Thứ Hai, 05/08/2024, 14:13 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nhiều khởi sắc trong hoạt động Văn học, nghệ thuật.

Từ trước đến nay, Tiền Giang luôn nổi tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của phương Nam. Từ cuộc sống phong phú của vùng đất Nam bộ, cùng với kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần yêu nước nồng nàn, tính nhân văn cao cả của dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh đã tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị.

“CHẮP CÁNH” CHO CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Trong suốt tiến trình đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, văn nghệ sĩ Tiền Giang đã có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của tỉnh nhà. Sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, có trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ Tiền Giang đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, góp phần làm rạng danh mảnh đất Tiền Giang giàu truyền thống cách mạng.

Tác giả Ngọc Lệ (bìa trái) trong ngày nhận giải thưởng truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long  năm 2023.
Tác giả Ngọc Lệ (bìa trái) trong ngày nhận giải thưởng truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.

Theo đó, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh sáng tác theo đúng đường lối VHNT của Đảng, tập trung lãnh đạo, tìm mọi giải pháp và điều kiện để giúp đỡ văn nghệ sĩ sáng tác; kiên trì định hướng phát triển VHNT, luôn đặt yêu cầu chất lượng, hiệu quả là cao nhất. Đặc biệt là coi trọng tính tư tưởng của tác phẩm và trách nhiệm xã hội của giới văn nghệ sĩ, góp phần ổn định xã hội để phát triển bền vững; luôn khuyến khích sự sáng tạo, tôn trọng mọi tìm tòi, thể nghiệm nghệ thuật. Các chi hội chuyên ngành, các bộ phận chuyên môn bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú đã tích cực đóng góp vào thành quả chung của Hội, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ hội viên ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng.

Công tác xuất bản Tạp chí Văn nghệ và các đầu sách cho hội viên ngày càng cải tiến và đi vào chuyên nghiệp. Hội duy trì và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử Văn nghệ Tiền Giang để quảng bá các hoạt động VHNT, chuyển tải giới thiệu các tác phẩm mới của các văn nghệ sĩ. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, văn nghệ sĩ Tiền Giang đã đoạt trên 80 giải thưởng VHNT ở cấp Trung ương và khu vực. Ngoài ra, có hơn 400 tác phẩm đoạt giải thưởng ở các cuộc thi cấp tỉnh và các cuộc thi do các ngành, các cấp tổ chức.

Trong hoạt động liên kết, Tiền Giang đăng cai thành công 2 Cuộc thi Sáng tác bài ca vọng cổ (năm 2017 và 2019) và Cuộc thi Sáng tác ca khúc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2022). Tiền Giang phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội thảo “Mỹ thuật trẻ và nghệ thuật đương đại phía Nam” tại TP. Mỹ Tho.

Hội tuyển chọn và xuất bản 2 tập sách rất có giá trị là “Thơ Tiền Giang, 20 năm đầu thế kỷ XXI” và “Truyện ngắn Tiền Giang, 20 năm đầu thế kỷ XXI”, quy tụ gần như đầy đủ những gương mặt văn chương của tỉnh Tiền Giang trong gần 2 thập kỷ qua. Ngoài ra, Hội VHNT tỉnh ra mắt Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Tiền Giang, đây là chi hội thứ hai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập, góp phần tạo nên không khí sôi nổi trong sinh hoạt văn chương tỉnh nhà.

THẤY GÌ QUA 2 TUYỂN TẬP THƠ VÀ TRUYỆN NGẮN?

Vừa qua, 2 tuyển tập  “Thơ Tiền Giang, 20 năm đầu thế kỷ XXI” và “Truyện ngắn Tiền Giang, 20 năm đầu thế kỷ XXI” ra mắt bạn đọc nhân Đại hội Đại biểu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Đây có thể xem là sự tiếp nối của “Tuyển tập thơ Tiền Giang 1975 - 2005” và “Truyện ngắn Tiền Giang 1975 - 2005” được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang xuất bản trước đây.

Điều dễ nhận ra từ 2 tuyển tập này là sự đa dạng về phong cách của các nhà thơ, nhà văn Tiền Giang thể hiện trong tác phẩm của mình. Bên cạnh những tác giả trẻ mới nổi lên, vẫn còn đó các tác phẩm của những “người cũ” nhưng có sự đột phá  về đề tài và phong cách sáng tác. Nhà thơ Lê Ái Siêm đã từng nhận xét: “Có thể thấy thơ Tiền Giang đang chuyển động về phía thơ hiện đại. Cảm xúc được nhào trộn với chất liệu sáng tạo và hàm lượng trí tuệ được nâng lên. Đây là tín hiệu vui cho đội ngũ thơ Tiền Giang”.

