Thứ Hai, 02/09/2024, 08:36 (GMT+7)
.

Những ý nghĩa mới của ngày Quốc khánh

Ngày Quốc khánh 2-9 là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bối cảnh hiện nay, ngày Quốc khánh đã có thêm nhiều tầng ý nghĩa mới, phản ánh sự phát triển và chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.

a
Tuổi trẻ TPHCM thắp nến tri ân Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước

Ngày Quốc khánh nhắc nhở thế hệ hiện tại về giá trị của độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ quan trọng, giúp đất nước duy trì vị thế và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Hiện nay, đây đó vẫn còn ý kiến phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám và không đề cao đúng mức ý nghĩa của Ngày Quốc khánh. Do đó, ngày này là dịp để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc trong nhân dân, đặc biệt là trong giới trẻ. Đây cũng là cơ hội để tuyên truyền về những giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, gắn kết các thế hệ với những lý tưởng cao đẹp.

Tôn vinh các thành tựu của đất nước

Ngày Quốc khánh là dịp để nhìn lại những thành tựu của đất nước sau nhiều năm xây dựng và phát triển. Trong 79 năm qua, nhất là 38 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị, trở thành một nền kinh tế đang phát triển và hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Thành tựu đó được thể hiện rõ ở chất lượng sống của người dân, góp phần đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Ngày này cũng là dịp để tôn vinh vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực sự, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, đó không phải là cảm nhận chủ quan, mà đất nước Việt Nam hiện nay được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về sự phát triển vượt bậc.

Giáo dục truyền thống và lịch sử

Ngày Quốc khánh là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc, truyền thống yêu nước và những bài học ý nghĩa từ quá khứ. Hiện tại, một số quốc gia trên thế giới đang chìm trong xung đột, bị nước ngoài can dự…, khiến cuộc sống người dân lầm than, càng thể hiện rõ các giá trị đó. Vì vậy, đây là dịp tri ân và làm lan tỏa tinh thần tri ân về sự hy sinh của bao thế hệ cán bộ cách mạng, chiến sĩ, đồng bào để chúng ta có được hòa bình, độc lập như ngày nay.

Cùng với đó, ngày này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc như một phần không thể thiếu trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc dân tộc.

Quốc khánh là một ngày hội

Ngày Quốc khánh không chỉ là một ngày lễ quan trọng của đất nước mà còn là một ngày hội của mọi người dân với nhiều hoạt động và ý nghĩa sâu sắc. Các hoạt động kỷ niệm bao gồm diễu hành, dâng hương, bắn pháo hoa, hoạt động văn hóa và lễ hội…

Các hoạt động đó đã góp phần tạo ra không khí vui tươi và đoàn kết trong người dân. Đây là cơ hội để mọi người thể hiện lòng tự hào dân tộc và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Chẳng hạn, dịp Quốc khánh, một số địa phương tổ chức vệ sinh khu dân cư, trồng cây xanh, treo cờ, chăm lo cho người nghèo…, càng làm cho ngày lễ này thêm ý nghĩa.

Có thể nói, Ngày Quốc khánh không chỉ là dịp để tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ chiến sĩ, đồng bào đã xả thân cho nền độc lập, tự do của dân tộc mà còn là dịp khẳng định những thành tựu trong việc xây dựng đất nước. Đó còn là thời điểm để nhìn lại quá khứ, tôn vinh hiện tại và hướng tới tương lai, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.