.

Bản lĩnh người lính "Bộ đội Cụ Hồ" qua ngòi bút của tác giả Ngọc Thủy

Cập nhật: 10:21, 15/07/2024 (GMT+7)

Đề tài chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Những tính cách cao đẹp xuất hiện trong chiến tranh không những không mất đi mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Những truyện ngắn, ký văn học của tác giả Ngọc Thủy được tập hợp trong quyển “Khí tiết thời mở cửa” không chỉ cuốn hút độc giả ở những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn trong thời chiến, cùng vượt lên những hoàn cảnh nghiệt ngã ở thời bình đã thể hiện phẩm chất quý giá của người lính, đó còn là lòng nhân đạo, là bản lĩnh của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ở mọi thời điểm.

Tác giả Ngọc Thủy (tên thật là Nguyễn Ngọc Thủy), quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang, nguyên là một quân nhân, bắt đầu viết văn, viết báo từ năm 1984. Lâu nay, nhiều người vẫn có thói quen gọi những người viết văn trong quân đội là những nhà văn mặc áo lính.

Đọc “Khí tiết thời mở cửa”, độc giả sẽ khâm phục ở tác giả Ngọc Thủy khi chị quyết đeo đuổi đề tài cho dù phải lặn lội những nơi xa xôi, hẻo lánh, tìm gặp cho được những người con ưu tú của Tiền Giang, gặp từng người mẹ, người anh, người chị quả cảm và phát hiện nhiều điều độc đáo, tạo dựng nên những hình tượng văn học bi tráng, xúc động.

Đọc “Khí tiết thời mở cửa” của Ngọc Thủy

Trong phần giới thiệu về mình (in ở bìa gấp của sách) có ghi: Ngọc Thủy là quân nhân, bắt đầu viết văn, viết báo từ năm 1984, nhưng là nghề tay trái nên chưa có ấn phẩm riêng.

Những bài báo, truyện, ký của chị thường được in trên các tờ báo, tạp chí của Quân khu 9, Quân đội nhân dân, Ấp Bắc, Văn nghệ Tiền Giang…

Ngọc Thủy đã đoạt nhiều giải thưởng ngành (Quân khu, Truyền thanh Quân đội), đặc biệt là các giải thưởng qua những cuộc thi viết về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Riêng tôi, xin bầu chọn Ngọc Thủy là tác giả “lính nữ” nổi trội của Tiền Giang.

Thời gian đi “lính nữ” chiếm hết tuổi thanh xuân và cũng chừng ấy năm Ngọc Thủy dấn thân và viết về Bộ đội Cụ Hồ, từ kháng chiến chống Mỹ cho đến chiến tranh biên giới Tây Nam và tận bây giờ… cho ngày mai. Chừng ấy “bảo chứng” cũng đủ cho ta sự đồng cảm khi đọc và chiêm nghiệm 10 truyện ngắn và 12 bút ký được tác giả tuyển chọn và cho ra mắt qua “Khí tiết thời mở cửa”.

Chọn tên truyện đặt cho sách, phải chăng tác giả nhấn nhá chất báo (thời sự - thời mở cửa) để gắn kết với chất văn, chất truyền thống (khí tiết - một trong những phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ)… và phải chăng đây cũng là thông điệp của tập truyện - ký (?!).Thôi thì hãy cùng đọc và cảm nhận, chia sẻ với tác giả “lính nữ” Ngọc Thủy.

Còn tôi, xin có lời chia sẻ ngoài tập truyện, Ngọc Thủy còn có một kỹ năng mà ít ai có được (nhất là nữ), đó là chấp bút viết bài văn tế rất có hồn nhân cải táng hài cốt 105 liệt sĩ hy sinh trong trận Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào nội ô Mỹ Tho. Hy vọng có dịp tác giả hoặc các báo, tạp chí in lại bài này…

C.T

Xuất thân từ quê hương có truyền thống cách mạng, một trong những địa phương trong chiến tranh bị địch càn quét liên tục nên hầu hết các tác phẩm của nhà văn mô tả sự gian khổ, những chiến công oanh liệt, bên cạnh là sự trăn trở của người lính sau ngày đất nước thống nhất bước vào thời buổi kinh tế thị trường.

