Chủ Nhật, 08/09/2024, 22:47 (GMT+7)
.

Hoài niệm Trung thu xưa

Hàng năm, cứ đến mùa này là lòng tôi lại rộn ràng khi nhìn thấy đâu đâu cũng tràn ngập không khí Trung thu. Những chiếc lồng đèn sặc sỡ, những tiệm bánh Trung thu mọc lên khắp nơi.

Trẻ em bây giờ có đủ điều kiện để vui Trung thu hơn trẻ em ngày xưa rất nhiều. Nào là được cha mẹ quan tâm nhiều hơn, dẫn đi mua chiếc đèn lồng Trung thu xinh đẹp; nào là được nhà trường hoặc các công ty, các ban ngành, đoàn thể tổ chức “Đêm Trung thu”, biểu diễn văn nghệ và được tặng quà rất có ý nghĩa.

a
Lồng đèn hiện nay đẹp và đa dạng hơn xưa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hồi đó, trẻ con vui Trung thu phần đông là theo kiểu “cây nhà lá vườn”, chỉ có vài đứa nhà có tiền thì chạy ra tiệm mua những chiếc đèn lồng bằng giấy bóng như đèn lồng kéo quân, đèn lồng ông sao, đèn lồng quả bí, đèn lồng con gà, đèn lồng dưa hấu…

Còn những đứa không có tiền hoặc không đủ tiền mua thì đều tự làm, tự chế. Trẻ con chúng tôi đi xin trúc đem về chẻ ra thành nan, vót mỏng, làm thành sườn chiếc đèn lồng, rồi mua giấy kiếng đỏ dán kín xung quanh. Trên bề mặt đèn lồng, chúng tôi trang trí thêm bông hoa, chim chóc hoặc cắt, dán hình một số con vật khác, tạo thành chiếc đèn lồng Trung thu xinh xắn.

Đứa nào không làm đèn lồng bằng trúc thì mua giấy thủ công về cắt, dán, xếp thành đèn lồng quả bí, quả dưa hấu, hoặc một số quả khác tùy theo sở thích. Còn lười nữa thì đi xin cái hộp lon sữa bò ở các quán nước đem về đục nhiều lỗ xung quanh, làm thêm quai xách, gắn đèn cầy vào thì cũng có được một chiếc đèn lồng vui Trung thu như ai vậy.

a
Chọn lồng đèn rước cỗ Trung thu

Tôi còn nhớ, ở xóm tôi có nhiều trẻ con hơn các xóm khác nên không khí Trung thu cũng có vẻ xôm tụ hơn rất nhiều. Chúng tôi chuẩn bị trước vài ngày, phân công nhau đi xin trúc, mua dụng cụ làm đèn lồng. Thường là mỗi ngày, sau khi ăn cơm xong thì bọn trẻ xóm tôi họp nhau lại sắp xếp, phân công nhau làm đèn lồng. Trước tiên là làm đèn lồng “đại diện” cho xóm.

Đó là chiếc đèn lồng to đùng mang hình con linh vật của năm được cắt, dán và trang trí rất đẹp, tiếp đến là những đèn lồng cá nhân của mỗi đứa cũng được trang trí nhiều màu sặc sỡ, nhìn rất ấn tượng. Sau khi hoàn tất các loại đèn lồng, cả bọn túa ra, tìm xin da ếch về làm trống ếch.

Những tấm da ếch xin về được rửa sạch rồi kéo căng ra, phủ lên mặt đáy (đã được khui ra và mài rất nhẵn) của lon sữa bò, sau đó niềng lại thật chặt bằng dây gân hoặc dây chì rồi đem phơi khô. Da ếch càng phơi khô thì càng căng ra, quện chặt vào mặt lon sữa bò. Phơi đến khi nào tấm da ếch không thể căng được nữa, đánh vào nghe “tung, tung, tung, tung” thì trống mới được xem như hoàn thành và đạt chất lượng tốt.

Chiều ngày rằm, chúng tôi ăn cơm xong, tắm rửa sạch sẽ rồi tụ nhau lại sắp xếp đội hình cho đêm rước đèn Trung thu. Tôi to con nên được cả bọn cho cầm đèn lồng linh vật đi trước, tiếp theo là nhóm cầm đèn lồng cá nhân, sau cùng là đội trống. Đội hình được sắp xếp theo thứ tự ngay ngắn, rất bài bản, rất kỷ luật, đứa nào không chấp hành, cãi lại là bị cho ra khỏi đội hình ngay tức khắc, còn bị tẩy chay không ai chơi chung.

Đêm đến, không gian vùng quê bao la, ánh trăng soi vằng vặc, trải dài khắp mọi nẻo đường đến những cánh đồng mênh mông, nồng nàn hương lúa. Không khí rất nhộn nhịp bởi những âm thanh hò hét inh ỏi của tụi trẻ con hòa với tiếng trống ếch “tung, tung, tung, tung”, nghe rất vui tai. Khắp đó đây trong xóm, từng nhà bày mâm cỗ Trung thu trước sân, cúng vái đất trời, cầu mong cho gia đình bình an, con cháu khỏe mạnh, học giỏi…

a
Rước Trung thu bên gia đình

Bọn trẻ con chúng tôi rước đèn Trung thu lòng vòng trong xóm theo một đội hình đã được sắp xếp trước, rồi sang các xóm khác. Thật là vui khi thấy tất cả người lớn trong xóm đều dành hết tình yêu thương trong đêm Trung thu cho bọn trẻ chúng tôi. Ai cũng vỗ tay cổ vũ khi chúng tôi đi qua, có đứa còn nghịch ngợm lén “chôm” quả trái cây trong mâm cỗ, các cô chú nhìn thấy nhưng chỉ mỉm cười “cho qua”.

Chúng tôi vừa đi, vừa hò hét và hát vang lời bài hát thiếu nhi Rước đèn tháng 8 được thầy cô dạy trong trường học: Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh. Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh. Em rước đèn đi đón chị Hằng, hòa với tiếng trống ếch “tung, tung, tung, tung” nối đuôi nhau kéo dài như vô tận!

Trời dần về khuya, đêm Trung thu cũng sắp tàn, bọn trẻ con chúng tôi ai về nhà nấy, treo đèn lồng trước nhà, thưởng thức mâm cỗ ba mẹ bày, tiếp tục ngắm đèn, ngắm trăng và ao ước một lần được bay lên cung trăng để gặp chị Hằng. Thế đấy, đêm Trung thu của bọn trẻ con chúng tôi ngày xưa chỉ có vậy, đơn giản nhưng rất vui.

Dù biết chỉ là mong muốn vu vơ, nhưng tôi vẫn cứ ao ước một lần, dù chỉ một lần được trở về tuổi thơ, được hòa mình vào đêm Trung thu thôn dã đầy kỷ niệm của tiếng reo hò inh ỏi, của những bài hát thiếu nhi vang lừng và tiếng trống ếch “tung, tung…”.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.