.

Di tích căn cứ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Mỹ Tho: Ngày ấy, bây giờ

Cập nhật: 16:14, 12/06/2024 (GMT+7)

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Mỹ Tho, Gò Công, TP. Mỹ Tho lợi dụng địa hình thuận lợi xây dựng các căn cứ kháng chiến, tạo thành vùng giải phóng liên hoàn, những nơi khó khăn hình thành căn cứ lõm. Tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) từ năm 1972 - 1975, Tỉnh đội Mỹ Tho về đóng tại nhà ông Sáu Mão, ông Ba Quy (Trần Văn Quy), Tám Vu, ông Nguyễn Văn Trạng, ở ấp Tân Hòa. Đây là căn cứ nằm trong vùng giải phóng, được sự hết lòng che chở, đùm bọc của nhân dân.

UBND tỉnh Tiền Giang đã có Quyết định 09 ngày 15-2-2000 công nhận di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Mỹ Tho tại ấp Tân Hòa, xã Tân Phú là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

CĂN CỨ LÒNG DÂN

Từ cổng chào vào Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, tiếp giáp Quốc lộ 1A, theo tỉnh lộ 874 đã được trải nhựa và mở rộng, đi vào khoảng 2 km là đến di tích. Trước đây, di tích nằm trong khu vực chợ Ấp Bắc (cũ), nay chợ đã di dời đến nơi khác nên khu vực di tích được tôn tạo rộng rãi hơn xưa.

Một góc xã Tân Phú hôm nay.
Một góc xã Tân Phú hôm nay.

Di tích căn cứ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho tại ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, TX. Cai Lậy được xây dựng năm 1996, có diện tích 228 m2, chiều dài 15m, chiều ngang 11 m, cửa quay về hướng Tây.

Điểm nhấn của di tích là Bia lưu niệm được xây dựng bằng xi măng, ốp gạch men đỏ, ở giữa có ghi dòng chữ màu vàng “Bia di tích căn cứ Ban Chỉ huy Tỉnh đội Mỹ Tho trong các thời kỳ kháng chiến”. Hình khẩu súng có chiều cao khoảng 6 m, nền bia bằng bê tông cốt thép được lót gạch men màu đen.

Bia hình khẩu súng phía trên phần nòng súng có hình ngôi sao màu vàng năm cánh, phía dưới lót gạch tráng men màu trắng. Xung quanh Bia lưu niệm làm bằng hàng rào khung sắt, thiết kế như công viên, có đèn chiếu sáng và trồng hoa kiểng.

Theo tài liệu của Bảo tàng Tiền Giang, từ năm 1971 - 1975, Tỉnh đội Mỹ Tho do đồng chí Nguyễn Văn Thành (Tám Tàu), Tỉnh đội trưởng và đồng chí Trần Hữu Danh (Sáu Danh) Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy về đóng tại ấp Tân Hòa và Tân Thới, xã Tân Phú.

Ban Chỉ huy Tỉnh đội đóng ở nhà ông Sáu Mão, ông Ba Quy, ông Nguyễn Văn Trạng ở ấp Tân Hòa, Văn phòng Tỉnh đội đóng ở nhà ông Nguyễn Văn Sử, ở ấp Tân Thới. Ban Chỉ huy Tỉnh đội đã đề ra nhiều chủ trương đúng đắn, giành nhiều thắng lợi quan trọng trong cuộc tiến công và nổi dậy năm 1972; đánh địch bình định, lấn chiếm Hiệp định Paris năm 1973 và Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Cuối 1971, Bộ Tư lệnh miền Nam do Đại tá Đồng Văn Cống, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền chỉ huy về đóng ở nhà ông Lê Văn Chẩn, nhà ông Lê Văn Trưng ở ấp Tân Thới để trực tiếp chỉ đạo các vùng trọng điểm đẩy mạnh hơn nữa kế hoạch tạo thế và lực, chuẩn bị tiến công mùa hè năm 1972.

Cuối 1972, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cử Đoàn liên hiệp quân sự hai bên do đồng chí Trần Nam Trung, Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ làm trưởng đoàn về đóng ở nhà ông Nguyễn Văn Sử và nhà ông Lê Trưng ở ấp Tân Thới, họp bàn giải quyết các vấn đề về quân sự, ngừng bắn trước và sau khi ký kết Hiệp định Paris.

Tháng 4-1975, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8 về đóng ở nhà ông Nguyễn Văn Sử, ấp Tân Thới, xã Tân Phú. Khu ủy do đồng chí Huỳnh Châu Sổ (Năm Bê, Bí thư Khu ủy), Lê Việt Thắng (Phó Bí thư) chỉ huy.

Bộ Tư lệnh Quân khu do đồng chí Lê Quốc Sản (Tám Phương, Phó Tư lệnh) chỉ huy 200 người kể cả điện đài, cơ yếu, cảnh vệ, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8 họp đề ra quyết sách: “Tập trung lực lượng cắt đứt Quốc lộ 4, không cho địch từ Sài Gòn rút chạy về miền Tây cố thủ, tiêu diệt và làm tan rã địch, giải phóng hoàn toàn Mỹ Tho, thực hành nổi dậy đồng loạt giải phóng hoàn toàn khu”.

