Chủ Nhật, 20/10/2024, 11:01 (GMT+7)
.

Nobel Văn chương và câu chuyện những nhà văn nữ Việt Nam

Nữ văn sĩ Hàn Quốc Han Kang vừa trở thành cây bút nữ châu Á đầu tiên được trao Giải Nobel Văn học 2024, lại đúng dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), vô tình làm nóng lên “bầu không khí nữ trong sáng tác”.

a
Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh

1. “Nhà văn nữ Việt có ra được với thế giới không?” - Được chứ, dù chưa thật nhiều. Hoặc là đã khá nhiều nhưng chưa được biết đến một cách rộng rãi thôi. Chúng ta có thể dẫn ra ngay trường hợp Nguyễn Ngọc Tư vừa được trao Giải thưởng Văn học Đông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024 do tạp chí Văn học Điền Trì (Trung Quốc) tuyển chọn cho truyện ngắn Những biển nằm trong tập truyện ngắn Cố định một đám mây (Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành).

Lời nhận xét của ban tuyển chọn cũng để lại nhiều dấu ấn: “Tác giả đã đưa người đọc vào một không gian mới trong viễn hành văn chương âm thầm nhưng đầy dấu ấn cá nhân…”.

Không phải ngẫu nhiên mà có người thầm liên hệ lời nhận xét của ban tuyển chọn của tạp chí Văn học Điền Trì với lời nhận xét của Giải Nobel Văn học 2024 về giá trị tác phẩm của Han Kang: “Tác phẩm đã đối diện với cái dữ dội của lịch sử và sự mong manh của đời người...”.

Nguyễn Ngọc Tư chỉ là một ví dụ về câu chuyện của các nhà văn nữ trong nước. Trước đó, chúng ta đã có những niềm vinh dự lớn lao như nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩm của bà đã được dịch ra hơn 13 ngôn ngữ.

Rồi những cây bút nữ đương đại khác, đã và đang đóng góp tài năng văn chương của mình vào đời sống văn học toàn cầu như cố nhà văn Linda Le với vô vàn giải thưởng văn học Pháp; Dili (Nguyễn Diệu Linh) với tập truyện ngắn vừa được xuất bản ở Hà Lan, ghi dấu lần đầu một tập truyện của nhà văn Việt Nam được xuất bản tại đây; nữ dịch giả Thụy Anh nhận giải thưởng văn học Nga…, và mới đây nhất, 22 tác giả nữ Việt Nam đã được giới thiệu đến bạn đọc Mỹ thông qua tuyển tập truyện ngắn Longings (Khát vọng).

Với giới nhà văn chúng tôi, Giải Nobel Văn học nhiều năm gần đây được chờ đợi với chất kịch tính hơn là trông mong những sự bùng nổ về sáng tác. Trước lễ công bố, người ta đồn đoán Tàn Tuyết, nữ nhà văn được mệnh danh “Kafka của Trung Quốc” sẽ là người được xướng tên. Hay là những sự đùa giỡn về câu chuyện “người luôn hụt Nobel” Murakami, nhà văn Nhật, năm nào cũng có tên trong danh sách nhưng rồi năm nào cũng trượt.

Mà cũng lạ, tác phẩm của ông luôn được đánh giá cao cả về nghệ thuật văn chương lẫn độ thu hút bạn đọc, điều rất hiếm hoi trong giới sáng tác, thế mà vẫn vô duyên với giải Nobel. Và cũng như mọi khi, cứ hụt giải thưởng này, người ta lại hỏi cảm tưởng của ông, đến mức Murakami “phát chán”, bực bội: Tôi không cần giải thưởng. Có độc giả là có tất cả rồi. Tôi cần gì đến nhận xét của các nhà phê bình. Khi Han Kang được nêu tên, người ta lại xoay sang sôi nổi bàn tán về sự bất ngờ, về giá trị, thành công của những tác giả nữ mà nhiều người trong số đó vốn ít được biết đến, hay chỉ được biết đến trong giới văn chương.

2. Và có lẽ, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh chính là một trong những minh họa rõ nét nhất cho câu chuyện “người nổi tiếng ít được biết đến” trong số những cây bút nữ hiện nay. Hay nói cách khác, chị là một trong số những tác giả nữ trong nước đang rất nổi tiếng ở… nước ngoài! Đặng Nguyệt Anh, sinh năm 1948, đang sinh sống ở TPHCM.

