Tự hào với quê hương Lũy Pháo Đài
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Lũy Pháo Đài đã gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định. tháng 7-2024 vừa qua, cùng với các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định ở tỉnh Tiền Giang, gồm: Mộ và Đền thờ Trương Định (TP. Gò Công); Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời (xã Gia Thuận), Ao Dinh (xã Tân Phước), huyện Gò Công Đông, Di tích Lũy Pháo đài đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
LỊCH SỬ VỀ LŨY PHÁO ĐÀI
Những ngày đầu tháng 8, qua chuyến phà về huyện Tân Phú Đông, chúng tôi tìm đến Di tích Lũy Pháo Đài ở xã Phú Tân nhân kỷ niệm 160 năm ngày Giỗ của Anh hùng dân tộc Trương Định. Dù đã đọc qua nhiều tài liệu sách, báo, nhưng được chứng kiến tận mắt, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước sự uy nghi, sững sững của khu di tích.
Xã Phú Tân ra mắt xã nông thôn mới đầu năm 2024. |
Khu vực nhà bia thoáng mát, trang nghiêm, mái ngói, cột bê tông, nền tôn cao và đã tiến hành phục hồi 2 súng thần công. Xung quanh khu di tích được chính quyền và người dân nơi đây trồng cây xanh, chăm sóc khuôn viên cẩn thận, chu đáo.
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, ở Cửa Tiểu từ năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1834) đã có Tấn Sở (nơi đồn trại phòng thủ) là một Bảo bằng đất, gọi là Đồn Từ Linh, chu vi 60 trượng (tức khoảng 38 m), cao 5 thước 5 tấc (tức khoảng 2,6 m), mở hai cửa, được lập ra để bảo vệ cửa biển, sau đó có thêm chức năng thu thuế. Năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1843) và năm thứ 7 (năm 1847) được sửa lại.
Để việc kiểm soát tàu, thuyền và thu thuế được thuận lợi, hơn nữa, để cản bớt sự tấn công của tàu giặc, triều đình nhà Nguyễn cho đắp cản bằng đá. Hiện nay vẫn còn vết tích của cản này bên bờ cửa Tiểu. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Tháng 2-1859, chúng chiếm thành Gia Định.
Tháng 4 -1861, chiếm thành Định Tường, Trương Định trở về Tân Hòa xây dựng căn cứ kháng Pháp, đây là trung tâm kháng chiến mạnh nhất ở Nam kỳ lúc bấy giờ. Ông cho một số quân đóng ở đồn Từ Linh để giữ Cửa Tiểu. Đồn được mở lớn, đắp thành lũy, được gọi là Lũy Pháo Đài.
"Là thế hệ thanh niên ngày nay, được sống trong hòa bình, bản thân tôi cũng như các bạn đoàn viên, thanh niên của xã rất tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc, của quê hương. Đoàn viên, thanh niên xã nhà thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn tại Khu di tích Lũy Pháo Đài nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đoàn viên, thanh niên xã Phú Tân sẽ luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ra sức học tập, lao động, tiếp tục phát huy sức trẻ để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước” BÍ THƯ XÃ ĐOÀN PHÚ TÂN VÕ THỊ KIỀU NƯƠNG |
Lũy Pháo Đài tuy đơn sơ, chỉ là một thành đất hình lục giác, có hào sâu, trại lính, giếng nước ngọt, kho vũ khí, lương thực và một khẩu thần công nhưng đây là vị trí quân sự quan trọng của vùng Cửa Tiểu, nơi không thể thiếu đồn lũy để canh giữ vùng đất có tính chiến lược này.
Sau khi thành Định Tường thất thủ, tháng 4-1861, Trương Định về Tân Hòa xây dựng căn cứ kháng Pháp. Đồn Từ Linh được sử dụng làm chiến lũy, gọi là Chiến Lũy Pháo Đài, có trang bị súng thần công loại lớn (vị trí đặt khẩu thần công trước kia nằm tận ngoài giữa hai hướng cửa thành Tây và Tây Bắc cạnh đầu bờ sông Cửa Tiểu và rạch Đồn chừng 60m).
Ngoài ra, để làm tàu địch giảm tốc độ và làm bia cho những khẩu thần công để đẩy địch dạt sang bờ Trại Cá cho nghĩa quân tiêu diệt, Trương Định đã đổ đá hàn một đoạn theo chiều rộng của sông Cửa Tiểu trước chiến lũy về hướng Tây gọi là đập Đá hàn. Suốt cả quá trình tồn tại, chiến lũy Pháo Đài đã cùng nghĩa quân trấn giữ một cửa biển quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1987, Lũy Pháo Đài được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2000, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xây dựng nhà bia di tích Lũy Pháo Đài. Trong quá trình thi công làm đường vào Khu di tích Lũy Pháo Đài, xe kobe đã đào lên 2 viên gạch lạ ở độ sâu khoảng 1,4 m, hướng Đông (quay ra biển), dưới chân đồn lũy và đã tặng cho Bảo tàng tỉnh Tiền Giang.
Qua khảo sát trực tiếp tại thực địa, Bảo tàng tỉnh Tiền Giang phát hiện thêm 4 viên gạch thẻ khá to nằm lẫn trong đất, đều bị gãy, hình dạng khác nhau, nhưng đặc biệt trên đầu mỗi viên gạch đều có chữ khắc chìm: Giáp tam, giáp ngũ, giáp bát, giáp cửu.
NGÀY MỚI TRÊN QUÊ HƯƠNG PHÚ TÂN
Ngày nay, xã Phú Tân đang đổi thay từng ngày cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới. Nếu như trước đây, Phú Tân là xã còn nhiều khó khăn của huyện Tân Phú Đông thì giờ đây cùng với quá trình xây dựng thành công xã nông thôn mới vào đầu năm 2024 đã đem lại những đổi thay rõ rệt cho bộ mặt xã nhà. Thể hiện rõ nét là đời sống văn hóa, tinh thần lẫn vật chất của nhân dân được nâng lên. Cơ sở hạ tầng nông thôn đổi mới, sản xuất phát triển, thu nhập bình quân tăng lên.
Khu di tích Lũy Pháo Đài là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. |
Tỷ lệ hộ nghèo giảm, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ km đường nông thôn trên địa bàn xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, các phương tiện giao thông đi lại thuận tiện; hệ thống điện được đầu tư đạt chuẩn; xã không còn nhà tạm, dột nát…
Cùng với đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, công tác dạy và học tiếp tục được duy trì và công nhận trường học đạt chuẩn; công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự xã hội ổn định, các chính sách an sinh xã hội được Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể triển khai sâu rộng hiệu quả, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Tân sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để giữ vững, duy trì danh hiệu xã nông thôn mới. Tập trung các giải pháp chủ lực để phát triển kinh tế. Cùng với đó, Phú Tân sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển nâng chất các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục...
Ngày nay, cùng với cụm di tích quốc gia khác ở Gò Công như: Đền thờ Trương Định, nhà Đốc phủ Hải, Đám lá tối trời… Di tích Lũy Pháo Đài được xem là một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Tin rằng, với những giải pháp căn cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xã Phú Tân sẽ không ngừng đổi mới, tạo ra nhiều bức phá trong tương lai.
V. PHƯƠNG