Nâng cao nhận thức cộng đồng trong xây dựng gia đình hạnh phúc
Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách, phẩm chất, đạo đức của con người, gia đình phát triển thì xã hội phát triển. Trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình hạnh phúc.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Chỉ thị 06 ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình.
Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”. Những năm qua, công tác gia đình luôn được lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nói chung, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh nói riêng rất quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ gia đình văn hóa tiêu biểu không ngừng tăng lên.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, huyện của Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. |
Theo đó, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang (Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Công tác gia đình và dân số tỉnh) đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, chiến lược của Chính phủ về công tác gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử, phòng, chống bạo lực trong gia đình, kế thừa, vun đắp truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, gia đình Việt Nam. Qua đó, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác gia đình đối với sự nghiệp phát triển đất nước, góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024, với chủ đề: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, những ngày qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền còn tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Họp mặt, hội thi, tuyên dương, khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu, nâng cao ý thức mỗi gia đình trong việc gìn giữ gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế như: Không ít gia đình tập trung phát triển kinh tế mà thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái; một số gia đình ông bà, cha mẹ thiếu gương mẫu, chưa thực sự là tấm gương sáng cho con, cháu noi theo. Bên cạnh đó, gia đình thiếu quan tâm để giới trẻ tiếp xúc với mạng xã hội, dẫn đến tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình… Những vấn đề này nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường.
Theo Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang, để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; trong đó, chú trọng vai trò nền tảng từ gia đình. Vì vậy, thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác gia đình theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục là: Gia đình - nhà trường - xã hội cùng tạo dựng nguồn lực con người Việt Nam chuẩn mực về đạo đức, hoàn thiện về tri thức, kỹ năng.
Hai là, chú trọng tạo dựng môi trường gia đình tràn ngập tình yêu thương, bình đẳng và trách nhiệm, tổ chức lối sống gia đình lành mạnh, các thành viên trong gia đình yêu thương, sẻ chia, gắn kết và cha mẹ, ông bà nêu gương cho con trẻ học theo. Trong giáo dục, cần tạo điều kiện để con trẻ được nêu chính kiến, quan điểm của mình, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ từ khi còn nhỏ.
Ba là, các bậc cha mẹ không ngừng học hỏi, tìm hiểu những tri thức khoa học, xã hội, trang bị và nâng cao kiến thức, khả năng chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục con cái. Thực tế cho thấy, cha mẹ có quyền và thường tác động đến sự phát triển và định hướng tương lai của con trẻ, song nếu giáo dục không đúng và định hướng “không chuẩn”, không sát điều kiện thực tế của chính bản thân con trẻ và gia đình thì con trẻ không những không phát huy được khả năng của mình mà còn luôn cảm thấy căng thẳng, dễ dẫn đến suy sụp tinh thần và thể chất.
Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông gắn với tăng cường tuyên truyền Chiến lược xây dựng gia đình và văn hóa gia đình để nâng cao nhận thức và hành động, góp phần thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình. Qua đó, giúp cho các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong gia đình, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và gia đình ngày càng phát triển bền vững theo tinh thần Chỉ thị 06 của Ban Bí thư.
PHÚC LỘC