Những bài ký như: “Vành đai một thời hào hùng”, “Cái ngày cả đời không quên”, “Xuân 68 và trận đánh thần kỳ”… không đơn thuần là những bài ký văn học bình thường mà còn ẩn chứa giá trị lịch sử rất cao. Ở đây ta dễ dàng nhận ra các địa danh với những trận đánh cùng nhiều nhân vật tên tuổi một thời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Tiền Giang.

Có lẽ xuất thân từ người lính nên tác giả Ngọc Thủy đã khai thác đầy đủ tính cách của người chiến sĩ đến từng chi tiết nhỏ trong truyện “Cái thời để nhớ” như: “Anh Năm Hóa trước khi đi anh cúi xuống rút lại quai dép…”, sau đó “anh đứng lên, vỗ vỗ vào vai tôi và Trí rồi lẩn vào bóng đêm”.

Đó cũng là đặc điểm trước khi đi của người dân Nam bộ vừa gần gũi, chân chất, bộc trực đến từng lời nói, cử chỉ. Hay như truyện “Biến đau thương thành sức mạnh”, người đọc còn biết thêm “giùi” là gì như chi tiết“chúng tôi bàn nhau giùi vào căn cứ của huyện Cai Lậy để ngủ qua đêm.

Gọi là “giùi” vì không có người dẫn đường, chúng tôi phải tự gỡ lựu đạn gài, cắt lối đi”. Quả thật, chỉ có người am hiểu chiến trường mới tường tận những việc nhỏ nhặt này. 

Không những thế, đọc “Khí tiết thời mở cửa” người đọc hiểu được tấm lòng của người dân Tiền Giang với Bác Hồ. Dù chỉ có hai truyện ghi lại lời kể của Đại tá Phan Hồng Lạc và Trung tá Nguyễn Văn Tơ nhưng cũng nói lên tình cảm thiêng liêng của những người được may mắn gặp vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Xúc động dâng trào, chính họ phải thốt lên: “Ôi, sao Bác giống ông ngoại mình quá! Giống từ râu tóc, đến bộ bà ba màu nâu giản dị kia. Nhưng dáng Bác rất ung dung, thư thái; cái phong độ ấy thì không ông lão nào có được” trong truyện “Biến đau thương thành sức mạnh”.

Bìa tập truyện, ký “Khí tiết thời mở cửa”.
Bìa tập truyện, ký “Khí tiết thời mở cửa”.

Câu chuyện của “Khí tiết thời mở cửa” được chọn làm tựa sách  - nhân vật không còn đơn điệu, thế giới nội tâm được khai thác triệt để. Đoạn mô tả tâm trạng day dứt của ông Bảy Đường khi quyết định ký hay không ký xác nhận cho Ba Toàn là giao liên, là du kích mật được tác giả đẩy lên cao trào của câu chuyện: “Một kẻ ăn trắng mặc trơn, chân không lấm bùn, tai không nghe tiếng súng - trong khi đồng bào mình ngày đêm đấu tranh, sống chết với giặc - trở thành đồng đội của ông?...

Không, ông không thể làm như vậy. Nhưng vợ ông, người vợ cả đời hy sinh, thay chồng nuôi con, nuôi cả cha mẹ chồng suốt những năm chiến tranh loạn lạc, lẽ nào bây giờ vì bảo vệ khí tiết của mình ông lại để vợ hy sinh lần nữa”. Đây không chỉ vấn đề mang tính gia đình của ông Bảy mà còn mang tính thời sự sâu sắc.

Chiến tranh cách mạng, người lính và những năm tháng hòa bình, đổi mới, hội nhập đang đặt ra nhiều chủ đề cho giới văn nghệ sĩ Tiền Giang. Không chỉ khai thác quá khứ mà còn biểu đạt những sắc thái sinh động của đời sống hiện tại với khát vọng dựng xây những giá trị nhân văn cao đẹp.

Thông qua tập truyện, ký “Khí tiết thời mở cửa”, tác giả Ngọc Thủy tiếp tục làm rõ những giá trị truyền thống bền vững của con người Việt Nam trong chiến tranh; mặt khác, xuất phát từ yêu cầu cuộc sống hiện tại, tìm ra trong chiến tranh những bài học, những kinh nghiệm quý báu nhằm góp phần can thiệp vào những vấn đề nóng hổi và phức tạp của cuộc sống hôm nay.

QUANG HUY

 

.
.
.