Thứ Ba, 08/10/2024, 11:48 (GMT+7)
.

Hạn chế xây công trình văn hóa lớn không phát huy hiệu quả

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế như hiện nay thì cần lấy văn hóa “nuôi” văn hóa, tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, nên hạn chế tối đa việc xây dựng những công trình văn hóa lớn, hoành tráng để rồi một năm chỉ sử dụng đôi lần.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, sáng 8-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Băn khoăn khả năng thực hiện kế hoạch vốn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình.

a
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Ghi nhận việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, rà soát, chỉnh sửa các mục tiêu, song theo ông Vinh, một số mục tiêu vẫn thiếu tính khả thi.

Chẳng hạn như mục tiêu cụ thể số 5 đến năm 2030 phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Hiện nay, việc chuyển đổi số chưa diễn ra đồng đều giữa các loại hình của lĩnh vực văn hóa, các địa phương, đề nghị cân nhắc sự phù hợp giữa hiện trạng và mục tiêu đặt ra, làm rõ nội hàm của chuyển đổi số”, ông Vinh phân tích.

Hoặc mục tiêu cụ thể số 6 đến năm 2030: 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa. Hiện nay, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, nhiều học sinh đang phải học ở các điểm trường, khả năng tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa như mục tiêu đặt ra là khó khả thi.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá những mục tiêu của Chương trình là rất quan trọng, nên “nếu đạt được những mục tiêu như vậy thì đầu tư nhiều hơn nữa cũng xứng đáng”, nhưng trong thực tế, công tác giải ngân rất khó khăn, nhất là trong lĩnh vực văn hóa - thực tế trong nhiều giai đoạn trước không bao giờ giải ngân hết số vốn được bố trí.

“Đặc thù của lĩnh vực văn hóa lại càng có yêu cầu cao, giải ngân không dễ; công tác chuẩn bị, triển khai rất mất thời gian. Nếu bố trí vốn nhiều mà không giải ngân được, hoặc lại cố giải ngân cho được thì đều đáng quan ngại”, ông Mạnh nhận định. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giai đoạn tới đất nước chuẩn bị triển khai rất nhiều dự án lớn, cần phải tính toán khả năng tài chính, cân đối tổng thể.

a
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá Chương trình đã được chuẩn bị khá công phu, song cũng bày tỏ lo ngại về khả năng thực hiện kế hoạch vốn cho năm 2025. “Bố trí vốn đã khó, rồi có kịp giải ngân không, tôi thấy không khả thi”, ông nhận xét.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chương trình còn khá dàn trải. Tuy khẳng định sự cần thiết của việc phát triển văn hóa, nhưng trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn như hiện nay thì cần lấy văn hóa “nuôi” văn hóa”, tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm.

“Nên giảm bớt xây dựng thêm những công trình lớn, hoành tráng để rồi một năm chỉ sử dụng đôi lần, lãng phí lắm”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

a
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ. (Ảnh: DUY LINH)

Dự kiến huy động hơn 256 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình

Trình bày Tờ trình tóm tắt Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, về phạm vi, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.

Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…

Với tổng nguồn vốn dự kiến là hơn 256 nghìn tỷ đồng, Chương trình được thực hiện trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035 và chia làm các giai đoạn. Cụ thể, năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035 sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình có 7 mục tiêu tổng thể, 9 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2035.

Nội dung thành phần của Chương trình bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa; Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ phát triển văn hóa tại Hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển Văn hóa năm 2022.

Theo đó, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, gồm: phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật.

Cạnh đó là: phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

Theo nhandan.vn



 

.
.
.