.

Tình cảm gia đình trong thơ Trần Công Tùng

Cập nhật: 07:44, 02/07/2024 (GMT+7)

Nhà thơ Trần Công Tùng không phải là tác giả xa lạ với những người yêu thơ, của nhiều thế hệ  học sinh ở Tiền Giang, bởi ông là chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn ở Sở Giáo dục và Đào tạo, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang.


Về thơ của ông, nhà thơ Võ Tấn Cường nhận xét: “Trần Công Tùng đeo đuổi phong cách thơ truyền thống, với ngôn ngữ thơ chân phương, giản dị và hình tượng thơ lung linh, gần gũi với vẻ đẹp của đời thường.

Cảm hứng chủ đạo trong các tập thơ của Trần Công Tùng có sự đan xen, hòa quyện giữa tính trữ tình, tự sự và thế sự; thường hướng về vẻ đẹp của thiên nhiên, phong cảnh quê hương, tình yêu nam nữ, tình bạn, tình mẹ con...”.

Tình yêu quê hương, nhất là tình cảm gia đình là thứ rất quý giá của mỗi con người, là tổ ấm, điểm tựa của mỗi người. Hình ảnh hai bà cháu đêm 30 Tết canh nồi bánh chưng trong bài thơ “Tối ba mươi” đúng là tiêu biểu cho vùng nông thôn Việt Nam.

Tối ba mươi nhà thường nấu bánh chưng
Bà trải ổ rơm trong góc bếp
Gió bấc lạnh vật vờ ngoài cánh liếp
Bà cháu mình cùng thức với lửa hồng
Bà kể chuyện xưa “… Cô Tấm được
vào cung”.

Hẳn ai cũng có một quá khứ bên ông bà vào thời khắc quan trọng - năm cũ bước sang năm mới - cũng chạnh lòng nhớ về tuổi thơ của mình khi đọc những câu thơ trên. Hình ảnh người bà luôn gắn liền với bếp lửa, hòa cùng câu chuyện cổ tích cũng ấm như lòng bà thương cháu, ấm như tình cảm gia đình, hơi ấm của bếp lửa cũng chính là của bà đang sưởi trái tim cho cháu, lan tỏa cả gian nhà chỉ có hai người dù bên ngoài lạnh lẽo bởi “Gió bấc lạnh vật vờ ngoài cánh liếp”. Hình ảnh ấy luôn đọng mãi trong ký ức của trẻ thơ để khi người cháu đã trưởng thành thì bà không còn nữa. Thật xúc động khi đứa cháu yêu  thốt lên theo dòng xúc cảm xót xa:

Nay mỗi giao thừa thắp nén nhang lên
Cháu lại cúng bà đôi bánh chưng vừa chín
Cháu vẫn tưởng như mới cùng bà trò chuyện
Bên bếp lửa hồng nấu bánh tối ba mươi
Bà vẫn còn… trong cháu… Bà ơi

Trong lời thơ của ông, ta như thấy trong đó có chút gì đó ngẩn ngơ, xốn xang, lại có chút luyến tiếc và thổn thức với nỗi buồn man mác. Còn hình ảnh người bà trong “Bà tôi” lại là cảnh lao động vất vả của người nông dân khi mà:

Bà luôn dậy lúc tinh sương
Khi con chim hót đón đường bình minh.

Để rồi “Cùng người gánh mạ chiêm non ra đồng” và khi đi cũng không quên:

Cau vôi, vỏ quạch, trầu không
Cùng bà chống chọi mùa đông gió tràn.

Tập thơ “Sợi tơ tằm” của tác giả Trần Công Tùng.
Tập thơ “Sợi tơ tằm” của tác giả Trần Công Tùng.

Đó là cảm xúc đang sống dậy trong lòng người cháu, một nỗi nhớ thương cồn cào, da diết, mãnh liệt nhớ về người bà mình yêu mến. Bên cạnh tình cảm bà cháu, còn là những lời nhắn nhủ cảm động về tình cảm cha mẹ với con cái. Trong bài “Nói với con” đó không chỉ là lời lý giải những hiện tượng thiên nhiên mà lồng vào đó lại là lời dạy bảo cho con rất nhẹ nhàng.

Mai rồi con sẽ lớn khôn
Những trang sách sẽ giúp con hiểu nhiều
Nhất là cuộc sống đáng yêu
Sẽ là trường lớp sớm chiều dạy ta
Ngày mai con sẽ bay xa
Mong sao mưa thuận gió hòa đường con.

Lời thơ dạt dào cảm xúc thể hiện tình yêu con và niềm hy vọng về một ngày mai con khôn lớn và vững bước trên đường đời. Ngôn từ mộc mạc, bình dị mà cô đọng, dễ hiểu, tạo nên giọng thơ da diết và thể hiện lòng mong mỏi, hy vọng, niềm tin tưởng của tác giả luôn dành tất cả cho con. Trong bài thơ “Đời mẹ”, tác giả đã phác họa hình ảnh người mẹ tảo tần…

Đi buôn vải, chợ thưa quán nghèo, lúc lại hái dâu ngoài bãi dưới cái nắng liêu xiêu đã dấy lên những cảm xúc trong lòng nhiều người.

Trong những vần thơ của ông, người đọc thấy được tình cảm vô bờ bến của mẹ dành cho những đứa con của mình. Dẫu nắng vất vả, dẫu mệt mỏi, khó khăn… mẹ không bao giờ ngừng cố gắng vì một tương lai tươi đẹp cho con. Đến khi con cháu lớn lên, có công ăn việc làm ổn định, bên cạnh niềm vui lại là nỗi buồn man mác:

Bây giờ con cháu đi xa
Sớm chiều thui thủi vào ra một mình
Ba gian nhà lá vắng tanh
Tắc kè dưới mái cầm canh đêm dài.

Trong các bài thơ nói về công dưỡng dục của cha mẹ thì đây là bài ấn tượng nhất, không quá cao xa nhưng cũng thật gần, lời thơ mộc mạc giản dị nhưng cũng lắng đọng trong chúng ta những tình cảm thiêng liêng nhất, giúp ta hiểu thấu nỗi lòng người mẹ nhất là những người xa quê, là nỗi lòng của tác giả với người mẹ ở quê nhà.

Trong tập thơ “Đối mặt thời gian”, tác giả còn có rất nhiều bài thơ về tình cảm gia đình truyền thống như: Ông tôi, Gậy trúc, Cháu biết ơn bà, Hai lần làm mẹ…. Mỗi bài thơ về tình nghĩa vợ chồng, tình cảm cha mẹ, con cái, tình cảm anh em, tình cảm ông cháu, bà cháu… đều đem đến cho người đọc sự khắc khoải, suy ngẫm khôn nguôi. Khi thời buổi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, xã hội ngày càng hiện đại thì những giá trị đạo đức, đạo lý truyền thống đang dần bị đảo lộn, mất đi. Các bài thơ chính là lời răn dạy, nhắc nhở của tác giả với các thế hệ con, cháu hãy luôn ghi nhớ, lưu giữ những giá trị, đạo lý truyền thống ấy.

Giữa cuộc đời, nhà thơ Trần Công Tùng sống giản dị, chân tình, vì vậy cũng nhận về sự thương mến của bạn hữu, đồng nghiệp. Tác giả Trần Công Tùng mất vào năm 2022, thọ 91 tuổi để lại niềm tiếc thương của nhiều thế hệ học sinh và người yêu thơ ở Tiền Giang.

HOÀNG DANH

 

.
.
.