Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế của văn hóa
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nền văn học, nghệ thuật của Tiền Giang đã có những đóng góp quan trọng, giúp cho việc thực hiện Nghị quyết 33 đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên tinh thần đó, đồng chí Lê Song Tùng, Trưởng đại diện Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ:
Đồng chí Lê Song Tùng trao Bằng khen của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cho lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Ảnh: SỬU MINH |
Văn học, nghệ thuật không đơn thuần chỉ là truyền tải cái đẹp, giúp con người biết thưởng thức cái đẹp mà còn hướng con người đến cách sống đẹp. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến văn học, nghệ thuật, luôn coi đây là một “mặt trận” quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng… Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới”.
Từ đó cho thấy, văn học, nghệ thuật có khả năng tạo nên nguồn năng lượng tinh thần vô cùng to lớn, giúp toàn thể nhân dân ta, đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành thắng lợi trong công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Trong định hướng xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
* Phóng viên (PV): Tiền Giang là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng, thưa đồng chí?
* Đồng chí Lê Song Tùng: Từ trước đến nay, Tiền Giang luôn nổi tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của phương Nam. Người dân Tiền Giang cần cù trong lao động, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và tài hoa trong sáng tạo văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng.
Không chỉ là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, Tiền Giang còn tự hào là nơi sinh sống, sáng tạo và lưu giữ văn hóa của nhiều bậc tiền nhân, là nơi gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc. Mảnh đất Tiền Giang đã đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà những tên tuổi lớn như: Nhà thơ Nguyễn Hữu Huân, nhà thơ Âu Dương Lân, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà văn Đoàn Giỏi, họa sĩ Nguyễn Sáng, soạn giả Trần Hữu Trang, nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, nhà văn Trần Kim Trắc, nghệ sĩ Phùng Há...
* PV: Đội ngũ văn nghệ sĩ của Tiền Giang hiện nay đã có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật?
* Đồng chí Lê Song Tùng: Có thể khẳng định, từ cuộc sống phong phú của vùng đất Nam bộ, cùng với kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần yêu nước nồng nàn, tính nhân văn cao cả của dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ Tiền Giang đã tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị.
Trong suốt tiến trình đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, văn nghệ sĩ Tiền Giang đã có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của tỉnh nhà. Sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, có trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ Tiền Giang đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, góp phần làm rạng danh mảnh đất Tiền Giang giàu truyền thống cách mạng.
Thông qua tác phẩm, hình tượng nghệ thuật, bằng ngôn ngữ đặc thù ở các chuyên ngành như: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu... đã có sức lan tỏa lớn, giàu sức thuyết phục, tái hiện sống động, mang đến những món ăn tinh thần phong phú cho công chúng tỉnh nhà.
Các Chi hội chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã có bước phát triển đồng bộ, đã sáng tạo nhiều hình thức tổ chức hoạt động linh hoạt, phong phú, đa dạng, sôi nổi cả bề nổi lẫn chiều sâu, tạo nên một diện mạo mới đáng phấn khởi cho phong trào văn học, nghệ thuật.
Chúng ta cũng tự hào vì các văn nghệ sĩ Tiền Giang đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, đoạt rất nhiều giải thưởng cao trong khu vực và cả nước. Tuy nhiên, mặc dù có chất liệu phong phú, điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật sáng tạo, phát triển nhưng văn học, nghệ thuật Tiền Giang vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của mảnh đất mang đậm dấu ấn lịch sử, còn thiếu những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, lay động lòng người…
* PV: Với vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ Tiền Giang cần làm gì để đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới?
* Đồng chí Lê Song Tùng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn học, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, làm mục tiêu và động lực của sự phát triển, góp phần hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, hướng đến giá trị cốt lõi của dân tộc, đó là chân, thiện, mỹ.
Chức năng cao cả của văn học, nghệ thuật là xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra cho các văn nghệ sĩ là: Các sáng tác cần tập trung phản ánh cái mới, tích cực, cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ; lên án cái xấu, cái ác, lối sống thực dụng, xa rời các giá trị đạo đức, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Để tạo nên sự độc đáo trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, cần hướng đến mục tiêu quan trọng nhất, đó là: Xây dựng con người Tiền Giang có trí tuệ, có khát vọng vươn lên, trong sáng, lành mạnh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường.
Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang cần có các giải pháp khuyến khích, động viên, quan tâm đến những người có tài năng, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh, khuyến khích họ sáng tác để có được những tác phẩm hay, có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc hiện thực, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Thay đổi hình thức quảng bá tác phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá tác phẩm; tăng cường liên kết, giao lưu với các Hội Văn học Nghệ thuật của khu vực và các tỉnh thành khác. Tôi mong rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều tác phẩm mới, hay, đẹp, giàu sức truyền cảm, có sức lan tỏa lớn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trong tỉnh và góp phần chung vào sự nghiệp văn học, nghệ thuật của cả nước.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HUY LÊ
(thực hiện)