Câu vọng cổ từ trong kháng chiến
Sau Hiệp định Genève năm 1954, những chuyến tàu tập kết đã chở hơn 200.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thiếu niên từ miền Nam ra miền Bắc, trong đó, có trên 100 văn nghệ sĩ đã rời miền Nam ra miền Bắc tập kết.
Toạ đàm giao lưu nhân chứng lịch sử “Đoàn Cải lương Nam bộ - một thời hoa lửa” do Bảo tàng TPHCM tổ chức ngày 8-11 |
Năm 1956, Đoàn Cải lương Nam bộ được thành lập trên cơ sở tách ra từ Đoàn Văn công Nam Bộ. Đoàn Cải lương Nam bộ là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm đã tạo nên những tác phẩm gây được tiếng vang như: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Khuất Nguyên, Thạch Sanh, Võ Thị Sáu, Máu thắm đồng Nọc Nạn... Với sức ảnh hưởng của mình, Đoàn đã trở thành ngôi sao sáng đem lời ca, tiếng hát đậm chất Nam bộ phục vụ nhân dân trên đất Bắc. Làn điệu cải lương Nam Bộ như góp thêm một ngọn lửa tinh thần, động viên và cổ vũ quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tại tọa đàm giao lưu nhân chứng lịch sử “Đoàn Cải lương Nam bộ - một thời hoa lửa” do Bảo tàng TPHCM tổ chức ngày 8-11, đạo diễn Thanh Hạp (nguyên Trưởng đoàn Kịch nói TPHCM) chia sẻ, ông tập kết ra Bắc tháng 12-1954. Những ngày trên đất Bắc với ông là kỷ niệm và kinh nghiệm mang theo suốt đời, nhất là những lần được gặp Bác Hồ.
Đạo diễn Thanh Hạp và NSƯT Lê Thiện biểu diễn một trích đoạn cải lương |
Đạo diễn Thanh Hạp kể: “Có một lần, đoàn diễn vở có nhiều phân cảnh mà kép chính quay lưng về phía khán giả. Bác xem xong khen ngợi anh chị em trong đoàn, rồi ghé tai nhắc nhỏ chú ý hơn để khán giả còn rõ mặt nghệ sĩ. Anh em trong đoàn lúc đó nhận ra, đúng là sơ suất khi biểu diễn quay lưng về phía khán giả hơi nhiều, nhưng Bác rất tinh tế nhận ra và nhắc nhở lại Đoàn. Đó là kỷ niệm và cũng là kinh nghiệm đối với tôi, sau này dựng vở sân khấu phải chú ý từng chi tiết nhỏ, để khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn và thoải mái nhất”.
Trong những tháng vào Nam ra Bắc đó, Đoàn Cải lương Nam bộ hình thành nên lớp nghệ sĩ yêu nghề, trân trọng từng câu hát và công việc đào tạo đội ngũ kế thừa. NSƯT Lê Thiện bày tỏ: “Là một con người nếu cái gốc không vững, thì rõ ràng không thể nào có sức, có lực cho đến bây giờ vẫn hoạt động được. Điều đó tôi hết sức cảm ơn sự giáo dục ngay từ đầu khi chúng tôi bước vào hàng ngũ, tạo cho chúng tôi một sự bền bỉ, nghiêm túc, sống có đạo đức cho tới bây giờ. Và trong những năm tháng đó, chúng tôi ca diễn đều phải tập tành rất kỹ lưỡng trước khi bước lên sân khấu. Anh chị em theo nghề cứ miệt mài rèn giũa, tới chừng được giới thiệu là nghệ sĩ, khán giả gọi là nghệ sĩ là điều thiêng liêng lắm, với thế hệ chúng tôi hai từ nghệ sĩ rất quý báu và khi có được thì càng phải nghiêm túc làm nghề và giữ nghề”.
Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thị Hậu là con gái ông Nguyễn Ngọc Bạch (trưởng Đoàn văn công Nam bộ, sau này là trưởng Đoàn cải lương Nam bộ, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin, TPHCM) cũng chia sẻ về tinh thần làm nghề cao quý của thế hệ nghệ sĩ ngày ấy.
“Từ nhỏ tôi được ba cho theo đoàn để xem các cô chú tập luyện mỗi ngày. Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất chính là cách mọi người làm nghề bằng cả một tinh thần đam mê, và với các cô chú, danh sự nghệ sĩ là sự ghi nhận cho nỗ lực cả một đời theo nghề”.
Theo sggp.org.vn