nhập Hội Thanh niên cứu quốc, góp phần giành độc lập cho đất nước.
Sau khi Hòa thượng Thích Hoằng Sanh viên tịch vào ngày 15-3-1961, nơi chốn già lam này được Hòa thượng Thích Thiện Đức (là đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Sanh) tiếp nối hành đạo. Hòa thượng Thích Thiện Đức là người gắn liền mạch máu đạo pháp và dân tộc. Vị Hòa thượng này đã đào hầm che giấu cán bộ giải phóng nòng cốt tại chùa; bấy giờ nơi đây như một hậu phương vững chắc để góp phần cho chiến thắng của Chiến dịch mùa Xuân năm 1975.
Đi qua gần 2 cuộc kháng chiến, năm 1970, chùa Linh Châu gần như hoang phế. Trước sự đổ nát của ngôi cổ tự, Hòa thượng Thích Thiện Đức cùng những vị đệ tử của mình đã quyết định trùng tu ngôi Chánh điện lần thứ 2. Đến năm 1989, Hòa thượng Thích Thiện Đức trùng tu ngôi Hậu tổ và duy tu Hậu đường năm 1998. Tuy nhiên, do sự hạn chế nhất định của thời cuộc nên việc trùng tu lúc này chỉ mang hình thức gá ghép che nắng che mưa. Vào ngày 30-10-1999, Hòa thượng Thích Thiện Đức đã an nhiên thâu thần thị tịch tại chùa Linh Châu.
Với sự thừa nguyện và di huấn Bổn Sư về tinh thần phụng sự tồn vong của Phật pháp, năm 2012, Thượng tọa Thích Giác Hạnh là đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Đức đã dốc hết tâm nguyện san lấp mặt hồ phía trước chùa - nơi mà trước đây mấy chú “Mục Đồng” giải lao nắn tượng - chuẩn bị cho công việc đại trùng tu chùa Linh Châu. Hội đủ nhân duyên, ngày 4-6-2015, Thượng tọa đã tiến hành khởi công xây dựng gồm các hạng mục: Chánh điện, Hậu tổ, Giảng đường, nhà Tăng và các công trình phụ khác. Sau gần 4 năm trùng tu xây dựng, vào ngày 24-11-2019, ngôi Tam bảo đã hoàn thiện, khánh thành đi vào hoạt động với tổng kinh phí gần 21 tỷ đồng.
Được hình thành từ niềm tin của các chú “Mục Đồng”, trải qua bao sự thăng trầm của thời cuộc, nhưng với sự kiên trì hoằng dương Phật pháp của chư tiền bối Tổ sư, sự phát tâm hộ trì Tam Bảo không mệt mỏi của chư thiện nam tín nữ, ngôi chùa Linh Châu ngày nay thật trang nghiêm và hài hòa trong lòng dân tộc, làm chỗ dựa tâm linh vững chắc, nuôi lớn thiện duyên cho Phật tử gần xa, góp phần tô đẹp thêm cho quê hương Gò Công thân yêu.
LÊ HỒNG QUÂN