Thứ Tư, 01/05/2024, 14:32 (GMT+7)
.

Kiến trúc nghệ thuật của đình Kiểng Phước

Theo lý lịch di tích, đình Kiểng Phước được thành lập vào đầu thế kỷ XIX thời Vua Minh Mạng (1820 - 1840), trên 4 mẫu đất do hai vị chức sắc có uy tín trong làng lúc bấy giờ là ông Lý Cao Cương và ông Huỳnh Văn Dõng hiến tặng xây đình. Trải qua 200 năm thay đổi với nhiều tên gọi, hiện nay đình tọa lạc tại ấp Xóm Đình, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Theo tư liệu để lại, đình được xây dựng theo kiểu chữ tam gồm: Võ ca, võ quy và chánh điện theo trục Đông - Tây; cửa đình quay về hướng Đông. Đình được xây dựng bằng chất liệu truyền thống như: Gạch, đá, gỗ, ngói âm dương; cột, kèo, xiên, trính được liên kết bằng hệ thống mộng chốt chặt chẽ, chắc chắn. Bên cạnh đó, hệ thống các bao lam, hoành phi, câu đối được chạm khảm công phu, sơn son thếp vàng rực rỡ.

Lễ rước sắc thần.
Lễ rước sắc thần.

Dù chịu ảnh hưởng của chiến tranh tàn phá và phong trào Tây hóa của các công trình kiến trúc những năm cuối thế kỷ thứ XIX và trải qua nhiều lần tu bổ vào các năm 1900, 1958, 1975, 2009 nhưng đình Kiểng Phước vẫn giữ được nguyên kiến trúc truyền thống dân tộc với hệ thống kết cấu kèo cột, cũng như vật liệu, chất liệu xây dựng của dân tộc đã có từ xưa. Đặc biệt, với những đề tài chạm trổ, khảm xà cừ, hoa văn trang trí của đình đã được hình tượng hóa qua các tứ linh, tứ quý, các biểu tượng hàm ý sự sung túc, giàu sang phú quý đã nói lên ước vọng của người dân là có được cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc.

Ông Phạm Văn Hương, Trưởng ban Khánh tiết đình Kiểng Phước cho biết: “Mỗi năm đình Kiểng Phước có 4 lễ cúng tính theo âm lịch, gồm: Lễ cúng Kỳ yên (vào ngày 15 và 16-2); Hạ điền (ngày 15-5); Cầu bông (ngày 15-10) và Thượng điền (ngày 15 tháng Chạp). Hằng năm, Lễ cúng Kỳ yên là lớn nhất, diễn ra trong 2 ngày, người dân quanh vùng làm ăn xa, nhiều người đưa cả gia đình, bạn bè về dự lễ, thắp hương cầu nguyện.

Có thể nói, đình Kiểng Phước là minh chứng cho sự hình thành và phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế của vùng đất Kiểng Phước xưa và vùng đất Gò Công ngày nay. Với những bộ bao lam, hoành phi, câu đối, bàn thờ được chạm khảm công phu còn lưu giữ trong đình, các nghệ nhân xưa đã thổi hồn vào những đề tài trang trí nhằm tô điểm thêm cho ngôi đình sự uy nghi, tráng lệ nhưng vẫn mang vẻ trầm mặc thâm nghiêm của sự linh thiêng nơi thờ tự; đồng thời, cũng phản ánh cuộc sống sung túc của người dân địa phương lúc bấy giờ.

Chị Đào Thị Mộng Hường, công chức Văn hóa - Xã hội xã Kiểng Phước, là người tâm huyết trong việc sửa chữa và xin “công nhận di tích” đình cho biết: “Với khoảng 50% hiện trạng của đình còn lại, tôi thấy có nhiều hoa văn, kiến trúc độc đáo nên đã bàn với Ban Khánh tiết đình Kiểng Phước mời những vị cao niên về đình để các cụ cung cấp thêm thông tin. Sau khi khảo sát, ngoài 3 sắc phong đã hư hỏng, những tư liệu bằng chữ Nôm còn lưu giữ, chúng tôi nhờ Nhà giáo ưu tú Phan Thanh Sắc dịch ra tiếng Việt.