Trải qua suốt thời gian cơ quan Quân sự tỉnh đóng tại đây, dù kẻ địch hung hăng, dùng trăm phương ngàn kế để tiêu diệt lực lượng ta, nhân dân xã Tân Phú vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để che giấu, bảo vệ bí mật hoạt động của các đồng chí lãnh đạo và lực lượng vũ trang, góp phần thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

TÂN PHÚ HÔM NAY

Tân Phú là một xã anh hùng, có bề dày lịch sử với Chiến thắng Ấp Bắc vang dội là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Nhắc đến xã Tân Phú không thể không nhắc đến Chiến thắng Ấp Bắc diễn ra ngày 2-1-1963. Đây là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ tại di tích Căn cứ Ban Chỉ huy Tỉnh đội Mỹ Tho.
Phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ tại di tích Căn cứ Ban Chỉ huy Tỉnh đội Mỹ Tho.

Ngược dòng lịch sử, thời kỳ năm 1963, xã Tân Phú là một xã hoàn toàn giải phóng, là một vùng căn cứ địa của cách mạng, một xã có phong trào du kích chiến tranh mạnh, lực lượng du kích được phát triển khá đông, có nhiều thành tích trong chiến đấu giải phóng nông thôn bảo vệ thành quả cách mạng cho nhân dân và góp phần xứng đáng vào trận Chiến thắng Ấp Bắc.

Trong đợt chống càn này, địa bàn Tân Phú không chỉ trở thành một hậu phương vững chắc, cung cấp lương thực đầy đủ cho bộ đội, mà còn là một trận địa đặc biệt; trong đó có cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích.

Không chỉ thế, các lực lượng quần chúng luôn sát cánh cùng các chiến sĩ tại trận địa. Khi địch rút quân ra khỏi địa bàn của xã, các lực lượng ở địa phương đã kịp thời thu dọn chiến trường và tham gia khắc phục hậu quả do bom đạn của địch tàn phá.

Trên vùng đất này, thế hệ hôm nay ít ai có thể hình dung được hết những tàn khốc của chiến tranh, những tháng ngày pháo kích, đạn bom giày xéo trên từng tấc đất quê hương năm nào. Mặt khác, xã Tân Phú đã đi qua những chặng đường dài để chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt nơi rìa của vùng trũng Đồng Tháp Mười - một trong những nơi nhiễm phèn nặng, để làm nên một Tân Phú khá trù phú của hôm nay.

Ngày nay, về xã Tân Phú, ai cũng nhận ra bộ mặt nông thôn hoàn toàn đổi mới. Khu vực Tỉnh đội Mỹ Tho chọn làm căn cứ kháng chiến giờ thay bằng những ngôi nhà khang trang; điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng mới.

Phát huy truyền thống của quê hương, người dân xã Tân Phú đã tham gia vào việc xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao bằng nhiều hình thức như: Hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu để làm đường giao thông, đóng góp ngày công lao động để thực hiện các công trình phúc lợi, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, kiên cố hóa trường lớp, phát triển chợ nông thôn… Hiện nay, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực của xã, với khoảng 335 ha, mỗi năm sản xuất 3 vụ với tổng sản lượng đạt 6.588 tấn/năm.

Chiến tranh đã lùi xa, với những người đang sống, họ vẫn giữ được khí phách anh hùng, niềm lạc quan và tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Phú Trần Minh Nhựt cho biết: “Tại di tích Căn cứ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Mỹ Tho, Hội Cựu chiến binh xã thường xuyên kết hợp với các đoàn thể, trường học tổ chức nói chuyện truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước, của quân đội ta qua các thời kỳ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý chí quyết tâm của tuổi trẻ ra sức học tập, phấn đấu tiếp bước cha anh, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bên cạnh đó, nông dân còn thực hiện trồng xen canh cây màu (dưa leo, bầu, bí, mướp…) dưới chân ruộng, với khoảng 51 ha, đạt sản lượng 1.378 tấn/năm; qua đó tăng thêm thu nhập và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Những năm gần đây, nông dân xã Tân Phú đã chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, nâng tổng số diện tích chuyển đổi trồng cây lâu năm toàn xã đến nay hơn 205 ha; chủ yếu là trồng dừa, bưởi, mãng cầu, sầu riêng, mít… Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2022 thực hiện hơn 45 tỷ đồng…

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú không ngừng nỗ lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Khoác lên mình “chiếc áo mới”, diện mạo nông thôn khởi sắc là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xã.

Tân Phú hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ, đầy sức sống. Len lỏi vào sâu trong các ấp đã có những con đường trải nhựa, bê tông phẳng lì. Hạ tầng cơ sở được đầu tư nâng cấp đồng bộ, điện được kéo về tất cả các ấp. Mới đây, Tân Phú được tỉnh công nhận là xã nông thôn mới nâng cao.

HÀ NAM - QUANG HUY

.
.
.