Thứ Hai, 14/10/2024, 08:18 (GMT+7)
.

"Sứ giả" gắn kết văn hóa và du lịch

Áo dài truyền thống với "nét" đẹp tinh tế và giá trị lịch sử đã gắn bó với đời sống người Việt Nam hàng trăm năm qua, được bạn bè quốc tế biết đến và công nhận.

Một sự kiện giao lưu, trình diễn áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).
Một sự kiện giao lưu, trình diễn áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội).

Giờ đây, áo dài không chỉ được bảo tồn, tôn vinh như một di sản giàu tính thẩm mỹ mà còn đóng vai trò "đại sứ du lịch", kể những câu chuyện hấp dẫn và mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách qua nhiều sự kiện văn hóa, tour du lịch đặc trưng trên cả nước.

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội-2024 mới đây đã thu hút hơn 63.000 lượt khách (theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội). Sau 4 lần tổ chức, mỗi dịp tháng 10, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội lại trở thành ngày hội được mong chờ với chuỗi hoạt động đa dạng, đặc sắc, giúp công chúng khám phá nét đẹp di sản và nghệ thuật Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng thông qua một biểu tượng xuyên suốt là áo dài.

Bên cạnh các buổi biểu diễn thời trang và sân khấu âm nhạc, có khoảng gần 100 gian hàng rực rỡ trong khuôn viên khu di tích Hoàng thành Thăng Long để trưng bày, giới thiệu sản phẩm áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng, hàng thủ công mỹ nghệ gắn với áo dài (nón lá, khăn lụa, guốc mộc, trang sức...) và các đơn vị lữ hành, ẩm thực...

Du khách không chỉ được thưởng lãm nhiều bộ sưu tập áo dài đẹp mắt, mà còn có cơ hội nghe thuyết minh về quá trình làm ra vải vóc, cắt may, ý nghĩa từng hoa văn họa tiết..., qua đó hiểu sâu hơn về nhiều nghề truyền thống lâu đời và mua sắm những món quà lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa.

Nhiều nhóm bạn trẻ, các đoàn khách quốc tế, người nước ngoài sống và làm việc ở Hà Nội cũng nhân dịp này khoác lên mình chiếc áo dài yêu thích và lưu lại những hình ảnh ấn tượng bên các công trình kiến trúc, các con đường đẹp ở Thủ đô.

Những năm gần đây, xác định áo dài truyền thống là một di sản văn hóa đầy tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đóng góp cho công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá văn hóa dân tộc thông qua những tà áo dài.

Có thể kể đến Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội, chương trình "Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội", hoặc các hoạt động trình diễn áo dài thuộc Festival Thu Hà Nội, Lễ hội Sen Hà Nội...

Theo họa sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy (Ðại học Quốc gia Hà Nội), biến áo dài thành sản phẩm du lịch sáng tạo, quảng bá văn hóa Việt Nam là điều khả thi. Áo dài không chỉ dành cho nữ, mà cả áo dài nam thời gian qua cũng được quan tâm, ứng dụng trong nhiều hoàn cảnh.

Với tư duy của người nghiên cứu và thực hành nghệ thuật, bà Thu Thủy khẳng định bản chất của di sản không bất biến mà có sự vận động theo thời gian, và những tinh hoa của áo dài, không gian văn hóa chung quanh áo dài... đều là lợi thế có thể được khai thác phục vụ du lịch. Chẳng hạn như tour chụp ảnh với áo dài hiện đại hoặc cổ phục, tour tham quan làng nghề dệt, may... Thậm chí, du khách còn có thể trò chuyện với nghệ nhân, tự tay học thêu, đính cườm, hoặc được in ảnh lên áo dài và mang về. Như thế, áo dài không chỉ trở thành một sản phẩm lưu niệm du lịch mà còn là một sứ giả văn hóa mang lại cảm xúc, ấn tượng sâu đậm và những kỷ niệm đẹp trong lòng du khách.

Cùng ý kiến về việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với áo dài, họa sĩ Nguyễn Ðức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ðình làng Việt chia sẻ: Hà Nội có nhiều địa điểm du lịch có không gian phù hợp với áo dài như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhà cổ, phố cổ, làng may áo dài Trạch Xá, làng thêu Quất Ðộng, làng lụa Vạn Phúc... Tại các trung tâm văn hóa, triển lãm hay các làng nghề có thể tạo ra hoạt động trình diễn, trưng bày sản phẩm và thông tin về ý nghĩa, lịch sử của áo dài. Những show diễn thời trang, tour chụp ảnh, đạp xe... hoàn toàn có thể được kết nối để kể câu chuyện về áo dài.

Thời gian qua, không riêng Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng đã và đang đưa áo dài trở thành chủ đề, biểu tượng cho nhiều hoạt động văn hóa-du lịch. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2014 đến nay, định kỳ mỗi tháng 3, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra với quy mô ngày càng được mở rộng, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh "Thành phố Hồ Chí Minh - Ðiểm đến an toàn, hành trình sống động".

Gần đây nhất, thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 đã đón hơn 81.000 lượt khách, thu hút hơn 6 triệu lượt xem/tiếp cận qua các kênh thông tin, hơn 133.000 lượt tương tác...

Tại Thừa Thiên Huế, áo dài không chỉ được du khách thập phương ưa chuộng, mà phong trào mặc áo dài truyền thống còn lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư, cơ quan, trường học... Chính sách miễn phí vé tham quan di tích cho nữ du khách khi mặc áo dài truyền thống vào dịp 8/3 hay các ngày lễ lớn đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế duy trì và tạo hiệu ứng tốt.

Hình ảnh du khách trong nước và quốc tế hào hứng khoác lên mình trang phục áo dài để đi tham quan, chụp ảnh... đã gây ấn tượng mạnh, góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, giờ đây trong bối cảnh hội nhập, áo dài Việt Nam liên tục có những cách tân, sáng tạo mới thông qua bàn tay khéo léo của các nhà thiết kế cùng nguồn cảm hứng bất tận từ văn hóa, vẻ đẹp đất nước. Nhắc đến hay nhìn thấy áo dài, nhiều bạn bè quốc tế có thể nhận ra ngay đó là nét đặc trưng của Việt Nam.

Ðó là niềm tự hào song cũng đặt ra yêu cầu phải gìn giữ và phát huy bền vững các giá trị của áo dài, cũng như sớm đưa áo dài được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hướng tới ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Bằng nhiều hình thức, quy mô, việc áo dài được phát triển phục vụ du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để khẳng định các giá trị của áo dài trong đời sống đương đại.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.