Thứ Tư, 08/05/2024, 10:14 (GMT+7)
.

Tiền Giang nâng chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từ tỉnh đến cơ sở bằng các quy hoạch, chính sách, định hướng các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa ngày càng phát triển, đi vào nền nếp.

Một góc Làng cổ Đông Hòa Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Việc đầu tư ngân sách và huy động xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa được quan tâm, góp phần nâng cao số lượng, chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Tỉnh hiện có 187 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 22 di tích cấp quốc gia (có 2 di tích quốc gia đặc biệt), 165 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh đón 3.966.536 lượt khách tham quan.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được tỉnh quan tâm; qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Tổ chức thành công nhiều sự kiện, các lễ hội lớn của tỉnh như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp (vùng phía Tây); Lễ hội Trương Định (vùng phía Đông); Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch (vùng trung tâm), đường hoa xuân và các hoạt động vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc từ tỉnh đến cơ sở... tạo được dấu ấn với công chúng trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Tiền Giang, giúp nhân dân, kiều bào, bạn bè quốc tế hiểu biết về lịch sử, vùng đất, con người và văn hóa Tiền Giang.

10 hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng ngày càng hoàn thiện gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng Quảng trường Hùng Vương, là không gian sinh hoạt cộng đồng với quy mô lớn; xây dựng Nhà thiếu nhi tỉnh và nhiều công trình văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân. Các địa phương đã xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp 109 Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa cấp xã; 294 Nhà văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định.

Trong 10 năm qua, các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn đã tổ chức gần 1.000 cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ; trên 600 buổi biểu diễn các loại hình văn hóa - văn nghệ; trên 1.500 buổi sinh hoạt câu lạc bộ sở thích, thu hút hàng ngàn lượt diễn viên không chuyên tham gia biểu diễn, sinh hoạt, phục vụ cho hàng vạn lượt công chúng, tạo được hiệu quả xã hội tích cực.

Đặc biệt Trung tâm Văn hóa tỉnh tham gia gần 20 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp khu vực, toàn quốc đạt trên 30 Huy chương Vàng, 36 Huy chương Bạc (cho tập thể và cá nhân) và nhiều giải thưởng đặc biệt khác.

Hệ thống thư viện công cộng đã phục vụ 3.120.815 lượt bạn đọc, với hơn 7.754.378 lượt sách báo, bổ sung 111.618 bản sách các loại; đồng thời, tổ chức tốt Ngày hội Đọc sách, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, Chương trình Hè vui đọc sách, trưng bày sách, chuyến xe thư viện thông minh.

Nhân các lễ, tết, các sự kiện của tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức gần 80 cuộc trưng bày, triển lãm với nhiều nội dung gắn với yêu cầu chính trị - văn hóa - xã hội của tỉnh, phục vụ có hiệu quả nhu cầu tham quan, thưởng lãm các giá trị văn hóa của công chúng. Hoạt động sáng tác, xuất bản các ấn phẩm về văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa... với nội dung phong phú, có chất lượng, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật.

Công tác giới thiệu tác giả, tác phẩm và giao lưu văn hóa - văn nghệ được tổ chức thường xuyên. Hoạt động văn hóa - văn nghệ ngày càng phát triển, các chương trình tiêu biểu được tổ chức định kỳ, thu hút sự quan tâm của công chúng, phục vụ có hiệu quả nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo ở Nam bộ.

H. NGHỊ

.
.
.