Dấu ấn lịch sử cách mạng tại đình Tân Thành
Đình Tân Thành tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm huyện Châu Thành 10 km về hướng Tây Bắc, cạnh tỉnh lộ 866 nên đường đi đến di tích rất thuận lợi. Đình Tân Thành được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012.
Đình Tân Thành. |
Theo lời kể của các vị cao niên trong xã, vào khoảng năm 1870, ông Võ Văn Tảo đã hiến đất và đứng ra vận động nhân dân xây dựng đình Tân Thành. Ngoài việc thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, các vị tiền hiền, hậu hiền có công lập làng, xã.
Trong giai đoạn đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, ngôi đình còn được ông Võ Văn Tảo - nghĩa quân của Thiên Hộ Dương, người được giao nhiệm vụ lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp ở vùng đất hệ Cổ Chi sử dụng để cất giấu vũ khí và tài liệu chống thực dân Pháp.
Trong thời gian này, ông Võ Văn Tảo đã chiêu mộ được 30 nghĩa quân. Dưới sự lãnh đạo của ông, lực lượng nghĩa quân tại Tân Hòa Thành đã tiêu diệt nhiều tên lính Pháp và tay sai, gây cho chúng nhiều tổn thất, được nhân dân trong vùng tôn vinh, thường gọi là “Cả Tảo”.
Năm 1885, giặc Pháp điều một lực lượng bao vây truy kích nghĩa quân, ông bị bắt và bị thực dân Pháp đem xử trảm, bêu đầu cùng với 11 nghĩa quân tại chợ Cũ (Mỹ Tho) trước đông đảo nhân dân. Sau khi ông mất, cảm phục ý chí kiên cường, bất khuất của ông, nhân dân đã bí mật đem thi thể ông về chôn cất tại quê hương Tân Hòa Thành. Tương truyền rằng, sau khi ông Tảo hy sinh, con ngựa bạch của ông cũng bỏ ăn đến chết. Dân làng ở đây đã chôn con ngựa trung thành bên cạnh mộ ông.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Tân Thành là cơ sở cách mạng vững chắc của địa phương. Năm 1955, đình Tân Thành được dùng để giam giữ tù binh, bên cạnh đó còn là địa điểm liên lạc của các đồng chí Hai Tẩu, Hai Long và ông Nguyễn Hữu Dư từ Côn Đảo về hoạt động cách mạng.
Năm 1960, khi phong trào Đồng Khởi nổ ra mạnh mẽ, đồng chí Lê Văn Tánh (nguyên Phó Chủ tịch huyện Châu Thành), đồng chí Tư Bình, Ba Vũ, Bảy Cứng, Chính Giác đã tập hợp lực lượng tại đình Tân Thành nổi dậy hưởng ứng.
Các đồng chí đã dùng mõ, chuông, tù và của đình để báo hiệu nổi dậy, đốt chòi canh, tháo cờ, phá kềm kẹp, xé bảng tố cộng. Từ đó, nhân dân Tân Hòa Thành càng hăng hái tham gia cách mạng và thường xuyên lui tới đình để tiếp tế lương thực cho lực lượng cách mạng đóng tại đình.
Đến đầu năm 1961, lực lượng dân quân, phụ nữ của xã Tân Hòa Thành được thành lập tại đình. Cũng trong thời gian này, đình là nơi liên lạc của cán bộ tỉnh Mỹ Tho và huyện Châu Thành để chuyển lực lượng, lương thực phục vụ kháng chiến.
Năm 1971, Mỹ - ngụy đã ném bom làm hư hại toàn bộ ngôi đình (hiện nay trên phần đất của đình vẫn còn 2 hố bom). Khi đất nước thống nhất, nhân dân Tân Hòa Thành đã đóng góp xây dựng lại đình bằng tranh tre, vách lá.
Đến năm 1989, đình được trùng tu bằng bê tông, nền lát gạch bông cho đến ngày nay. Ông Đoàn Văn Nguyên hiện là Trưởng Ban Khánh tiết đình Tân Thành cho biết: “Để tưởng nhớ người có công tổ chức xây dựng đình và lãnh đạo nhân dân xã trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp, năm 2009, Ban Khánh tiết đình đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí, vật lực xây tháp, tượng ông Võ Văn Tảo phía trước sân đình. Hiện nay, do ngôi đình xuống cấp, chính quyền xã và Ban Khánh tiết đình đã vận động xã hội hóa được trên 300 triệu đồng và đang lập hồ sơ trình các cấp để trùng tu, tôn tạo”.
Được biết, hằng năm vào ngày 16-3, 16-9, 16-12 (âm lịch), đình Tân Thành đều tổ chức cúng Hạ điền, Thượng điền và ông Võ Văn Tảo, thu hút đông đảo nhân dân đến thắp hương.
NGUYỄN MẠNH THẮNG