Thứ Hai, 21/10/2024, 10:25 (GMT+7)
.

Thanh âm cho tâm hồn

Bài hát quen thuộc, giai điệu gần gũi bật lên những cảm xúc trong sâu thẳm mỗi người thưởng thức. Đó không chỉ là lựa chọn một buổi nghe nhạc thư giãn, mà các bạn trẻ cũng bắt đầu tìm cho mình những chương trình âm nhạc nâng cao giá trị tinh thần.

Dùng âm nhạc để trị liệu

Cân bằng là từ khóa dễ tìm thấy trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng để thực sự cân bằng trong cuộc sống - công việc - tình cảm, không phải là điều dễ dàng. Cuộc sống hiện đại với những vòng quay công việc, học tập, mối quan hệ xã hội hay nỗ lực khẳng định bản thân ngày càng nhanh và mạnh, không ít áp lực vô hình đè nặng trên đôi vai mỗi người… Vấn đề sức khỏe tinh thần trở nên đáng báo động, đặc biệt với người trẻ ở những đô thị lớn.

a
Chương trình âm nhạc trị liệu Bình yên để trăng cao do Peace - Music Therapy tổ chức vào tháng 6-2024, tại TPHCM

Âm nhạc trị liệu, hay được hiểu là việc sử dụng âm nhạc vào mục đích trị liệu, có lịch sử lâu đời. Các chương trình, tài liệu liên quan đến âm nhạc trị liệu xuất hiện trong nước từ khá lâu, và dần được quan tâm mạnh mẽ từ sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vấn đề sức khỏe tinh thần được chú trọng nhiều hơn và các phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng rộng rãi, trong đó có sử dụng các loại hình nghệ thuật để trị liệu.

Trong không gian văn phòng vừa vặn cho 20 khách tham dự (ở địa chỉ 72/7 đường Trần Quốc Toản, quận 3, TPHCM), phần âm nhạc với những nhạc cụ truyền thống quen thuộc, như: sáo, đàn tranh, đàn ghi-ta… và lời ca mộc mạc của ca sĩ cùng lối dẫn chuyện gợi mở sự yên bình trong ký ức tuổi thơ, mang đến cho người nghe cảm giác xoa dịu nỗi niềm của hiện tại.

“Lâu lắm rồi tôi mới tập trung lắng nghe một bài hát ru thật trọn vẹn, cảm thấy như mình được trở lại những ngày thơ ấu, hồn nhiên và không lo âu. Âm nhạc đâu chỉ để nghe cho vui, những buổi nhạc trị liệu như vậy nghe xong thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, để chuẩn bị cho công việc cuối năm bận rộn”, chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (28 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ.

Chọn giai điệu cho sức khỏe tinh thần

Phần lớn các chương trình âm nhạc mang tính trị liệu hiện nay thường diễn ra trong quy mô nhỏ, do một hoặc một vài cá nhân đứng ra tổ chức. Khách tham dự các đêm nhạc này mất một khoản phí để đóng góp cho công tác tổ chức, vận hành. Tuy nhiên, mức giá này rất nhỏ so với vé ca nhạc phòng trà hay chương trình nhạc hội, phù hợp với lựa chọn cho các bạn sinh viên, người mới đi làm.

Bắt đầu tổ chức đêm nhạc trị liệu từ năm 2018 tại TPHCM dành cho bệnh nhân ung thư, đến nay, anh Việt Quý đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các chương trình âm nhạc hướng đến giá trị tinh thần. “Tự thân âm nhạc đã có một công năng đặc biệt trong việc xoa dịu tinh thần. Việc của những người như tôi là chọn lựa loại hình âm nhạc phù hợp với mỗi dạng tổn thương tinh thần. Chẳng hạn như nhạc cổ điển, thiền ca, hát ru… hợp với người cần sự hoài niệm, gợi nhớ về quá khứ tuổi thơ tươi đẹp. Bằng cách kết hợp đúng thể loại âm nhạc với các giá trị tinh thần, chúng ta có thể tạo ra một hình thức trị liệu mềm mại, nhẹ nhàng, giúp mọi người tìm thấy sự bình yên”, anh Việt Quý chia sẻ.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, âm nhạc được đưa vào nhiều khía cạnh của đời sống, trong đó việc khai thác tính năng trị liệu - xoa dịu tinh thần của âm nhạc, rất được chú trọng như trong bệnh viện, các trường học. Âm nhạc trị liệu có khả năng giúp người nghe giải tỏa căng thẳng và lo âu. Khi nghe những bài hát êm dịu, thân quen và ngôn từ - giai điệu trong sáng, tâm trí có thể thoát ra khỏi sự hỗn loạn của những suy nghĩ hàng ngày và đưa người nghe vào trạng thái thư giãn, cân bằng hơn.

Anh Việt Quý phân tích thêm: “Âm nhạc trị liệu tạo cơ hội cho người nghe kết nối với chính mình, giúp họ đối diện với những cảm xúc bị dồn nén. Những lời hát giản đơn có thể khơi dậy những ký ức đẹp đẽ, từ đó mang đến cảm giác được an ủi, vỗ về. Điều này quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng cảm xúc và giúp người nghe cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống. Chẳng hạn, nghe nhạc cổ điển giúp chúng ta rèn luyện sự kiên nhẫn để lắng nghe sâu, nếu không đủ kiên nhẫn thì không thể nào nghe hết một bản nhạc rất dài, qua nhiều trường đoạn cảm xúc khác nhau. Khi đủ kiên nhẫn, chúng ta sẽ có khả năng lắng nghe bằng lòng từ ái với bất kể điều gì trong cuộc sống này. Hoặc với lời ru dân gian quen thuộc của bà, của mẹ, sẽ làm sống dậy những ký ức đẹp của tình thân hoặc thấm thía hơn ý nghĩa những lời ru mà lúc nhỏ chưa thể hiểu, để rồi thấy lòng mình được ủi an và tiếp tục sống thật đẹp với lòng thấu cảm cuộc đời sâu sắc hơn”.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.