Qua 6 kỳ tổ chức, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) đã trở thành điểm hẹn của nhiều nền điện ảnh trên thế giới. Tại HANIFF VII, điện ảnh Việt Nam có sự hiện diện khá đông đảo ở các hạng mục. Đây là một tín hiệu tích cực. Nhưng hành trình của các nhà làm phim Việt Nam vẫn gặp nhiều vấn đề nan giải.
|
Trình chiếu các tác phẩm điện ảnh tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2024. |
Cơ hội hiếm cho phim trẻ
Lần đầu tiên tham dự HANIFF, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Khôi Nguyên nhận xét, đây là LHP có uy tín, ngoài việc được quảng bá dự án đang thực hiện, đây cũng là cơ hội để các nhà làm phim trẻ được học hỏi từ các nhà làm phim quốc tế, qua đó nắm bắt phần nào được thị hiếu thị trường của các LHP trong nước và quốc tế hiện nay. Dự án nhóm làm phim độc lập của Khôi Nguyên đang trong giai đoạn bắt đầu và hy vọng sẽ tìm được nhà đầu tư, nhà sản xuất đặt niềm tin để cùng phát triển dự án.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà sản xuất phim, giám khảo chợ dự án HANIFF VII Nguyễn Phan Quang Bình cảm nhận, các bạn trẻ tại chợ dự án phim năm nay cũng giống như chúng tôi vài chục năm trước. Cũng đi rất nhiều chợ dự án tại nước ngoài, gặp gỡ chia sẻ tìm cơ hội cho nghệ thuật điện ảnh của mình. Chợ dự án năm nay góp mặt nhiều nhà làm phim trẻ nhưng cũng có cả những nhà điện ảnh gạo cội. Nên chúng tôi phải rất cân nhắc để làm sao vừa giới thiệu được gương mặt mới, vừa đưa ra được những góc nhìn điện ảnh mới.
Trên phương diện về nghệ thuật, một số tác phẩm của các nhà sản xuất trẻ khá hay. Tuy vậy, vẫn còn những hạt sạn nhỏ mà nếu có những góp ý từ các nhà biên tập hay những người giàu kinh nghiệm thì sẽ vừa đỡ được kinh phí mà chất lượng phim có thể tốt lên rất nhiều. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát góp ý, như bộ phim công chiếu khai mạc, mất gần 20 phút đầu tiên khá tẻ và vẫn còn những tình tiết chưa logic. Như vậy, để nói các nhà làm phim trẻ rất say mê, nhiệt huyết nhưng vẫn còn “để hở” một số vấn đề chuyên môn.
Bài toán khó mang tên ngân sách
Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, trước đây ngân sách nhà nước cấp để mỗi năm sản xuất khoảng 10 bộ phim, nhưng “nồi cơm” này dần hạn hẹp. Giờ đây chỉ đủ sản xuất 2 đến 3 bộ phim về đề tài lịch sử, danh nhân… và chia đều cho các hãng phim. Còn với các nhà làm phim độc lập thì phải tự đi tìm nguồn kinh phí. Bà Ngát liên tưởng, các doanh nhân ở Việt Nam cũng nên có tư duy rằng, điện ảnh cũng là một món hàng giống như các mặt hàng khác họ đang kinh doanh. Tôi đã nói nhiều lần nhưng hầu như không có doanh nhân nào thấy điện ảnh là một món hàng để đầu tư mặc dù đã có thị trường điện ảnh với vài trăm rạp chiếu phim đang hoạt động trên cả nước. Nếu có những “bàn tay đỡ” từ các doanh nghiệp lớn, các nhà điện ảnh sẽ có cơ hội được thể hiện mình.
Vấn đề này càng khó khăn đối với các nhà làm phim trẻ. Theo đạo diễn Hà Lệ Diễm, thách thức lớn mà hầu hết các bạn trẻ đang gặp là nguồn ngân sách. Do khó khăn chung của kinh tế thế giới, gần đây các quỹ điện ảnh đã bị cắt giảm đi rất nhiều. Việt Nam chưa có quỹ dành cho phim độc lập nên chúng tôi phải tìm ở bên ngoài. Tuy vậy, để có sự tài trợ các nhà làm phim độc lập cần chứng minh được năng lực của mình với các quỹ điện ảnh.
Cơ chế ràng buộc hạn chế bay bổng…
Vấn đề cơ chế đang là nỗi lo của các nhà làm phim. Một số so sánh cho thấy, ngày trước, làm phim chỉ phải duyệt một lần và chuyển kinh phí làm hai lần. Lần đầu khoảng 80% để nhà sản xuất tập trung thực hiện bộ phim, rồi đến khi quyết toán xong sẽ nhận 20% còn lại. Nhưng bây giờ, kinh phí phải chia từ 4 đến 5 lần và duyệt đến cả chục lần. Để cân đối giấy tờ thanh toán phải mất rất nhiều thời gian hơn là tập trung cho sáng tác. Nghĩa là có quá nhiều cơ chế ràng buộc khiến các nghệ sĩ không còn đầu óc đâu để còn bay bổng với nghệ thuật.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Nếu tăng thuế một cách cơ học như vậy sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của văn hóa. Tôi cũng rất cần sự chung tay của tất cả mọi người cùng có thêm tiếng nói với các đại biểu Quốc hội như tôi, đặc biệt là các hiệp hội để có thể giữ lại mức thuế ưu đãi đối với các sản phẩm văn hóa, nhất là điện ảnh.
|
Còn theo nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan, khó khăn trước mắt đối với các nhà làm phim đang là chính sách thuế. Thuế VAT đối với sản xuất phim tại Việt Nam đang ở mức 5%, sắp tới có khả năng sẽ lên gấp đôi tức là 10%. Không hiểu tại sao lại có thể sẽ tăng thuế đối với điện ảnh như vậy, bởi đây là ngành đặc biệt và đầy rủi ro. Và hiện cũng không có một chính sách nào để các nhà làm phim tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Nhà sản xuất cho biết, chúng tôi vẫn phải chịu lãi suất từ 10 đến 12% một năm khi vay ngân hàng để thực hiện một bộ phim giống như các ngành nghề kinh doanh khác.
Về vấn đề này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho biết, tôi là người rất phản đối việc tăng thuế đối với các sản phẩm văn hóa bởi đây là lĩnh vực rất quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Theo dự kiến, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các sản phẩm văn hóa sẽ tăng lên 10%, chỉ có hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống sẽ không bị áp mức thuế này. Do quan điểm của các nhà làm luật về chính sách thuế cho rằng, mức 5% đối với các sản phẩm văn hóa là thấp nhất so với thế giới. Tuy nhiên, khi chúng ta đang ở trong giai đoạn có sự quan tâm đặc biết đối với văn hóa thì nên giữ nguyên mức thuế hiện tại là 5%.
Rõ ràng, để có thể khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nghệ sĩ, các nhà sản xuất phim…, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ điện ảnh ngày càng cao của nhân dân, cần tháo gỡ được các vấn đề hiện tại, tạo chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ. Có như thế, điện ảnh Việt Nam mới có thể “Sáng tạo - Cất cánh” như chủ đề mà Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần này hướng tới.
(Theo nhandan.vn)
.