Trong “Thơ Tiền Giang, 20 năm đầu thế kỷ XXI”, với 154 bài thơ của những nhà thơ được độc giả trong và ngoài tỉnh biết đến như: Lê Ái Siêm, Trần Công Tùng, Trần Đỗ Liêm, Võ Tấn Cường, Vương Huy, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Thanh Hải, Vũ Tuấn, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Lê Tuyết Lan… Các tác phẩm có sự phong phú về đề tài, sự đa dạng về phong cách; không chỉ là sự tổng hợp của những tác phẩm đã được công chúng biết đến trong những gần đây, mà còn là một hành trình tinh thần, một lời tri ân đến cuộc sống. Nội dung khá đa dạng từ những dòng thơ về quê hương, về tình đồng đội, đến những suy tư sâu sắc về cõi người, kiếp người, về vũ trụ… Với sự nhạy cảm và tài năng của mình, nhà thơ Trương Trọng Nghĩa đã tạo nên một hình ảnh vừa mang tính thời sự lại mang hơi thở cuộc sống như cây sầu riêng trong “Vết cứa sầu riêng” khi mở đầu bằng:

Cha cưa bỏ cây sầu riêng cuối cùng
Khu vườn vắng tiếng chim, chỉ tiếng thở dài đánh sượt
Và tiếng máy như xé toạc trưa hè tĩnh mịch
Như vết gai sầu riêng cứa vào ruột gan cha.

Chính sự “phập phù” của giá sầu riêng cùng với hạn, mặn do thiên nhiên đã làm cho người nông dân mới cười đó lại phải đau đớn khóc ròng như “vết cứa sầu riêng” trong lòng người cha ở khổ thơ cuối. Các nhà thơ đã đào sâu suy nghĩ về mọi vấn đề mình quan sát, nắm bắt được từ cuộc sống để đưa vào tác phẩm những cái cái đẹp chân, thiện, mỹ.

Với  43 truyện trong “Truyện ngắn Tiền Giang, 20 năm đầu thế kỷ XXI” được tuyển chọn từ nhiều tác giả quen thuộc như: Huỳnh Anh, Thu Trang, Nguyên Chương, Nguyễn Kim, Ngọc Lệ, Nguyễn Thanh Xuân, Đậu Viết Hương, Nguyễn Thị Mộng Thu…

Nội dung tập trung viết về các câu chuyện xoay quanh niềm hạnh phúc, sự trắc trở, nỗi đau, sự tuyệt vọng và hy vọng của nhiều thân phận khác nhau. Hiện thực cuộc sống, nhiều vấn đề nóng bỏng đã tác động mạnh mẽ đến thế giới quan và tư duy thẩm mỹ của các nhà văn. Mỗi câu chuyện tuy vài ba trang sách nhưng đã mang lại cho người đọc nỗi xúc động, sự ấm áp của tình người và cả những rung cảm nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc.

Truyện ngắn “Đàn bà quê” của tác giả Ngọc Lệ vừa đoạt giải Nhì trong Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 đã được chọn đăng trong tuyển tập này nêu lên vẻ đẹp của người phụ nữ Nam bộ với sự thủy chung, thương con hết mực, luôn là người chăm chỉ, tần tảo sớm hôm và không bao giờ nghĩ cho mình.

Do đặc thù của công việc, nhất là khi làm phóng viên, mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp gỡ đem đến cho chị không chỉ tư liệu để viết mà còn đem đến cho tác giả biết bao xúc cảm về nhân tình thế thái, về đạo lý làm người, từ đó làm nên tác phẩm sống động. Không riêng gì truyện ngắn “Đàn bà quê”, phần lớn các truyện ngắn trong tuyển tập, các tác giả xây dựng cốt truyện không có ý định đề cập đến cả cuộc đời của một nhân vật hoặc một giai đoạn lịch sử nào đó mà chỉ nhằm đưa ra một nét chấm phá của cuộc sống, một góc cạnh của cuộc đời khiến người đọc phải suy nghĩ, ngậm ngùi hoặc ray rứt. Đoạn kết truyện ngắn “Lão nông” của tác giả Nguyễn Thanh Xuân là một minh chứng: “Mấy ngàn năm, ông bà, cha mẹ chúng ta là nông dân. Làm chức vị tướng tá chi chi, cuối cùng cũng về với ruộng đồng, cây cỏ.

Nhìn thấy Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy mê ruộng tươi cười hồn nhiên như trẻ thơ, chắc chắn mảnh đất cha ông đều huyền bí vô cùng. Người ta từng trải, biết đủ thứ, nhưng chưa chắc đã tri điền, biết ruộng đồng, thấu hiểu tiếng nói, tâm sự của đất đang ngày ngày im lặng dưới chân mình”.

Không chứa đựng nhiều sự lãng mạn hay mơ mộng, những truyện ngắn trong “Truyện ngắn Tiền Giang, 20 năm đầu thế kỷ XXI” đều sử dụng hiện thực là chất liệu chính. Do đó, người đọc có thể dễ dàng cảm thấy quen thuộc với câu chuyện của những nhân vật trong cuốn sách.

Qua hai tuyển tập thơ, truyện ngắn phần nào điểm lại con đường văn học của Tiền Giang 20 năm đầu thế kỷ XXI thông qua những tác phẩm cống hiến cho bạn đọc. Không những thế, nó còn giúp cho giáo viên và học sinh trong tỉnh tiếp cận văn học địa phương theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

HOÀNG DANH  - T.V

.
.
.