Huyện Cai Lậy: Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa thể thao cơ sở
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang huy động nguồn lực hoàn thiện các thiết chế văn hóa thể thao. Nhiều công trình đã được đầu tư, khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Huyện Cai Lậy hiện có 1 Khu liên hợp Văn hóa - Thể thao huyện, 16 nhà văn hóa xã, thị trấn, 28 nhà văn hóa - khu thể thao liên ấp, khu phố được xây dựng đạt chuẩn với phòng chức năng, thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, tuyên truyền cổ động.
Các nhà văn hóa, khu thể thao trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, rèn luyện thể chất, tổ chức hội thi, hội diễn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Huyện Cai Lậy cũng chú trọng công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Toàn huyện có 131 sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, hồ bơi… phục vụ nhu cầu luyện tập, giao lưu, nâng cao sức khỏe trong nhân dân.
Chương trình đồng diễn thể dục dưỡng sinh được tổ chức tại Nhà Văn hóa xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. |
Qua đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần bồi dưỡng và phát triển các hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng.
Mỗi sáng, tại khuôn viên Nhà văn hóa xã Phú An (huyện Cai Lậy), hình ảnh các thành viên câu lạc bộ (CLB) Thể dục dưỡng sinh với động tác mềm mại, uyển chuyển đã trở nên quen thuộc với mọi người. Hơn 8 năm qua, CLB Thể dục dưỡng sinh xã Phú An là sân chơi vui khỏe của người cao tuổi. Nhà văn hóa trở thành nơi sinh hoạt, luyện tập, nâng cao sức khỏe của các thành viên.
“Trước đây, CLB không có nơi tập ổn định nên phong trào thể dục dưỡng sinh có thời gian khá trầm lắng. Từ năm 2019, khi Nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng, CLB có sân tập khang trang, rộng rãi, tạo điều kiện cho các thành viên giao lưu, rèn luyện sức khỏe mỗi ngày, phong trào thể dục dưỡng sinh có điều kiện phát triển rộng khắp hơn” - bà Nguyễn Thị Sự, ấp 3, xã Phú An, huyện Cai Lậy cho biết.
Cùng với các thiết chế văn hóa thể thao được quan tâm đầu tư, huyện Cai Lậy duy trì và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh. Toàn huyện có 121 CLB thể dục dưỡng sinh, võ thuật, đờn ca tài tư… thu hút các thành viên tham gia sinh hoạt, luyện tập thường xuyên. Hằng năm, UBND 16 xã, thị trấn, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh, các ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức các giải thi đấu, giao lưu bóng chuyền, bóng đá, các môn thể thao dân tộc, hội diễn, liên hoan văn nghệ... thu hút cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân tham gia, tạo phong trào sôi nổi ở địa phương.
Tham gia CLB “Đờn ca tài tử” xã Ngũ Hiệp, ông Trần Văn Thành (ấp Hòa An) cho biết: “CLB là điểm hẹn của những người yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Những năm qua, nhà văn hóa xã đã tạo điều kiện về nơi sinh hoạt, trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, vì thế CLB duy trì hoạt động thường xuyên. Mỗi thành viên từ tài tử đờn đến tài tử ca đều có ý thức tự học hỏi, rèn luyện, trau dồi các kỹ năng đờn, ca để cùng nhau tiến bộ”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Cai Lậy huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện và khai thác thiết chế văn hóa thể thao cơ sở cho công tác tuyên truyền, cổ động, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao vẫn có nhiều hạn chế. Một số thiết chế văn hóa thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, giải trí của người dân, không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên xuống cấp. Kinh phí duy trì hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao còn hạn chế trong khi việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, UBND huyện và các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa thể thao, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với nhu cầu thông tin, vui chơi, giải trí của người dân, hướng tới việc tự chủ hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở để tổ chức tốt các hoạt động sát với nhu cầu của người dân. Việc hoàn thiện và khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn huyện Cai Lậy sẽ góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
TRƯỜNG GIANG