Tiền Giang bảo tồn, phát huy giá trị từ các khu di tích lịch sử, văn hóa
Tiền Giang là vùng đất có lịch sử từ rất lâu đời. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng với nhiều cảnh đẹp, mà vùng đất này còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, văn hóa giàu truyền thống cách mạng. Thời gian qua, các cấp, các ngành cùng các địa phương tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Song công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế.
NHIỀU NỖ LỰC TỪ ĐỊA PHƯƠNG
Tọa lạc trên địa bàn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, với diện tích hơn 9.000 m2, Khu di tích Chiến thắng Ba Rài là “địa chỉ đỏ” quen thuộc, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, hào hùng của cha ông ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây hơn 57 năm trước, quân và dân ta đã làm nên trận đánh đập tan chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” mà đế quốc Mỹ thử nghiệm để triển khai trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long.
Khách tham quan tại Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, huyện Châu Thành. |
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, di tích Chiến thắng Ba Rài được đầu tư xây dựng năm 2006 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2007, trong đó có 1 tượng đài nằm ở trung tâm, xung quanh có hệ thống cây cảnh, hàng rào bảo vệ. Khu di tích Chiến thắng Ba Rài được UBND tỉnh Tiền Giang xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Theo chính quyền địa phương, Khu di tích Chiến thắng Ba Rài là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Cẩm Sơn. Qua thời gian, một số hạng mục của di tích đã xuống cấp. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Cai Lậy đã kịp thời phân bổ kinh phí trùng tu tượng đài, sơn sửa hàng rào, hệ thống đèn chiếu sáng.
Trên địa bàn huyện Cai Lậy, có 12 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, Đình Long Trung được công nhận Di tích cấp quốc gia và Lễ hội Kỳ yên đình Long Trung đã được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.
Thời gian qua, huyện Cai Lậy đã trùng tu, sửa chữa 9 di tích với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn xã hội hóa. Cùng với đó, các xã, thị trấn có di tích đã thành lập Ban quản lý di tích nhằm kịp thời theo dõi và kịp thời đề xuất, kiến nghị về UBND để có phương án trùng tu, tôn tạo các di tích bị xuống cấp, hư hỏng.
Còn tại huyện Cái Bè hiện quản lý 38 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia gồm: Di tích lịch sử Chiến thắng Cổ Cò, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Đình Mỹ Lương (Di tích kiến trúc nghệ thuật); còn lại 35 di tích cấp tỉnh.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ các di tích đã được các cấp, các ngành của huyện quan tâm và đã có sự chỉ đạo phối, kết hợp chặt chẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Cái Bè đã đề xuất và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, cho chủ trương sửa chữa, trùng tu 4 Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử, văn hóa chùa Bà Cạn tại xã An Thái Trung, Chiến thắng Rạch Ruộng tại xã Tân Hưng; Chiến thắng Á Rặt tại xã Thiện Trí, Đình thần Mỹ Hưng thuộc xã Hòa Hưng.
TIỀM NĂNG VÀ TẬN DỤNG LỢI THẾ
Theo thống kê, tỉnh Tiền Giang hiện có 186 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Tiền Giang chuẩn bị đón nhận thêm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, đó là Di tích các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định) và 164 di tích cấp tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích như: Di tích Chiến thắng Ấp Bắc (TX. Cai Lậy), Lũy Pháo Đài (huyện Tân Phú Đông), Rạp hát Thầy Năm Tú (TP. Mỹ Tho); Lăng Hoàng Gia, Nhà lưu niệm ông Đỗ Trình Thoại, mộ bà Trần Thị Sanh, Chiến thắng Ao Vông, Mộ Trương Định, đình Trung (TX. Gò Công); đình Đồng Thạnh, đình Vĩnh Bình, chùa Ông Lão (huyện Gò Công Tây); Bia tưởng niệm 2 nữ liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến…
Du khách nước ngoài tham quan chùa Vĩnh Tràng, TP. Mỹ Tho là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. |
Bên cạnh những thuận lợi, công tác bảo tồn, phát huy giá trị tại các di tích cũng gặp không ít khó khăn như: Nhiều di tích bị xuống cấp theo thời gian; kinh phí thực hiện còn khó khăn; cán bộ quản lý các di tích còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ…
Thực hiện Chỉ thị 05 ngày 20-5-2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền những văn bản quy định, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát lại các di tích lịch sử, văn hóa; phối hợp với các địa phương khảo sát thực tế tại một số di tích có đủ tiêu chuẩn để lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh; thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác quản lý di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; việc sửa chữa, nâng cấp các di tích trên địa bàn tỉnh…
Thực tế cho thấy, Tiền Giang có các di tích lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa không chỉ là niềm tự hào của tỉnh nhà, mà đây còn được xem là tiềm năng, thế mạnh để tỉnh có thể phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch.
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu được vinh dự công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: Lập Đức |
Làng cổ Đông Hòa Hiệp được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2017. Việc khai thác và phát triển di tích này gắn với phát triển du lịch được thực hiện khá tốt, tiêu biểu nhất là việc tổ chức Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp.
Hằng năm, làng cổ Đông Hòa Hiệp đang là điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ước tính trung bình mỗi năm, làng cổ đón khoảng trên 100.000 lượt du khách đến tham quan (trong đó hơn 80% là khách quốc tế).
Trong năm 2023, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã thu hút khoảng hơn 6.000 lượt khách, trong đó có khoảng 200 - 300 khách quốc tế. Một trong những định hướng của huyện là phát triển du lịch khu vực làng cổ kết hợp với các tour, tuyến du lịch sinh thái, tâm linh trên địa bàn huyện.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch thông qua việc khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, trước hết cần quan tâm tìm kiếm nguồn kinh phí từ Trung ương, của tỉnh và nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi đi đến các khu di tích, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình du lịch, trong đó kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử, văn hóa…
V. PHƯƠNG