.

Tiền Giang tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Cập nhật: 10:00, 22/08/2024 (GMT+7)

(ABO) Tiền Giang xác định văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, là nhu cầu tinh thần thiết yếu của người dân, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy đảng, cơ quan quản lý nhà nước, từng địa phương, đơn vị.

Chương trình
Thời gian qua, Tiền Giang thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần phát triển nền nghệ thuật của đất nước, của địa phương trong thời kỳ mới. (Trong ảnh: Chương trình "Dạ khúc tri ân" do nghệ sĩ, diễn viên tỉnh Tiền Giang biểu diễn tại Rạp hát Thầy Năm Tú, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: THU HOÀI

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 84-KL/TW ngày 21-6-2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (gọi tắt là Kết luận 84)

Việc triển khai, tổ chức thực hiện Kết luận 84 phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; đồng thời, gắn với tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhằm khơi dậy những giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần con người Tiền Giang, tạo nguồn lực nội sinh, động lực đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, từ đó đề ra kế hoạch tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Kết luận 84. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định hướng về hoạt động văn học, nghệ thuật; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng lĩnh vực văn học, nghệ thuật để chống phá Đảng và Nhà nước.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng văn nghệ sĩ để tích cực sáng tạo thêm nhiều tác phẩm có giá trị, đạt chất lượng nghệ thuật cao, góp phần phát triển nền văn học, nghệ thuật của đất nước, của địa phương trong thời kỳ mới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học, nghệ thuật, vừa đảm bảo phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa đảm bảo tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định hướng về hoạt động văn học, nghệ thuật. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng lĩnh vực văn học, nghệ thuật để chống phá Đảng và Nhà nước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quan tâm bố trí nguồn lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật bảo đảm hài hòa, hiệu quả. Thực hiện tốt các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật; nghiên cứu xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật; khuyến khích gắn kết giữa phát triển văn học, nghệ thuật với các ngành du lịch, dịch vụ; từng bước tạo lập các chương trình, sản phẩm, thương hiệu của tỉnh, địa phương trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Tăng cường bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn; chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, truyền bá, phát huy các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao ý thức pháp luật bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Chú trọng việc giáo dục thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong nhà trường; từng bước nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng.

Kịp thời phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, các tài năng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Kịp thời tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều công trình cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh.

Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đồng bộ cả về số lượng và chất lượng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, có khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước. Phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia xây dựng và bảo vệ nền văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc, góp phần tích cực triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu quả, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia, phát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả. Tăng cường chức năng phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, làm tốt vai trò cầu nối giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với Đảng và Nhà nước; cải tiến, nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang.

Tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến bạn đọc trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh, con người Tiền Giang và hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Quản lý chặt chẽ, đúng quy định về hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác phẩm văn học, văn nghệ nhất là trên không gian mạng.

Phát triển các hoạt động, phong trào văn nghệ quần chúng lành mạnh, phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân; có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích quần chúng nhân dân phát huy vai trò chủ thể tham gia sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn học, nghệ thuật.

Chú trọng liên kết đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật, nhất là tài năng trẻ; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ hợp tác, giao lưu, tiếp cận với các xu hướng phát triển, sản phẩm văn học, nghệ thuật mới, tiến bộ trên thế giới.

Về tổ chức thực hiện, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận 84 và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Thông báo kết luận, chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình tiến tiến.

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản sao cho phù hợp với đặc thù của hoạt động văn học, nghệ thuật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định hướng về hoạt động văn học, nghệ thuật. Bảo đảm nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, quán triệt Kết luận 84 của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo việc thực hiện; định kỳ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

HỮU NGHỊ

 

 

 

.
.
.