Trong giới sáng tác, chị nổi tiếng từ rất lâu, không phải bởi tác phẩm mà bởi chính câu chuyện đời mình. Một chuyện tình đẹp như cổ tích. Tết năm 1967, chị lập gia đình. Ngay sau ngày cưới, chồng chị lên đường vào Nam chiến đấu (ngày ấy gọi là đi B). Năm 1972, đồng đội ở chiến trường báo tin anh bệnh nặng, không đủ sức vượt Trường Sơn về lại miền Bắc. Thế là Nguyệt Anh xin phép gia đình, lên Ban Thống nhất Trung ương xin vào Nam, vừa để phục vụ chiến trường, cũng là để có điều kiện chăm sóc chồng.

Hành trình xuyên Trường Sơn, không chỉ đối đầu với bom đạn mà còn vô số những gian nan không tên khác, chị cũng tìm được anh và cả hai cùng trải qua những năm cuối của chiến tranh ở Trung ương Cục miền Nam. Có lẽ cuộc sống dữ dội và đầy lãng mạn đó đã góp phần không nhỏ để Đặng Nguyệt Anh trở thành nhà văn, nhà thơ. Và thậm chí, như chị có lần đùa, sự khốc liệt và lãng mạn vẫn chưa rời xa hai vợ chồng.

Những ngày Covid-19 dữ dội nhất, cả hai vợ chồng cùng bị đưa vào bệnh viện dã chiến, tưởng chừng khó qua khỏi nhưng rồi lại lần nữa, họ nắm tay nhau vượt qua tất cả. Đến nay, Đặng Nguyệt Anh đã có đến 14 tập thơ. Tập thơ mới nhất với nhan đề Trái tim không biết quỳ (NXB Hội Nhà văn) của chị đã được xuất bản tại Canada (năm 2023) và được dịch ra 4 thứ tiếng: Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Cũng trong năm đó, tập thơ được nhà xuất bản Ukiyoto (Canada) mang đến giới thiệu tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức). Nhiều bài thơ trong tập thơ được trích đăng trên nhiều báo quốc tế, chị được nhà báo ở châu Âu, Mỹ liên hệ phỏng vấn. Đánh giá về Trái tim không biết quỳ, nhiều bài viết ở các chuyên trang văn học thế giới đều cho rằng, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh đã trình bày nên “những run rẩy tinh tế của tâm hồn Việt...”.

Còn với chị, thơ lại là những gì rất giản dị. “Cảm ơn số phận đã cho tôi là một nhà thơ. Nhờ thơ, tôi có được một đời sống tâm hồn phong phú, có bạn bè ở khắp mọi nơi, được chia sẻ yêu thương. Có rất nhiều định nghĩa về thơ, như có người bảo viết thơ là “viết sai ngữ pháp”, còn tôi chỉ muốn thơ mình có nhiều độc giả và tôi được chia sẻ với họ”, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh thổ lộ. Người Việt Nam hay bị đánh giá là “lười đọc sách”.

Con số thống kê cao nhất từng được ghi nhận là khoảng 4 cuốn sách/người/năm (số liệu thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam, giai đoạn 2010-2020). Nhưng trong đó, hết gần 3 cuốn là sách chuyên ngành (sách giáo khoa, tham khảo, hướng nghiệp, kinh doanh…), sách văn học là cuốn còn lại trong 4 cuốn. Quá ít so với nhiều nước xung quanh chúng ta, như Singapore là 14 cuốn/người/năm. Việc ít đọc còn được thể hiện một cách công khai như phát biểu của một hoa hậu, rằng chẳng cần đọc sách cô vẫn “thành công”.

Thế nhưng, nếu không đọc, sao chúng ta biết được đất nước chúng ta đang sống, thế giới chúng ta đang ở, đẹp đến dường nào. Sao chúng ta có thể biết được đâu đó ngoài kia vẫn có những cây bút nữ ngọt ngào và dữ dội đến như vậy. Trong đó, có cả những tác giả Việt Nam mà thế giới họ đọc và biết trước cả chúng ta.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.