Chủ Nhật, 26/05/2024, 19:48 (GMT+7)
.

Tổ chức bình chọn cần thấu đáo, khoa học

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phát động việc bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất.

Lễ phát động Bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025).
Lễ phát động Bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025).

Với tinh thần tôn vinh “Những bản hùng ca đất nước”, ngành văn hóa đặt mục tiêu chọn được 15 tác phẩm văn học gồm tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, tập thơ; 15 tác phẩm sân khấu gồm kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca kịch; 10 tác phẩm âm nhạc thuộc các thể loại giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, ca khúc. Và 10 tác phẩm múa thuộc các thể loại: thơ múa, tổ khúc, kịch múa. Được biết, Hội đồng Sơ khảo sẽ chọn từ ngày 1/1 đến 15/3/2025. Hội đồng Chung khảo sẽ chọn từ ngày 16/3 đến 15/4/2025.

Ở đây, có một số điểm đáng bàn: Việc tổ chức bình chọn vốn không còn xa lạ với xã hội. Qua việc bình chọn, nhiều tác phẩm đặc sắc đã được ghi nhận, tôn vinh, cổ vũ các tác giả, nghệ sĩ tích cực sáng tạo. Tổ chức bình chọn cũng thu hút, làm tăng mối quan tâm của công chúng, giới chuyên môn với các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Tuy nhiên, với việc bình chọn vừa phát động, có điều đáng băn khoăn là tại sao chỉ chọn tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn mà không hoặc chưa chọn tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và cả kiến trúc? Nếu chưa thống nhất được về mặt tổ chức để bao quát đủ các lĩnh vực văn học nghệ thuật thì cũng không nên vội khi vai trò phát động là ở cấp bộ chủ quản trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Cũng đáng băn khoăn khi chưa thấy vai trò phối hợp của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong công việc này.

Ngoài ra, có nên ấn định số lượng làm tròn là 50 tác phẩm, cũng như phân chia cho các lĩnh vực như 15 văn học, 15 sân khấu… không? Ban tổ chức cũng nêu thời gian gửi tác phẩm về Cục Nghệ thuật biểu diễn, hết hạn vào cuối năm nay. Như vậy thì với tác phẩm xuất sắc mà tác giả không chủ động gửi, sẽ là sự bỏ sót không đáng có.

Được biết, Ban tổ chức ưu tiên những tác phẩm đã được xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; đã đạt giải tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp do Bộ, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tổ chức; hoặc đã đạt các giải thưởng văn học, sân khấu quốc tế uy tín. Thông thường, nhắc đến những tác phẩm đã được các giải thưởng trên, công chúng, giới chuyên môn đã đề cao là xuất sắc, tiêu biểu, giàu giá trị… Nay ưu tiên với các tác phẩm đó, thì tính từ “tiêu biểu, xuất sắc” mà cuộc bình chọn hướng đến liệu đã tương xứng, nhấn mạnh được giá trị vượt trội của tác phẩm sẽ được chọn trên mặt bằng chung hay chưa?

Hàng loạt câu hỏi như thế cho thấy sự ngổn ngang của một cuộc bình chọn có lẽ còn chưa đủ các điều kiện tổ chức cần thiết. Cũng như đòi hỏi tính khoa học, nghiêm túc rất cao của việc bình chọn, tôn vinh những tác phẩm lớn của văn học nghệ thuật nước nhà. Có lẽ, với mục đích tốt đẹp vinh danh các tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc, thì ngành văn hóa nên chú trọng hơn vào việc tổ chức tái bản, biểu diễn, trình chiếu rộng rãi các tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu đã được ghi nhận, tích cực quảng bá, phát hành ra thị trường cũng như có thể tặng cho các nhà trường, địa phương, đơn vị, thư viện, câu lạc bộ đọc sách… Đó chính là sự nghiệp vun đắp đời sống văn hóa của nhân dân thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật giàu giá trị đã có. Việc tổ chức bình chọn nếu có cần được chuẩn bị kỹ lưỡng thay vì được đưa ra một cách vội vã.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.