Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những đóng góp quan trọng cho văn hóa dân tộc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập.
Giáo sư Vũ Khiêu tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng câu đối Tết nhân dịp Tổng Bí thư đến thăm, chúc Tết gia đình (Hà Nội, 16/2/2015). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn cống hiến hết mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Ghi nhớ những đóng góp của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chia sẻ về những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư trong lĩnh vực văn hóa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt, định hướng cho lĩnh vực văn hóa. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy hội nhập với thế giới.
Tình yêu dành cho văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và chúc Tết các văn nghệ sỹ (Hà Nội, 15/2/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thành phố có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc, gia đình và quê hương đã truyền vào ông tình yêu sâu sắc đối với văn hóa.
Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học vấn chuyên sâu về văn hóa và ngôn ngữ đã củng cố thêm tình yêu và vốn hiểu biết sâu rộng của ông về văn hóa Việt Nam.
Không những thế, trước khi trở thành lãnh đạo cao cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều năm công tác trong các lĩnh vực liên quan đến tư tưởng và văn hóa, như biên tập viên, nhà nghiên cứu ở Tạp chí Cộng sản (1967-1996). Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được cử làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (2001-2007).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn phân tích đây là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử đất nước khi Việt Nam đang thực hiện rất thành công công cuộc Đổi mới, thực hiện phát triển kinh tế thị trường và tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thành quả của sự phát triển đất nước được cảm nhận rõ ràng ở mọi mặt của xã hội. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Song mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và từ các phương tiện truyền thông mới đã tác động rất lớn đến đời sống văn hóa, tạo ra những vấn đề mới mẻ chưa từng có tiền lệ trong xây dựng văn hóa và con người.
Bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều nguy cơ: Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, lối sống hưởng thụ, văn hóa ngoại lai lấn át, các giá trị truyền thống bị phai nhạt, thương mại hóa văn hóa văn nghệ quá đà không tính đến lợi ích lâu dài... đã gây xói mòn những giá trị văn hóa dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đạo đức cộng đồng, cá nhân.
Tất cả đòi hỏi một định hướng phát triển văn hóa đúng đắn, rõ ràng để làm hệ điều tiết, dẫn dắt sự phát triển văn hóa cũng như sự phát triển chung của đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn khẳng định trong bối cảnh đó, sự xuất hiện và vai trò của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở những vị trí quan trọng của đất nước thực sự rất có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một học giả có sự hiểu biết sâu rộng về lý luận chính trị và văn hóa. Ông đã viết nhiều bài báo, tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và văn hóa dân tộc.
Những tác phẩm này không chỉ thể hiện kiến thức uyên thâm mà còn cho thấy sự trăn trở về con đường phát triển đất nước, làm sao để vừa giữ gìn được truyền thống dân tộc vừa hội nhập, phát triển hiện đại.
Những tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và truyền thống đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông luôn hướng đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trong công tác lãnh đạo chính trị.
Tình yêu của ông dành cho văn hóa thấm đẫm trong từng chỉ đạo, bài viết, câu nói. Tinh thần “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi,” hay “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc, văn hóa còn, dân tộc còn” thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của ông về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tích cực ủng hộ và khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Ông đã từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông cũng đề cao giá trị của nền văn hóa Việt Nam, khẳng định rằng bảo vệ văn hóa truyền thống là bảo vệ nền tảng tinh thần và bản sắc của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tích cực tham gia vào các hội nghị, diễn đàn văn hóa, gặp gỡ các văn nghệ sỹ, trí thức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và góp phần vào việc xây dựng chính sách văn hóa hợp lý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Hà Nội, 24/11/2021). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Trong những cuộc gặp gỡ, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn nghệ sỹ, trí thức trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cũng như khuyến khích họ sáng tạo, phát triển những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, gắn liền với đời sống hiện đại.
Một trong những dấu ấn nổi bật là những buổi gặp gỡ, làm việc với các hội văn học, nghệ thuật tại Hà Nội. Tại đó, Tổng Bí thư lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sỹ, chia sẻ và động viên họ.
Ông khẳng định sự tự hào về những đóng góp to lớn của giới văn nghệ sỹ cho sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho văn nghệ sỹ thể hiện qua sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ thiết thực, động viên, giúp họ yên tâm sáng tạo và cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật và công cuộc xây dựng đất nước.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, một trong những dấu mốc son cho sự phát triển văn hóa nước nhà là Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nêu lên nhiều thông điệp và thực sự truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sỹ đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa nước nhà.
Hệ thống quan điểm về phát triển văn hóa và xây dựng con người của Tổng Bí thư được đúc kết trong các bài viết, bài phát biểu, thư..., được tập hợp trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,” chắc chắn sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, phát triển văn hóa trong giai đoạn sắp tới.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xem văn hóa là một trong những nền tảng quan trọng của đất nước. Tình yêu văn hóa không chỉ là tình cảm cá nhân của Tổng Bí thư mà còn là một chiến lược phát triển đất nước lâu dài và bền vững. Với những nỗ lực không ngừng, ông đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tầm vóc và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Ông được coi là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam, người đã và đang đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của đất nước, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh./.
Theo Vietnam+ (TTXVN)