Thứ Tư, 29/05/2024, 21:17 (GMT+7)
.

Nét đẹp văn hóa chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ

Ai đặt chân tới miền Tây Nam Bộ đều muốn được ghé thăm các khu chợ đặc biệt với hàng trăm chiếc thuyền ghe neo trên sông đầy ắp những sản vật. Trải qua lịch sử trăm năm hình thành và tồn tại, nét văn hóa đặc sắc của chợ nổi vẫn được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa…

Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tại Đồng bằng sông Cửu Long, khi đường bộ còn hạn chế, như một nhu cầu tất yếu, trên những khoảng sông rộng, các thuyền, ghe của cư dân tụ họp, mua bán, trao đổi hàng hóa với nhau và chợ nổi ra đời. Quá trình sinh hoạt chợ, các quy tắc giao thương, ứng xử của chợ nổi được hình thành, tạo ra nét văn hóa độc đáo và gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt của người dân miền Tây Nam Bộ cho đến tận hôm nay.
Chợ nổi là một nét văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ.
Chợ nổi là một nét văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ.
Là người chuyên nghiên cứu về chợ nổi, theo nhà văn, nhà báo Vũ Thống Nhất: “Đông đúc nhưng không xô bồ đó là nét đặc trưng riêng của chợ nổi. Sự độc đáo của chợ nổi còn được hình thành từ sự sáng tạo của giới thương hồ trong cách rao hàng bằng cây “bẹo” dân dã mời gọi khách mua. Đó còn là cách tính đơn vị đo lường, là văn hóa “mua mão, bán mớ” thể hiện sự phóng khoáng, chân thật, tin tưởng, một trong những nét đẹp trong con người của Nam Bộ nói chung và những người giới thương hồ trên sông nước”.

Theo nghiệp cha, ông từ nhỏ nên với bà Nguyễn Thị Mỹ Châu ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, chợ nổi không chỉ đơn giản là chốn mưu sinh mà còn là nhà, là xóm ấp trên sông. Ở đó mọi người đối đãi với nhau bằng sự chân thành, phóng khoáng, trọng nghĩa tình bởi cư dân thương hồ “gạo chợ, nước sông” luôn thấu hiểu, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau… Có lẽ do bản tính chân chất, thật thà vốn có của người dân miền Tây Nam Bộ, nên cả người mua lẫn người bán trên chợ nổi đều chân thành, không gian dối, không nói thách cũng chẳng kỳ kèo. Lâu dần việc buôn bán đã trở thành nét đẹp trong văn hóa buôn bán của thương hồ chợ nổi.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, thương hồ Chợ nổi Long Xuyên, tỉnh An Giang bộc bạch: “Thương hồ chúng tôi mua bán là trọng chữ tín. Có khi người mua không cần đến trực tiếp mà chỉ thông qua cuộc gọi từ điện thoại. Càng những lúc như vậy mình càng phải lựa chọn hàng hóa cho họ thật kỹ. Mua bán ở chợ nổi, mình nói giá như nào thì bán như thế, ví như 10.000 thì mình bán 10.000 chứ không phải mình nói 12.000, 13.000 cho người ta trả giá”.

Buôn bán đã trở thành nét đẹp trong văn hóa chợ nổi.
Buôn bán đã trở thành nét đẹp trong văn hóa chợ nổi.

Nét văn hóa độc đáo của những chợ nổi của Việt Nam cũng đã được nhiều tạp chí nổi tiếng trên thế giới như: National Geographic hay Rough Guide đánh giá là “độc nhất” và “vô cùng hấp dẫn”. Không chỉ bởi cảnh quan mà còn vì những hoạt động buôn bán, sinh hoạt, diễn xướng ca, hò vè nơi đây…

Tuy nhiên, trước sự phát triển của giao thông đường bộ, theo thời gian chợ nổi kém nhộn nhịp hơn. Phần lớn ngày nay, chợ nổi phục vụ cho khách du lịch nhiều hơn và không ít người lo ngại những năm tới chợ nổi sẽ ra sao khi thương hồ vắng bóng, chợ nổi thưa dần. Những cây bẹo cũng ít hàng hơn trước, du khách sẽ không còn được tham quan, trải nghiệm sự độc đáo vốn có của chợ nổi. Do vậy, vấn đề bảo tồn phát huy văn hóa chợ nổi, hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đang là một bài toán đặt ra đối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chợ nổi Cái Răng trở thành điểm đến du lịch mỗi khi du khách đến Cần Thơ.
Chợ nổi Cái Răng trở thành điểm đến du lịch mỗi khi du khách đến Cần Thơ.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ nhìn ở góc độ bảo tồn thôi thì xem như đó là một gánh nặng của chính quyền địa phương, của người dân bởi chợ nổi đang "chìm" dần. Để giữ gìn chợ nổi, nét văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ cần có một chương trình tổng thể để phát triển.

Chợ nổi không chỉ được tiếp cận như điểm đến du lịch mà còn là một cái giá trị về tài nguyên du lịch được tích hợp trong một không gian phát triển. Như vậy thì không gian phát triển đó, không chỉ là trên mặt sông với những hoạt động của thương hồ, mà cần được gắn kết với không gian phát triển ở trên bờ. Trên sông mua bán, trên bờ thì tích hợp bởi cái ngành thương mại, công nghiệp đặc biệt là những hoạt động làng nghề”.

Tất nhiên, chợ nổi sẽ phải tuân theo quy luật phát triển của xã hội. Giao thông đường bộ mở rộng, những cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày một nhiều sẽ thu hẹp dần chợ nổi như một sự tất yếu. Song, văn hóa chợ nổi sẽ vẫn là những điều đặc biệt với người dân và du khách - vẫn là thứ cần được bảo tồn và phát huy, là “đặc sản” trong văn hóa tư tưởng của đất và người miền Tây sông nước.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

 

.
.
.