Trong khi chờ hoàn thành lại lý lịch của đình, tôi cùng Ban Khánh tiết vận động tu sửa mái ngói, làm lại sân đình, lối vào và nhà bếp với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Người dân xã Kiểng Phước rất vui mừng ủng hộ sức người, sức của để tu sửa lại nơi thờ thần sở tại nên việc vận động được hưởng ứng nhiệt tình”.
Chúng tôi đến thăm đình Kiểng Phước ngay Lễ cúng Kỳ yên, tại đây diễn ra các nghi lễ truyền thống như: Thỉnh sắc, an vị thần, lễ tiền yết, cúng tiền hiền, hậu hiền trong 2 ngày, có đan xen những hoạt động khác như: Văn nghệ, đờn ca tài tử, múa lân, trò chơi dân gian…

Hiện nay, đình Kiểng Phước được nhân dân chung tay đóng góp tu sửa khá hoàn chỉnh với cổng ra vào cao lớn uy nghi; các tượng thần tương đối đầy đủ; sân rộng rãi, sạch đẹp. Hằng năm, Lễ cúng Kỳ Yên tại đình diễn ra rộn ràng, nhộn nhịp, nhiều người làm ăn xa, cứ đến ngày Lễ cúng Kỳ Yên là họ quay về tham dự. Trong đó có gia đình ông Trần Công Nghĩa (79 tuổi) và bà Huỳnh Thị Há (78 tuổi), năm 2008 đã đóng góp 50 triệu đồng tu sửa lại đình. Hằng năm, vào dịp Lễ cúng Kỳ yên, gia đình ông bà từ TP. Hồ Chí Minh cùng nhau mang hoa quả về thắp hương.

Một góc sân đình.
Một góc sân đình.

Ông Nghĩa chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, những lệ cúng nhỏ ở đình Kiểng Phước, gia đình có thể vắng mặt, nhưng đặc biệt ngày Lễ cúng Kỳ yên thì bao giờ cũng về thắp hương, ăn cùng bà con bữa cơm thân tình. Vào dịp này, tôi cũng thấy đồng hương về đông đủ, bà con sở tại có mặt nhiều, bàn thờ đầy lễ vật… tôi rất mừng vì bà con làm ăn thuận lợi, bình an, mạnh khỏe nên đình làng mới sung túc như vậy”. Cũng là người con của thị trấn Vàm Láng đi xa làm ăn, chị Nguyễn Thanh Hòa tâm sự: “Ngoài lệ cúng Kỳ yên, ngày thường khi có dịp về thăm quê, tôi đều ghé qua đình thắp hương”. Được biết, chị cũng là một trong những người nhiệt tình đóng góp kinh phí tôn tạo lại đình với suy nghĩ nơi đây giống như ngôi nhà chung của họ tộc.

Ông Lưu Văn Sáng, một người dân địa phương cho biết: “Tôi sống ở ấp xóm Đình gần 60 năm, từ nhỏ đã được má dẫn đi cúng đình, coi hát tuồng, hát bội. Ngày xưa Lễ Kỳ yên có năm cúng lớn, kéo dài 3-4 ngày, ngoài sân người ta che nhiều gian hàng bán đồ, chơi trò chơi, trong đình thì hát bội... Bây giờ cũng vậy, tuy không háo hức để được ăn cỗ hay chơi trò chơi hoặc coi hát mà tôi vẫn nôn nao trong lòng, bởi những ngày này bà con, anh em, bạn bè ở xa tề tựu về, chúng tôi được gặp nhau, kể chuyện làm ăn, chuyện con cháu, chuyện sức khỏe nên rất vui”.

Chị Mộng Hường đưa chúng tôi vòng quanh trong, ngoài đình và tự hào chia sẻ thêm: “Ban Khánh tiết đình Kiểng Phước rất nền nếp và nhiệt tình, hằng ngày đều có người lau, dọn, thắp hương, chăm sóc cây kiểng xung quanh. Đình lúc nào cũng mở rộng cửa, cho nên bà con địa phương, hay ở xa về muốn ghé đình thắp hương lúc nào cũng được. Hướng tới, Ban Khánh tiết đình vẫn tiếp tục kêu gọi đóng góp để hoàn chỉnh một số công trình của đình”.

NGỌC LỆ

.
.
.